“Hộ lý khoa Truyền nhiễm - Công việc không phải ai cũng dám làm”

16:55, 22/02/2008

(HGĐT)- Đó là câu khẳng định của chịBùi Thị Kim Liên, điều dưỡng Trưởng khoa Truyền nhiễm. Còn đối với hộ lý Đỗ Thị Liên, người có hơn 14 năm tiếp xúc, lau dọn những máu mủ, dịch tiết cho người bệnh ở khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thì tâm sự: “Có người hỏi về công việc nhiều khi tôi không dám trả lời là mình làm hộ lý ở khoa Truyền nhiễm, mặc cảm thì ít mà sợ họ không thông cảm thì nhiều.


Thời gian đầu về nhận công tác, mỗi lần bước vào cửa phòng bệnh là thấy sờ sợ chỉ muốn quay ra ngay. Nhưng rồi, càng tiếp xúc với bệnh nhân càng thấy họ đáng thương và cần được đối xử như bao người bệnh khác nên tôi cũng thấy quen dần rồi quyết tâm ở lại phục vụ họ”. Đã từng là người thợ có tay nghề cao ở xưởng dệt Hà Giang, nhưng khi xoá bao cấp, chị Đỗ Thị Liên lại chọn vào làm việc ở khoa Truyền nhiễm. Giờ đây, bước sang tuổi thứ 47 cũng là năm thứ 14 chị gắn bó ở cái nơi, như lời chị tâm sự, nhiều người đến thăm người thân mình mắc bệnh, vừa nhìn thấy biển đề “khoa Truyền nhiễm” đã dụt dè sợ hãi rồi cuống cuồng bịt khẩu trang kín bưng, ngồi thăm hỏi được vài ba phút rồi lại vội vã đi luôn. Đúng vậy, có vào khoa, chứng kiến những bệnh nhân ngứa, chốc lở đầy mình, những bệnh nhân mắc các bệnh lây nhiễm qua tất cả các con đường, từ hắt hơi, tiêu hoá đến qua da, đường máu, chất nôn, nước tiểu... mới thấy lời chị Liên nói chẳng sai. Vậy mà chị không nề hà làm tất cả từ lau quét nhà, dọn dẹp phòng, lấy cơm, đun nước uống đem đến tận giường cho người bệnh, thu - phát chăn màn, đồ dùng, bưng đổ phân, chất thải tiết chứa đầy nguồn lây bệnh đến dọn dẹp quang cảnh khoa phòng, đưa các xét nghiệm của từng người bệnh đến đúng các khoa phòng chức năng khác trong bệnh viện. Thậm chí, có những bệnh nhân không có người thân chăm sóc, người mắc bệnh nặng hay ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đến không biết tiếng phổ thông chị còn kiêm luôn cả việc tắm rửa thay quần áo cho họ. Công việc “thập cẩm” là vậy mà không chỉ đảm nhiệm riêng ở một khoa, chị còn kiêm luôn hộ lý ở khoa Da liễu, phòng khám HIV/AIDS với gần 30 giường bệnh và số lượng công việc luôn ở trong tình trạng quá tải.

Chị Liên nói: “Nghề làm dâu trăm họ đã khó lại làm dâu trong tình trạng người bệnh đau đớn, thậm chí chịu cả sự xa lánh của người thân. Nếu mình không cư xử khéo và làm việc chu toàn rất dễ bị lây nhiễm bệnh từ họ”. Người mắc AIDS vào Khoa điều trị đều đã ở giai đoạn cuối, gia đình đưa họ vào đây như là một trách nhiệm, một niềm an ủi người bệnh. Nhưng chị Liên thì lại nghĩ khác, người nào đến với Khoa cũng là Người bệnh và cũng được chị chăm sóc đối xử như nhau. Riêng với bệnh nhân AIDS chị lại dành sự chăm sóc chu đáo hơn, vì chị nghĩ, họ không chỉ cần ở bác sỹ những liều thuốc giảm đau về thể xác, mà họ còn cần ở các chị liều thuốc tinh thần, đó là sự chăm sóc chu đáo, bình đẳng, lời hỏi thăm ân cần hằng ngày, đôi khi đơn giản chỉ là lấy cho họ hớp nước, sắp xếp đồ dùng gọn gàng trong ngăn tủ, lau lại cái nền nhà bẩn mà không may họ nôn hoặc tiểu tiện ra.


