Người “Giữ lửa” cho dân tộc Mông
(HGĐT)- Vừa rồi, tôi có một chuyến đi thực tế đầy thú vị tại huyện Mèo Vạc và được gặp bác Thào Thị Chúa (đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Mèo Vạc), người phụ nữ ngoài 50 tuổi đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở, chân thật vốn có.
Tôi thật sự bất ngờ khi vừa đặt vấn đề của mình mong muốn được tìm hiểu vốn văn hóa của người Mông, bác đã vui vẻ nhận lời ngay. Một người phụ nữ với biết bao công việc gia đình và gánh nặng công việc đoàn thể, vậy mà bác chẳng ngần ngại giúp đỡ một cô sinh viên như tôi. Nghe bác trò chuyện, tôi cảm thấy thấm thía và xúc động trước những lời tâm sự chân thành của bác: “Dân tộc Mông là một dân tộc có nền văn hóa rất phong phú, giàu bản sắc, nhưng đáng buồn khi những giá trị văn hóa ấy dần bị mai một, tôi rất muốn làm một cài gì đó để giữ gìn những bản sắc vốn có của dân tộc mình”. Những lời tâm sự và ước muốn chân thành của bác Chúa, một con người của dân tộc Mông đã gieo vào lòng tôi sự xúc động thực sự. Khi cuộc sống ngày càng phát triển con người có xu hướng tiến tới những cái hiện đại, hào nhoáng hơn, thì những giá trị mang đậm bản sắc dân tộc ngày càng có nguy cơ bị “mất giá trị”. Vì vậy những người như bác thật đáng trân trọng.
Không ngần ngại, bác dẫn tôi vào một gian phòng nhỏ, rồi nói nơi đó chính là tâm huyết cả cuộc đời bác. Căn nhà của bác Chúa không lớn lắm, nhưng vẫn dành riêng một gian phòng nhỏ để trưng bày những giá trị vật thể văn hóa của người Mông mà bác cất công tìm tòi và phát hiện. Bước vào căn phòng nhỏ, tôi thêm một lần nữa bất ngờ bởi gian phòng không lớn lắm nhưng sức nặng những giá trị văn hóa mà nó mang thì quả là không đo, đếm được. Trong gian phòng trưng bày rất nhiều: Từ những bộ váy dân tộc sặc sỡ được xếp gọn trong tủ kính, đến những chiếc khèn với đủ mọi kiểu dáng, cả những di vật cổ như chiếc chum đựng bạc, chiếc cối giã ớt... tất cả được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, kèm theo những lời giải thích giản dị nhưng xúc tích của bác.
Bác Chúa say sưa hướng dẫn tôi tìm hiểu từng nét văn hóa của người Mông thể hiện trên những giá trị vật thể đó, sự say sưa chẳng kém gì những hướng dẫn viên du lịch thực thụ.
Để có được những di sản văn hóa lớn này, bác Chúa đã phải đánh đổi rất nhiều thứ như thời gian, công sức, thậm chí cả vật chất nữa. Chỉ vào cái chum bạc cổ, bác kể “Để có được nó bác đã phải đến tận nhà người ta nài nỉ họ để lại cho mình, mất hai cái nồi quân dụng và các thêm hai trăm nghìn đồng mới có được nó”.
Tìm tòi, giữ gìn những giá trị văn hóa này không phải chỉ để thỏa mãn sở nguyện của mình, bác Chúa còn giữ gìn chúng với một ý nghĩa cao đẹp, là mong muốn còn cháu người dân tộc Mông có thể hiểu và tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Chiều nào cũng vậy, cứ sắp xếp công việc gia đình và công việc đoàn thể xong, bác Chúa lại dong duổi khắp các xóm gần, bản xa hỏi thăm, tìm tòi và phát hiện những giá trị văn hóa mới của người Mông. Dấu chân bác đã in trên khắp các nẻo đường Mèo Vạc, bác vẫn còn đi, bởi niềm đam mê và ước muốn cao đẹp. Bác Thào Thị Chúa là một tấm gương cần được nhân rộng, là người đáng giữ “ngọn lửa” văn hóa của dân tộc Mông cháy sáng trong cuội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: Đỗ Ngọc Hoa
(Khoa Văn - ĐHSP Thái Nguyên)
Ý kiến bạn đọc