Sách mới: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

18:33, 29/04/2007
Đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là các giá trị được toát lên từ chính sự nghiệp, cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Người, là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo và sửa mình...

Ngày nay, xã hội đang có những diễn biến phức tạp. Mặt trái của nền kinh tế thị trường len lỏi vào nhận thức, lối sống và làm suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, việc chấn chỉnh, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết. Hội nghị Trung ương 12 khóa IX đã thảo luận và quyết định, triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp đó, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động trên trong toàn Đảng, hệ thống chính trị, bắt đầu từ ngày 3-2-2006 đến hết nhiệm kỳ khóa X. Để cung cấp tài liệu học tập, phục vụ cuộc vận động này, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản hai cuốn sách: Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gồm 3 chuyên đề:

Chuyên đề 1. Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay phân tích làm sáng tỏ sự cần thiết phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những nội dung học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Qua chuyên đề này, chúng ta nhận thức một cách chung nhất về những vấn đề cơ bản như: Đạo đức và vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội; Truyền thống và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta; thực trạng, nguyên nhân của sự suy thoái đạo đức và lối sống của một bộ phân không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay; từ đó ý thức sâu sắc hơn về yêu cầu cấp thiết của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Sự suy thoái đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên biểu hiện dưới nhiều dạng thức. Trước hết là, chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi… có xu hướng ngàng càng phát triển. Hai là, nạn tham nhũng, đưa và nhận hối lộ, bòn rút, lãng phí của công… diễn ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực và đã trở thành một “quốc nạn”. Ba là, tệ quan liêu, xa dân, lãnh đạm, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp, làm giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Bốn là, lối sống thiếu trung thực, cơ hội, “chạy chọt” vì lợi ích cá nhân, quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp thì kèn cựa, gây mất đoàn kết nội bộ. Năm là, lời nói không đi đôi với việc làm, nói và làm trái với nghị quyết của Đảng; nói một đằng, làm một nẻo; nói nhiều, làm ít; phát ngôn tuỳ tiện, vô nguyên tắc… gây rối ren nội bộ, hoài nghi, bất mãn trong nhân dân, mất uy tín trước quần chúng. Sáu là, suy thoái về đạo đức trong quan hệ gia đình và quan hệ giữa cá nhân với xã hội. Bảy là, sa sút về đạo đức nghề nghiệp. Cuốn sách đã phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng trên và khẳng định: “Để tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống như hiện nay phải thấy nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”.

Nội dung trọng tâm của chuyên đề 1 được trình bày trong phần thứ hai, đó là những nội dung chủ yếu của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức, bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức; những phẩm chất đạo đức cơ bản và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới; yêu cầu rèn luyện đạo đức với mỗi người cách mạng”. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một di sản vô giá và bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức. Năm đức tính cao cả của Người làm cho tấm gương của Người “trở nên cao thượng, tuyệt vời”.

Mục III. Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay trình bày bốn nội dung, yêu cầu. Một là, thực hiện chuẩn mực đoạ đức Hồ Chí Minh “Trung với nước, hiếu với dân” cần quán triệt những nội dung của chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn mới; phát huy sức mạng đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Hai là, Thực hiện đúng lời dạy “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Ba là, nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Bốn là, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuyên đề 2. Giới thiệu tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm được Người viết và công bố nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1969). Tuy ngắn gọn nhưng bài viết đã đề cập đến những vấn đề mang tính tổng kết thực tiễn; bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức nói riêng. Để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Bác viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. Có thể nói, quan điểm và tư tưởng trong bài viết của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự.

Chuyên đề 3. Giới thiệu tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một tác phẩm quan trọng chứa đựng nhiều tư tưởng lớn, tình cảm và di nguyện của Người trước lúc đi xa. Bác viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản tỏa sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cuốn sách Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm hai phần:

Phần thứ nhất: Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức trình bày quan điểm chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức đối với các tầng lớp nhân dân và con đường hình thành đạo đức mới, phê phán những hiện tượng phi đạo đức. Người đọc có thể hiểu kỹ hơn về các phẩm chất Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư… được Bác kế thừa trong học thuyết Nho giáo và phát triển lên một tầm cao mới cho phù hợp với yêu cầu của thời đại. Những lời dạy của Bác bao giờ cũng giản dị, gần gũi ngôn ngữ đời thường nhưng súc tích mà sâu sắc. Nhưng khi phê phán các thói hư, tật xấu, các hiện tượng phi đạo đức thì ngòi bút của Bác cực kỳ sắc bén và tính chiến đấu cao. Các thứ “bệnh” như: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, vô kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương chủ nghĩa, óc lãnh tụ, cá nhân, bè cánh… xuất hiện trong cán bộ, đảng viên đã bị lên án mạnh mẽ. Đó cũng là quan niệm xây đi đôi với chống trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phần thứ hai: Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những câu chuyện rất đời thường nhưng đầy cảm động mà những người đã từng gặp Bác kể lại. Từ việc Bác tăng gia rau cải, sẻ đôi bát chè cho đồng chí liên lạc, vào hầm trú ẩn, sửa lại chiếc dép cao su đến bữa cơm kháng chiến… khiến cho người đọc xúc động mạnh mẽ. Qua những câu chuyện đó, chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc hơn về đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh, một tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người; một tấm lòng nhân ái, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì nhân dân; một nếp sống giản dị và khiêm tốn đến phi thường.

Hai tập sách được biên soạn một cách khoa học, bố cục hợp lý, văn phong trong sáng và dễ hiểu là tài liệu học tập, là sách “gối đầu giường” của các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Đảng Cộng sản

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đặng Văn Huynh - người thầy thuốc của dân
Nói về anh, viết về anh thì không riêng gì tôi mà nhiều người biết đến anh, một thầy thuốc đã nhiều năm gắn bó với vùng cao biên giới huyện Vị Xuyên, một người mà nhiều người bệnh biết đến tên tuổi, nhiều đồng nghiệp tin yêu, mến phục.
27/02/2007
Người chính trị viên gương mẫu
Sinh ra và lớn lên tại làng Tấn, xã Thanh Vân (Quản Bạ), Hùng Minh Hòa lớn lên trong một gia đình có truyền thống gắn bó quân đội. Bố anh là bộ đội chuyển ngành làm việc tại Kiểm lâm Yên Minh.
26/03/2007
Bắc Mê, tổ chức lớp học chuyên đề về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Sáng 25.4, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Mê đã tổ chức lớp học chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ - CCVC thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
25/04/2007
Yên Minh tích cực triển khai cuộc vận động
Cùng với Đảng ủy Dân chính Đảng và huyện Vị Xuyên, Yên Minh cũng là nơi tỉnh ta lựa chọn làm điểm cho cuộc vận động học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
23/04/2007