Điều dưỡng Trưởng Bùi Thị Kim Liên cho biết: Bệnh nhân đến Khoa đa số đều nghèo nên rất cần được cảm thông về hoàn cảnh và tình trạng bệnh tật, cần một chỗ yên tĩnh, sạch sẽ để nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Ngược lại, người điều dưỡng, hộ lý ở khoa này ngoài chịu một áp lực về sự lây nhiễm trong công việc, còn phải chịu áp lực về tâm lý ngay cả với các đồng nghiệp trong bệnh viện, với người thân trong gia đình và với xã hội. Nhiều người còn khuyên chúng tôi là sao không chọn khoa khác, hay một công việc khác để làm. Nhưng nếu ai cũng kỳ thị, cũng mặc cảm với những người mắc các bệnh lây thì còn ai chăm sóc họ.


Ngoài việc bệnh nhân nghèo đến điều trị được hưởng bữa ăn miễn phí từ bếp ăn tình thương của bệnh viện, cán bộ khoa Truyền nhiễm còn quyên góp dành riêng cho họ manh áo ấm trong mùa đông giá rét, hộp sữa, cân đường hay là những đồng tiền tặng họ và người thân mua vé xe trở về nhà. Nhưng không chỉ bệnh nhân nghèo, mà tất cả người bệnh điều trị tại khoa Truyền nhiễm đều nhớ đến hình ảnh người hộ lý hiền lành, ít nói nhưng luôn âm thầm, cần mẫn lau chùi để cho họ có chỗ ngủ, nghỉ sạch sẽ, yên tĩnh, lo từng bữa ăn, nước uống ngay từ khi họ bước chân vào Khoa đến lúc ra về mà không để ai phật lòng bao giờ. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân nghèo vùng cao không biết tiếng phổ thông, không thông thạo đường đi lối lại ngay cả trong bệnh viện, thì những việc làm của chị Liên dành cho họ lại càng có ý nghĩa lớn lao. Mới đây nhất là bệnh nhân Ly Mí Lúa ở tận Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) đến Khoa điều trị, khi khỏi bệnh ra về, cả bệnh nhân và người thân của họ, dù không biết nói tiếng phổ thông, nhưng cái nắm tay và giọt nước mắt thay lời cảm ơn lại là món quà vô giá họ dành tặng chị. Hình ảnh đó đã tô đẹp thêm tấm lòng của người thầy thuốc Hà Giang, vẻ đẹp không chỉ thể hiện ở những đơn thuốc điều trị đắt tiền, những khoa học kỹ thuật tiên tiến áp dụng trong điều trị bệnh nhân thông qua đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng viên có tay nghề cao, mà còn được thể hiện bằng tấm lòng y đức từ những việc làm tầm thường nhất nhưng lại vô cùng cao quý, đó là nghề hộ lý, mà người hộ lý ở khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một điển hình.


Hoa Thủy Tiên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cuộc vận động ở Đảng bộ huyện Xín Mần
(HGĐT) Thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị về việc tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sau gần một năm triển khai, Đảng bộ huyện Xín Mần đạt được những kết quả quan trọng.
30/11/2007
Nữ cán bộ đoàn sôi nổi
(HGĐT)- Mua Thị Mỷ, dân tộc Mông, sinh năm 1983 và lớn lên trong một gia đình có 9 anh chị em tại xóm Sủng Trái, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn. Là con thứ 6 trong gia đình đông anh chị em, Mỷ vất vả vừa phải đi học vừa phụ giúp gia đình công việc hàng ngày.
29/10/2007
Chị Phạm Thị Mơ phát triển kinh tế đa thu nhập
(HGĐT)- Được sự giới thiệu của đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Linh Hồ (Vị Xuyên), chúng tôi đến gặp chị Phạm Thị Mơ, là một trong những hộ gia đình nông dân phát triển kinh tế đa thu nhập tiêu biểu của xã.
28/01/2008
Mô hình kinh tế V.A.C của anh Bảo
(HGĐT)- Ở phường Quang Trung (TXHG), đang rộ lên phong trào làm kinh tế trong các gia đình đoàn viên, thanh niên - lao động trẻ của phường, trong số những mô hình kinh tế đã và đang thực hiện tại cơ sở, được đánh giá cao nhất là mô hình trồng na của gia đình anh La Văn Lập và VAC của anh Vi Quốc Bảo (dân tộc Tày) ở tổ 9. Trong một lần đến thăm gia đình anh Bảo, tôi được
25/10/2007