Sức trẻ của một kỹ thuật viên viễn thông
(HGĐT)- “Vững vàng về chuyên môn, chân thành với đồng nghiệp, nhiệt tình và có trách nhiệm cao trong công việc, xử lý nhanh, nhạy, kịp thời các sự cố mạng lưới xảy ra...” -Đó là lời nhận xét của Phó Giám đốc Viễn thông Hà Giang Phạm Trần Hòa khi nói với chúng tôi về kỹ thuật viên viễn thông Nguyễn Ngọc Dũng, hiện công tác ở Trung tâm Viễn thông 1.
Nguyễn Ngọc Dũng. |
Sinh và lớn lên trên mảnh đất Việt Vinh (Bắc Quang) trong một gia đình cả cha, mẹ đều là nhà giáo và 3 cô em gái cũng đang công tác trong ngành Giáo dục. Nhưng ngay từ những ngày còn nhỏ, Nguyễn Ngọc Dũng lại say mê chuyên ngành công nghệ thông tin. Tốt nghiệp trường Công nhân Bưu điện Miền núi Thái Nguyên, cuối năm 1992 anh được tuyển vào công tác tại Bưu điện huyện Vị Xuyên với nhiệm vụ vận hành bảo dưỡng tổng đài. Nhớ lại những ngày đầu mới vào công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bưu điện huyện rất sơ sài, Bưu điện huyện dùng tổng đài từ thạch và cả huyện Vị Xuyên mới chỉ có 34 máy điện thoại. Công việc của một cán bộ vận hành bảo dưỡng tổng đài lúc đó không nhiều, nên thời gian rảnh ở cơ quan, anh thường nghiên cứu sách vở đã được học ở trường, cộng với thực tế khi đi sửa chữa các sự cố về đường dây, máy móc, tổng đài anh đã đúc rút cho mình rất nhiều kinh nghiệm.
Năm 1997, anh được Ban Giám đốc Bưu điện huyện tín nhiệm và cử đi học Cao đẳng truyền mạch của Trung tâm Đào tạo BC-VT I tại thành phố Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ), anh say mê học tập và đạt kết quả cao. Sau 3 năm hoàn thành khóa học trở về, lúc này nền KT-XH của huyện Vị Xuyên đã phát triển hơn, đời sống nhân dân được nâng cao, huyện đã phát triển được hàng nghìn chiếc máy điện thoại thì công việc của một kỹ thuật viên viễn thông không còn thảnh thơi như trước. Anh tích cực cùng các đồng nghiệp phát triển thuê bao trên địa bàn huyện, xử lý các sự cố mạng xảy ra. Năm 2000, khi T.Ư điều chuyển cho Bưu điện huyện Vị Xuyên 1 chiếc tổng đài SiMen từ tỉnh Hải Dương về lắp đặt thay cho tổng đài cũ đã hết số. Hoạt động một thời gian thì tổng đài này bị trục trặc, làm ảnh hưởng đến thông tin liên lạc trên địa bàn huyện. Đây là loại tổng đài không có thiết bị cạc thay thế, tìm mua trong nước cũng không có. Làm thế nào để tổng đài hoạt động tốt, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương? Bằng kiến thức đã được học trong nhà trường, tự mày mò thêm tư liệu trên các sách, báo, anh đã cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu cách sửa chữa cạc tổng đài của Bưu điện huyện và anh đã thực hiện thành công, góp phần đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, tiết kiệm kinh phí cho đơn vị.
Tháng 5.2007, anh được Ban Giám đốc Viễn thông Hà Giang chuyển công tác về Tổ ứng cứu Trung tâm Viễn thông 1. Đây là Trung tâm có nhiệm vụ xử lý, ứng cứu các sự cố xảy ra về mạng viễn thông của toàn tỉnh. Công việc mới này, nhiệm vụ đặt cho anh Dũng và anh em trong đơn vị rất nhiều. Vì địa bàn hoạt động rộng, vào mùa mưa các thiết bị thường hay bị ảnh hưởng của sấm sét, trục trặc thường xuyên. Không quản mọi khó khăn, bất kể ngày đêm, khi có sự cố xảy ra, anh đã cùng anh em trong tổ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Anh kể, nhiều khi đang đêm ở nhà với vợ con, nghe đơn vị báo huyện này hay xã kia bị xảy ra sự cố về đường truyền, trục trặc thông tin liên lạc, anh lại cùng anh em trong tổ tức tốc lên đường.
Hiện anh đang theo học đại học ở Học viện BC-VT. ước mơ của anh là được khám phá, nắm bắt công nghệ viễn thông mới để nâng cao kiến thức áp dụng vào công việc hàng ngày. Tin tưởng rằng với những gì đã đạt được, Nguyễn Ngọc Dũng sẽ ngày càng tiến xa trên con đường sự nghiệp, góp sức của mình vào sự phát triển của Viễn thông tỉnh nhà.
Ý kiến bạn đọc