Đồng Văn gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
BHG - Trong những năm qua, ngoài việc nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân để tổ chức các lớp dạy nghề; huyện Đồng Văn còn triển khai đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) đã mang lại những chuyển biến tích cực; hàng nghìn lao động sau đào tạo nghề đã tìm được công việc phù hợp.
Các học viên sau khi hoàn thành khóa học đã tự thành lập các mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác. Trong ảnh: Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Thò Mí Già, thôn Há Pia, xã Sủng Trái (Đồng Văn). |
Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp; huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp và vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất ở địa phương. Theo số liệu thống kê năm 2017, huyện đã liên kết mở được 31 lớp đào tạo ngắn hạn, cho 1.007 học viên. Các lớp đào tạo nghề được mở tại trụ sở các thôn, điểm trường của xã với một số nghề nông nghiệp chủ yếu như: Trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trồng rau an toàn và nuôi ong lấy mật,... và nghề phi nông nghiệp như: Cắt may dân dụng, thêu dệt thổ cẩm, xây dựng dân dụng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau lao động đạt trên 80%, với mức thu nhập ổn định.
Ông Giàng Mí Sinh, Phó Trưởng phòng LĐ – TB&XH huyện cho biết: “Xác định đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Huyện đã rà soát số lao động đã và chưa qua đào tạo để tìm hiểu về nhu cầu, nguyện vọng của họ, cùng đó, phối hợp với Trung tâm GDNN – GDTX để tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn với các ngành, nghề theo nguyện vọng, mong muốn của người dân. Năm 2017, huyện đã giải quyết được việc làm cho gần 1.000 học viên. Trong đó, rất nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học không chỉ tự thành lập các mô hình để phát triển kinh tế, mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động khác trên địa bàn”.
Hiện, Đồng Văn đang tập trung đào tạo với các ngành, nghề phụ vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp để phù hợp với điều phát triển của huyện. Hầu hết học viên sau học nghề, đã chủ động áp dụng các biện pháp cải tiến tổ chức sản xuất, thay đổi phương pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Mô hình trồng rau sạch ở xã Sảng Tủng; nuôi ong lấy mật ở xã Lũng Thầu, Lũng Táo, Sà Phìn,... Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, nhiều Tổ hợp tác, HTX được mở ra như: HTX dệt thổ cẩm xã Sà Phìn; Tổ hợp tác may mặc xã Sảng Tủng; cùng đó, rất nhiều LĐNT đã có được một công việc phù hợp, mang lại thu nhập ổn định cho cuộc sống gia đình và xã hội.
Ông Hoàng Văn Mức, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Đồng Văn cho biết: “Để đào tạo nghề có hiệu quả hơn, ngoài việc lắng nghe nguyện vọng của các học viên để thành lập các lớp đào tạo phù hợp và liên kết với các đơn vị để giải quyết vấn đề việc làm. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ cho LĐNT, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo để họ có có cơ hội làm việc ngay sau học nghề. Đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, nâng cao chất lượng lao động và giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn huyện”.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc