Bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên ở Điện Biên Phủ
Năm 1952, tôi rời khỏi làng trong vùng địch tạm chiếm của xã Tam Nông, huyện Duyên Hà (nay là xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đi bộ đội khi mới 16 tuổi. Huấn luyện xong, tôi được cử đi đào tạo ở Trung Quốc. Năm 1953, tôi về nước, biên chế vào Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 pháo cao xạ và vinh dự được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 13-3 đến 7-5-1954.
Ngày ấy, Trung đoàn 367 được trang bị các loại vũ khí mới như pháo cao xạ 37mm, súng máy phòng không 12,7mm. Song cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đa số trình độ văn hóa cấp 1 (tiểu học), cá biệt mới có cấp 2 (trung học cơ sở), một số mới biết đọc, biết viết, có người chưa biết chữ, vốn chỉ quen với đồng ruộng, rồi khi nhập ngũ chỉ biết sử dụng súng trường, lựu đạn, giáo mác, bàn chông. Khi bước vào huấn luyện vũ khí mới, ai cũng hăm hở, nhưng khi học về cấu tạo khẩu pháo, máy ngắm, nguyên lý bắn, đường tà, góc bắn, đường đạn trên không, những đường cong đổi số, bắn đón đường bay của máy bay địch... thì nhiều người không hiểu nên có vẻ bi quan.
Trước tình hình đó, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 367 phát động Phong trào thi đua “Công nông làm chủ vũ khí”. Cán bộ, giáo viên đơn vị đề ra những biện pháp như dùng giáo cụ trực quan, mô hình và vật thực, tranh vẽ kết hợp với động tác cụ thể ngay trên mâm pháo, tăng cường thực hành thao tác từ dễ đến khó, từ riêng lẻ đến hiệp đồng, lấy thành thạo chức trách là chính.
Ngoài hai buổi học trên thao trường, từng khẩu đội còn giúp nhau học ngoài giờ, người biết kèm cặp, giúp đỡ người chưa biết. Từng tổ tâm giao giúp nhau rút ngắn từng giây trong mỗi thao tác trên mâm pháo, đẩy lùi tư tưởng của một số đồng chí: “Mình học không nổi”. Chúng tôi đã thống nhất thao tác từng số trong một khẩu đội đến hiệp đồng với các khẩu đội trong đại đội, đi đôi với chấp hành quy định về thời gian, tác phong chính quy trong chiến đấu.
Từ trong phong trào học tập, chiến sĩ trinh sát tự vẽ và làm nhiều mô hình học cụ, như các loại máy bay: B-26, F6F, F-84... để nhận dạng. Các đại đội pháo làm mô hình xạ kích, binh khí treo ở lớp học, nhà ăn, nhà ở, mô hình máy hãm lùi bằng ống tre, dùng đất sét nặn mô hình bánh xe hình quả đào trong máy ngắm... giúp chiến sĩ nắm được cấu tạo và cách sử dụng một số bộ phận trong khẩu pháo. Ngày 20-8-1953, sau hơn 3 tháng học tập, toàn Trung đoàn bước vào cuộc diễn tập, bắn đạn thật, Tiểu đoàn 383 được Trung đoàn 367 xếp vào loại khá nhất, trong đó Đại đội 815 được nhận cờ thưởng luân lưu “Học tập khá nhất”.
Xác chiếc máy bay B24 Privateer bị pháo phòng không của Trung đoàn 367 bắn rơi tại chỗ trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Kết thúc huấn luyện, Tiểu đoàn tôi nhận lệnh hành quân cơ giới đến khu tập kết và sau hơn một tuần ngày nghỉ, đêm đi, ngày 1-12-1953 đã đến phía Tây Bắc thị xã Tuyên Quang chờ lệnh. Chiều 24-12-1953, Tiểu đoàn hành quân theo đường 13A qua Bến Hiên, Yên Bái, Âu Lâu, Thượng Bằng La, đèo Lũng Lô, Cò Nòi, đèo Pha Đin với đoạn đường dài 130km. Sau 17 ngày đêm hành quân, sáng 8-1-1954, Tiểu đoàn đã đến điểm tập kết cuối cùng an toàn tuyệt đối. Trong những ngày ở khu tập kết, tôi và đồng đội chỉ mong sao nhanh chóng được triển khai chiến đấu bắn máy bay địch đang ngày đêm bay thấp trinh sát, đánh phá các con đường giao thông, căn cứ của quân ta.
