"Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" trong tư tưởng Hồ Chí Minh

15:31, 30/04/2007

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, Bác Hồ đã khuyên con người, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, thiếu một trong bốn đức tính trên thì không thể trở thành người lãnh đạo. 


Tư tưởng này của Bác nhằm đề phòng ham muốn về vật chất, thói hiếu danh, kiêu ngạo, tham ô, xa hoa, lãng phí. Người mong muốn mọi người giữ mình trong sạch. Bác Hồ cho rằng, cán bộ nói chung, cán bộ quản lý, lãnh đạo nói riêng không phải là “quan cách mạng”, đứng trên quần chúng mà là đầy tớ của nhân dân, công bộc của dân, cho nên phải rèn luyện, thực hiện “cần, kiệm, liêm chính” để xây dựng đất nước, lo cho dân. Ngày nay chúng ta tiếp tục kế thừa tư tưởng, đạo đức đó của Hồ Chí Minh để chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ta là cấp bách.


“Cần”,
theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cần cù lao động, có tinh thần khuyến khích và giúp đỡ người khác làm tốt công việc; là tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc mình đảm nhiệm. Tính hiệu quả là yêu cầu bức thiết trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cán bộ quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, “cần” trong giai đoạn phat triển và hội nhập ở nước ta là đức tính không thể không có đối với người cán bộ quản lý.

 

“Kiệm”, có nghĩa là người lãnh đạo phải biết tiết kiệm thời gian, tiền của của mình và của nhân dân, tiết kiệm trong đời sống, trong sinh hoạt; kiên quyết chống lãng phí, xa hoa của cải của cá nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cũng nên suy nghĩ đúng đắn về “kiệm”, không nên hiểu “kiệm” chỉ có nghĩa hẹp, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “thắt lưng, buộc bụng”, nắm cơm với quả cà để xây dựng chủ nghĩa xã hội; hay cán bộ không được mua sắm và sử dụng những phương tiện hiện đại phục vụ cho công việc trong khi đã có điều kiện. Như Bác Hồ từng nói “khi có việc đáng làm, vì lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng... việc đáng tiêu dùng mà không tiêu là bủn xỉn, dại dột chứ không phải là “kiệm”. Cái mà chúng ta giáo dục, đấu tranh với cán bộ là lối sống gấp, lãng phí, chạy theo thị hiếu không lành mạnh dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống.

 

Để được kính trọng, người cán bộ lãnh đạo phải “liêm”. “Liêm” là không tham ô, tôn trọng tài sản cua công và của nhân dân. Để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, trước hết đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương về “liêm”, cán bộ lãnh đạo, quản lý không nghiêm, phạm vào các thói hư như tham ô, tư lợi bất chính, lãng phí... thì không mang lại niềm tin cho quần chúng, làm suy yếu nội bộ Đảng và xã hội. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng đã trở thành tội phạm chỉ vì bất “liêm”.

 

“Chính” là việc phải dù nhỏ cũng phải làm, việc trái dù nhỏ cũng phải tránh. “Chính” đòi hỏi người cán bộ phải có tính thẳng thắn, trung thực, làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, làm việc bất chính. “Chính” cũng có nghĩa gần với chân lý, là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích, Tổ quốc, của nhân dân không phải là “chính”, không phải là chân lý. Người ra sức phụng sự Tổ quốc, nhân dân, tức là phục tùng chính nghĩa và chân lý. “Chính” là một trong những phẩm chất, tư cách của người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giai đoạn mà Việt Nam ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới, người cán bộ cách mạng nhất thiết phải có những phẩm chất đó.

 

“Chí công vô tư” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được hiểu với nghĩa quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người bao giờ cũng gắn liền với xã hội, không cô lập, tách rời với lợi ích xã hội. Hoạt động của cá nhân phải trên cơ sở nền tảng của xã hội, vì xã hội, trong đó có quyền lợi trực tiếp của bản thân mình. Mọi người phải đặt lợi ích chung của tập thể, của Quốc gia, dân tộc trên lợi ích cá nhân. Cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng không vì quyền lợi (nhất là quyền lợi không chính đáng) của riêng mình mà phạm đến lợi ích tập thể, lợi ích Quốc gia. Bác Hồ đã dạy về “chí công vô tư” là “đem lòng chí công vô tư” mà đối với người, đối với việc: Ham làm những việc ích nước lợi dân, không ham địa vị, công danh phú quý”. Chí công vô tư với ý nghĩa như vậy, vẫn phải là nội dung giáo dục và xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng trong giai đoạn cách mạng hiện nay ở nước ta.

 

“Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” là những phẩm chất đạo đức căn bản phải có của người cách mạng, người cán bộ lãnh đạo, quản lý.


Hoàng Việt (Bs)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quán triệt Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sỹ LLVT
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quang Bình vừa tổ chức lớp quán triệt Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sỹ Công an, Ban CHQS huyện tham gia học tập có hơn 50 đồng chí.
30/04/2007
Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Đến xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) chúng tôi được anh Vàng Quáng Thanh, Chủ tịch Hội CCB xã giới thiệu về một tấm gương điển hình đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế của xã, đó là anh Lý Văn Minh, dân tộc Nùng, hội viên Hội CCB của xã.
30/04/2007
Sách mới: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là các giá trị được toát lên từ chính sự nghiệp, cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Người, là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo và sửa mình...
29/04/2007
Người chính trị viên gương mẫu
Sinh ra và lớn lên tại làng Tấn, xã Thanh Vân (Quản Bạ), Hùng Minh Hòa lớn lên trong một gia đình có truyền thống gắn bó quân đội. Bố anh là bộ đội chuyển ngành làm việc tại Kiểm lâm Yên Minh.
26/03/2007