Cải cách hành chính động lực phát triển toàn diện
BHG - Năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC), từ thể chế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, thủ tục hành chính (TTHC) đến chuyển đổi số. Qua đó, không chỉ tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động mà còn mang đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực bứt phá vì Hà Giang phát triển.
Năm 2024, tỉnh ta tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện 6 nội dung trong công tác CCHC nhà nước liên quan đến cải cách thể chế, TTHC, bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong đó, UBND tỉnh ban hành 110 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), góp phần hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý và phát triển KT-XH trên phạm vi toàn tỉnh. Riêng công tác rà soát VBQPPL được thực hiện thường xuyên, đồng bộ từ tỉnh đến xã theo quy định, từ đó, kịp thời phát hiện những VBQPPL mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.
Cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Công ty TNHH Thành Sơn (thành phố Hà Giang) ra mắt các sản phẩm mỹ phẩm từ chè Shan tuyết cổ thụ. |
Với mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phục vụ Nhân dân, tỉnh đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh mở rộng với quy mô 239 điểm; đáp ứng việc kết nối, tổ chức các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp từ T.Ư đến xã. Đồng thời, hoàn thành đầu tư Trục chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để tra cứu, khai thác hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Mặt khác, thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, loại bỏ công nghệ cũ để ưu tiên công nghệ mới hơn (4G, 5G); tiến hành phủ sóng di động tại các thôn “trắng sóng”, nâng tỷ lệ thôn phủ sóng di động lên 98,89%, tạo nền tảng phát triển hạ tầng số và hội nhập toàn cầu. Không những vậy, tỉnh ta còn đưa vào sử dụng 3 phân hệ Hệ thống điều hành thông minh tỉnh Hà Giang; triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (VNPT iGate) mới để tăng tốc độ, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.952 TTHC đang được áp dụng; trong đó, 256 TTHC được đơn giản hóa, rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định, 1.780 TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, 625 TTHC xây dựng quy trình liên thông. 100% các cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết TTHC thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả TTHC. Đặc biệt, 1.872 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chiếm 95,9% tổng số TTHC toàn tỉnh; trong đó, 405 dịch vụ công trực tuyến toàn trình không sử dụng hồ sơ giấy trong tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC, chỉ tiếp nhận hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và có thành phần hồ sơ TTHC được tạo lập điện tử, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử. Đến nay, đã có hơn 200 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện trên Cổng dịch vụ công, đạt 70%; 61 nghìn hồ sơ giao dịch thanh toán trực tuyến, chiếm 90%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 80,21%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 75,35%.
Đoàn công tác của UBND huyện Bắc Quang kiểm tra cải cách hành chính tại thị trấn Việt Quang. |
Từ những nỗ lực trên đã đưa Hà Giang vươn mình trên bảng xếp hạng các chỉ số về TTHC. Kết quả Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (tại thời điểm ngày 19.12.2024) cho thấy: UBND tỉnh đạt 85,32 điểm, xếp loại Tốt, vươn lên vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc và 8,42 điểm so với năm 2023). Tỷ lệ hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC đạt 97,55%; trong xử lý, phản ánh kiến nghị đạt 100%. Không những vậy, tỉnh ta còn “lội ngược dòng” 48 bậc so với năm 2023 để vươn lên mức độ C, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC theo kết quả công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 897 đơn vị sự nghiệp công lập thì nay giảm 123 đơn vị, còn 774 đơn vị. Đây là bước tiến quan trọng giúp khắc phục tình trạng trùng lắp chức năng, nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Nối tiếp kết quả này, tỉnh ta đang tiến hành cuộc “cách mạng” sắp xếp các cơ quan trong hệ thống chính trị để tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới nền hành chính hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có 19 sở, cơ quan ngang sở. Trong đó, 5 sở giữ nguyên do không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ nhưng tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong; 10 sở thực hiện hợp nhất; 4 sở tổ chức lại do tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị khác sau khi hợp nhất. Như vậy, sau sắp xếp, từ 19 giảm còn 14 sở, cơ quan ngang sở. Đối với cấp huyện, tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy tương tự cấp tỉnh; sau sắp xếp, dự kiến từ 132 phòng giảm còn 109 phòng.
Có thể khẳng định, những bước tiến vượt bậc trong công tác CCHC của tỉnh đã và đang đặt nền móng vững chắc cho một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. Đây không chỉ là hành trình tối ưu hóa bộ máy hành chính nhà nước mà còn là cam kết của tỉnh trong việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, nhân lên sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ xây dựng Hà Giang vững mạnh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc