Trọn đời làm theo lời Bác
(HGĐT)- “Là một chiến sỹ Công an được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, được Bác tặng hoa và chụp ảnh với Người là vinh dự lớn nhất cuộc đời tôi. Niềm vinh dự đó luôn là ngọn đuốc soi đường, hun đúc tôi suốt đời phấn đấu, rèn luyện theo lời Bác Hồ dạy Công an nhân dân”. Đó là tâm sự của bà Đinh Thị Khu, nữ chiến sỹ Công an duy nhất vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961.
Chúng tôi đến gia đình người nữ chiến sỹ Công an có vinh dự được bảo vệ, chụp ảnh, nói chuyện với Bác Hồ khi người lên thăm Hà Giang ngày 26.3.1961, đúng dịp cả nước đang sôi sục khí thế thi đua chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Trong ngôi nhà khang trang ở tổ 3, phường Minh Khai (thị xã Hà Giang) bà đang ngồi ru cháu. Lời ru của bà có cánh cò trắng bay, có câu ca dao ngọt ngào đưa thiên thần nhỏ - đứa cháu nội thứ 2 vào giấc ngủ thanh bình. Năm nay bước sang tuổi 70, đôi mắt bà sáng, dáng thanh thanh, nhanh nhẹn. Khi chúng tôi gợi lại kỷ niệm ngày bà vinh dự được gặp Bác Hồ, đôi mắt ấy bỗng rực lên, giọng nói đầy xúc động.
Năm 19 tuổi, bà gia nhập lực lượng Công an, công tác ở đồn Công an thị xã Hà Giang với nhiệm vụ quản lý hộ tịch, hộ khẩu. Giai đoạn đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có nhiều phức tạp, những vụ gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản thường xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Ngay khi vào nghề, bà cùng anh em trong đội thường xuyên tuần tra, nắm địa bàn. Hàng đêm, bước chân người chiến sỹ Công an có mặt khắp nẻo đường, từ khu dân cư đến các cơ quan, xí nghiệp, kho thóc tập thể. Có những buổi tuần tra kéo dài đến tận đêm khuya, lòng nhiệt tình, hăng say công việc khiến mọi người quên đi cái rét, cái đói. Những đêm tuần tra ấy đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, mang lại giấc ngủ bình yên cho nhân dân.
Tuy mới tham gia lực lượng Công an được hai năm nhưng bà đã chứng minh được năng lực, được cấp trên giao thực thi nhiều nhiệm vụ quan trọng. Năm 1961, Bác Hồ lên thăm Hà Giang, bà là nữ chiến sỹ Công an duy nhất được giao nhịêm vụ bảo vệ Bác Hồ. Nhớ lại quãng thời gian cách đây 48 năm, bà không giấu nổi xúc động, giọt nước mắthạnh phúc lại trào ra từ khoé mắt, lăn dài trên đôi má nhiều nếp nhăn của thời gian… Ngày đó, mỗi chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn được bảo mật tuyệt đối, chỉ những người trực tiếp làm nhiệm vụ mới biết rõ. Trước ngày Bác lên, bà cũng chỉ biết có đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng lên thăm. Nhiệm vụ của bà cùng các đồng chí trong đội nắm tình hình, bảo vệ an toàn tuyệt đối chuyến thăm đó. Đúng ngày 26.3, hai chiếc trực thăng xuất hiện trên bầu trời thị xã, 1 chiếc bay vào sân bay Phong Quang (xã Phong Quang - Vị Xuyên), 1 chiếc đáp xuống vị trị cầu Mè. Chỉ khi Bác bước xuống trực thăng, lên xe của Tỉnh uỷ bà mới biết vị lãnh đạo cấp cao là Bác Hồ kính yêu. Dù chỉ được giao nhiệm vụ nắm tình hình, bảo vệ vòng ngoài nhưng bà rất xúc động. Tối hôm đó, bà được giao nhiệm vụ bảo vệ buổi làm việc của Bác với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Sau đó, bà tiếp tục được giao bảo vệ buổi nói chuyện của Bác với nhân dân các dân tộc tỉnh ta tại Quảng trường lớn (Quảng trường 26.3).
Đêm hôm đó, bà cùng anh em trong đơn vị không thể nào ngủ được, niềm vui, hạnh phúc, hồi hộp. Từ 4 giờ sáng, trên khắp các ngả đường người dân mang cờ, hoa, biểu ngữ kéo về Quảng trường. Ngay từ 2 giờ sáng, bà cùng các chiến sỹ Công an đã có mặt tại Quảng trường, hướng dẫn bà con xếp thành hàng. Riêng bà được phân công bảo vệ khu lễ đài, nơi Bác đứng nói chuyện. Sau buổi nói chuyện tại Quảng trường, Bác ra máy bay, trong lúc tiễn Bác, bà được Bác thăm hỏi ân cần. Bác hỏi bà bao nhiêu tuổi, đi làm được lâu chưa… Những lời nói của Bác với nữ chiến sỹ Công an Đinh Thị Khu được đăng trên đặc san CAND và bà ghi lại vào chiếc khung lớn, nền đỏ, chữ vàng đặt ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà. Hàng ngày, bà, các thành viên trong gia đình vẫn nhìn lên đó để tự hào thêm truyền thống của gia đình.
Sau lần gặp Bác, bà luôn cố gắng rèn luyện. Bản thân bà trải qua nhiều công việc, chức vụ khác nhau. Khi thì công tác tại Công an tỉnh, khi lại ở cơ sở, nhưng dù ở cương vị nào bà cũng luôn vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với công việc bà năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo, trong cuộc sống đời thường bà luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ mọi người. Tâm sự với chúng tôi, bà nói: Năm 1959 bà vinh dự được rèn luyện, phấn đấu trong ngành Công an. Quá trình công tác, bà được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. 31 năm phấn đấu, bà luôn tự nhủ thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đó là: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ/ Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc phải tận tụy/ Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”. Và mỗi khi khó khăn, bà lại tự nhìn, soi vào đó để vượt qua. Năm 1990 bà về nghỉ hưu, nhưng với phẩm chất người chiến sỹ Công an nhân dân, bà tích cực tham gia hoạt động ở tổ dân phố, có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giúp nhau phát triển kinh tế.
Những năm tháng còn công tác, bà vừa làm tốt công việc Đảng, Nhà nước giao, vừa thực hiện tốt vai trò của người vợ, người mẹ để chồng yên tâm công tác, các con được học hành chu đáo. Nhờ sự tảo tần của bà, ông Đào Huy Phán chồng bà cũng yên tâm phấn đấu, thực hiện tốt cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên đến khi nghỉ hưu. Cuộc sống gia đình công chức thời tem phiếu hết sức khó khăn, sau giờ làm việc, ông bà lại tăng gia nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau. Cảm nhận được tình thương, nỗi vất vả của bố mẹ, các con của ông, bà luôn cố gắng học tập đến nay đều trở thành cán bộ Nhà nước. Trong 4 người con, anh con trai út cũng nối nghiệp mẹ, hiện đã trở thành cán bộ ngành Công an. Sau những ngày làm việc, cuối tuần đại gia đình lại xum họp. Bên những đứa cháu líu lo chuyện, bà như trẻ lại. Và câu chuyện bà gặp Bác luôn được kể cho con, cháu nghe. Những lời nói giản dị, cử chỉ ân cần, gần gũi của Bác được bà kể lại để nhắc nhở con, cháu về tính khiêm tốn, giản dị. Những câu chuyện đó là bài học trực quan, sinh động về học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người và mọi thành viên trong gia đình luôn thấm nhuần, vận dụng vào thực tiễn giao tiếp, thực thi công việc ở cơ quan và cuộc sống hàng ngày. Với nếp sống giản dị, chân thành, cởi mở, gia đình bà Đinh Thị Khu luôn được bà con lối xóm yêu thương, quý trọng và noi gương.
Chia tay gia đình bà Khu khi thiên thần nhỏ vừa thức giấc với nụ cười thánh thiện, cháu với theo đòi chúng tôi bế. Nâng đứa cháu trên tay, bà Khu nói: Đến nay bà đã có 7 cháu nội, ngoại, cháu nào cũng ngoan, hiền, chăm học và rất mến khách. Đây là đức tính tốt đẹp, là truyền thống của gia đình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ý kiến bạn đọc