Bước vào công tác chuẩn bị cho chiến dịch, Tiểu đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Cán bộ, chiến sĩ được sự giúp đỡ của các đơn vị bộ binh, công binh đã trải qua 12 ngày đêm kéo pháo vượt đèo, băng suối mới đưa được Đại đội 815 vào chiếm lĩnh trận địa trên cánh đồng phía Bắc Mường Thanh, hai Đại đội 816, 817 còn đang trên đường vào thì được lệnh tạm dừng, tăng cường ngụy trang, chờ lệnh... Sau khi được quán triệt nhiệm vụ mới là kéo pháo ra để đánh to hơn theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” làm cho cán bộ, chiến sĩ hết thắc mắc, chuẩn bị xe, pháo hành quân trở ra. Khi kéo pháo ra khó khăn, ác liệt hơn nhiều vì máy bay, pháo binh địch đánh phá chặn đường, nhưng sau 18 ngày đêm phấn đấu quên mình, Tiểu đoàn đã đến khu vực tập kết an toàn vào rạng sáng 4-2-1954 (mồng 2 Tết Giáp Ngọ). Với thành tích hoàn thành xuất sắc nhất Trung đoàn 367, sáng 6-2-1954 (mồng 4 Tết), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm, chúc Tết toàn Tiểu đoàn và động viên: Cuộc kéo pháo vào, kéo pháo ra an toàn tuyệt đối như thế là đã đánh thắng lớn quân địch.
Chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội bước vào đợt 1 chiến dịch (từ ngày 13 đến 17-3-1954). Tiểu đoàn bố trí trận địa tại cánh đồng Nà Lời, Quang Tum, trên hướng Đông Bắc Mường Thanh cùng với đơn vị bạn bảo vệ đội hình bộ binh, pháo binh, công binh, đập tan thế trận phòng ngự vòng ngoài của địch ở phía Bắc và Đông Bắc. Mở đầu, Đại đoàn 312 nổ súng tấn công Him Lam. Máy bay địch tập trung đánh chặn các mũi tiến của quân ta để chi viện cho cụm trung tâm đề kháng; nhưng thật bất ngờ, địch bị hỏa lực mãnh liệt của Đại đội 815 và Đại đội 816 bắn lên, chúng không giữ được đội hình bậc thang đều đặn, tuần tự như trước mà nối đuôi nhau bổ nhào và ném bom tháo chạy tán loạn. Lần đầu tiên quân ta làm chủ được vùng trời, không bị máy bay địch uy hiếp, sát thương và đã tiêu diệt gọn căn cứ.
Vào hồi 8 giờ 30 phút ngày 14-3-1954, Đại đội 815 đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát Moran và là chiếc máy bay đầu tiên bị tiêu diệt tại chỗ, bốc cháy như một bó đuốc trên bầu trời Điện Biên Phủ, cắm thẳng xuống đất sát cạnh cụm cứ điểm Mường Thanh làm chúng khiếp sợ, cổ vũ cho quân ta khắp mặt trận. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 815 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, cờ thưởng “Lập công đầu” và là cơ sở xây dựng lòng tin cho bộ đội pháo cao xạ trong phong trào thi đua tiêu diệt máy bay địch.
Tổng kết chiến dịch, quân ta bắn rơi 62 máy bay các loại, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, diệt và bắt nhiều phi công địch. Trung đoàn pháo cao xạ 367 bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc, riêng Tiểu đoàn 383 bắn rơi 18 chiếc, bắn bị thương 71 chiếc, xứng đáng là “Chim đầu đàn” của bộ đội pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 13-5-1954, tại Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức trọng thể lễ duyệt binh mừng chiến thắng, Đại đội 815 (Tiểu đoàn 383), đơn vị bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên và bắn rơi nhiều máy bay địch nhất trong chiến dịch vinh dự về dự lễ và nhận cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến sĩ Đại đội 815 Nguyễn Quang Thuận được bầu là “Chiến sĩ thi đua” toàn quân.
Theo Quân đội Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc