Phát triển bền vững thương hiệu mật ong Bạc hà: Nâng cao giá trị mật ong Bạc hà

10:36, 25/11/2017

BHG - Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho mật ong Bạc hà - sản vật đặc biệt của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Hiện nay, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ và phát triển thương hiệu mật ong Bạc hà đang trở thành vấn đề “sống còn” của người dân trên Cao nguyên đá.

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, ong mật được lựa chọn là một trong những vật nuôi thế mạnh cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm. Và hình thức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm sẽ giải quyết được vấn đề tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có chất lượng.

Nông dân liên kết sản xuất

Từ lâu, sản phẩm mật ong Bạc hà đã được người tiêu dùng biết đến với chất lượng tốt, ong nuôi trong môi trường tự nhiên, nguồn mật được lấy từ hoa Bạc hà dại chỉ có trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm mật ong Bạc hà của tỉnh trên địa bàn 47 xã, thuộc 4 huyện Đồng Văn,  Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Thực hiện Quy chế Quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm mật ong Bạc hà, trên địa bàn 4 huyện vùng cao đã hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh mật ong, như: HTX Tuấn Dũng, Hoàng Điệp, Phong Hưởng, Thành Đô, Công ty TNHH Trường Anh... Các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nên mật ong Bạc hà ngày càng khẳng định được vị thế vững chắc trên thị trường, nghề nuôi ong đã trở thành định hướng sản xuất hàng hóa quan trọng, giúp người dân trên Cao nguyên đá từng bước xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu.

Ông Sùng Sính Vư, xã Sà Phìn (Đồng Văn) sở hữu 100 đàn ong mật.
Ông Sùng Sính Vư, xã Sà Phìn (Đồng Văn) sở hữu 100 đàn ong mật.

Thời gian gần đây, nghề nuôi ong mật đang có nhiều khởi sắc, bước đầu hình thành nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường, tạo được sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tìm hiểu thực tế tại HTX Tuấn Dũng, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc), chúng tôi được anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thành lập đến nay, HTX có 30 thành viên và hàng trăm lao động thời vụ, tham gia nuôi từ 3.000 - 5.000 đàn ong/năm. Sản lượng mật sản xuất, chế biến và tiêu thụ đạt 20 - 30 nghìn lít/năm. HTX Tuấn Dũng hiện là đầu mối liên kết duy nhất trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc, chiếm khoảng 50% sản lượng mật toàn huyện. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất, cải tiến về kiểu dáng, mẫu mã, từng bước đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Bên cạnh các doanh nghiệp, HTX đầu tư, phát triển thương hiệu sản phẩm mật ong Bạc hà, Hội Sản xuất và kinh doanh mật ong Cao nguyên đá cũng được thành lập. Điều này đánh dấu thêm một bước quan trọng trong việc liên kết sản xuất và kinh doanh mật ong, nhằm đảm bảo chất lượng mật từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.

Trên địa bàn huyện Đồng Văn, hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với các nhóm, hộ nuôi ong đang phát huy hiệu quả tích cực. Hiện có Công ty TNHH Trường Anh, HTX Thành Đô, HTX Phong Hưởng đăng ký sử dụng Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc và đã hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ; có 2 đơn vị dán tem truy suất nguồn gốc sản phẩm với 25.500 chiếc. Hàng năm, huyện tổ chức hội nghị liên kết giữa các tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm mật ong gắn Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc với các hộ nuôi ong nhỏ, lẻ. Trong đó, các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm mật ong Bạc hà cam kết, ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm của người nuôi trên địa bàn. Qua khảo sát cho thấy, khi tham gia chuỗi liên kết, hầu hết các hộ đều có lãi, không phải lo đầu ra, các nhóm, hộ nuôi ong còn học hỏi được kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến khi liên kết.

Hạn chế quy mô nhỏ, lẻ

Mặc dù việc xây dựng và tổ chức các chuỗi liên kết trong chăn nuôi đã có những thành công nhất định. Song, phần lớn các hộ nuôi ong hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, lẻ, tự phát. Thông qua tác động của các chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa, như: Nghị quyết 209, Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh; các chương trình, dự án, hoạt động khuyến nông… nên hình thức chăn nuôi đã có nhiều thay đổi, chuyển từ tự phát sang đầu tư nuôi tập trung số lượng lớn, kết hợp áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ nuôi từ 50 đến trên 100 đàn.

Tuy nhiên, do đời sống người dân còn thấp nên khả năng đầu tư bị hạn chế, sản xuất vẫn theo hướng tự phát, nhỏ lẻ từ 5 - 10 tổ/hộ và chưa có sự thống nhất theo một quy trình để tạo ra sản phẩm đồng nhất nên đã ảnh hưởng đến việc liên kết theo chuỗi giá trị tại các địa phương. Đơn cử như, huyện Mèo Vạc có số lượng đàn ong lớn nhất tỉnh với 11 nghìn đàn; có 13 xã, thị trấn nằm trong vùng Chỉ dẫn địa lý. Nhưng trên địa bàn huyện mới chỉ có HTX Tuấn Dũng và Công ty TNHH MTV Tuấn Dũng chuyên sản xuất, thu mua, chế biến và kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc sở hữu 50% sản lượng mật tiêu thụ toàn huyện, những hộ còn lại đều nuôi ong tự phát, nhỏ, lẻ.

Các huyện còn lại, việc nuôi ong cũng khá tự phát, chưa có tổ chức, thiếu sự liên kết; công tác kiểm tra nguồn gốc giống ong và chất lượng mật chưa được quan tâm đúng mức… Từ đó, làm sản phẩm chăn nuôi an toàn, có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu công bằng với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng.

LÊ HẢI

Kỳ cuối: Bảo vệ thương hiệu mật ong Bạc hà Mèo Vạc


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Giải pháp phát triển nuôi ong mật bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm"

BHG-Ngày 31.10, tại huyện Đồng Văn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Giải pháp phát triển nuôi ong mật bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm". Tham dự có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đại diện các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ NN&PTNT...

31/10/2017
HTX Tuấn Dũng khẳng định vị thế của mật ong bạc hà Mèo Vạc

BHG - Nói đến mật ong bạc hà, một loại mật nổi tiếng trên Cao nguyên đá ai cũng nghĩ ngay đến mật ong bạc hà Mèo Vạc của hợp tác xã Tuấn Dũng. Những ngày đầu thành lập, HTX Tuấn Dũng chỉ có 70 đàn ong, đến nay số đàn ong của HTX đã tăng lên 2.500 đàn, năm 2015 HTX đã sản xuất được hơn 10.000 lít mật ong bạc hà. Tạo thu nhập ổn định cho 25 thành viên HTX và nhiều lao động thời vụ ở địa phương.

30/11/2016
Mèo Vạc mở rộng quy mô sản xuất mật ong Bạc hà

BHG - Đối với người dân Mèo Vạc, nghề nuôi ong đã và đang trở thành một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập chính, giúp nhiều gia đình từng bước nâng cao đời sống. Từ nguồn nguyên liệu hoa Bạc hà quý, địa phương đã gây dựng "thương hiệu" mật ong Bạc hà vang danh trong và ngoài tỉnh. Nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, Mèo Vạc có chủ trương mở rộng quy mô sản xuất đặc sản mật ong Bạc hà. Đây không chỉ là "bước đi" trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện mà còn tạo ra hướng thoát nghèo bền vững cho người nông dân.

29/03/2017
Trần Xuân Hưởng xây dựng thành công Thương hiệu Mật ong Phong Hưởng

BHG- Trong thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực, từ phát triển chăn nuôi bò, dê, ong, trồng ớt gió đến làm dịch vụ du lịch, kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, sản xuất vật liệu xây dựng do các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm chủ. 

27/06/2017