Kết quả bước đầu trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã

16:23, 14/11/2019

BHG - Thực hiện chủ trương của Đảng, các nghị quyết, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở thực tế của địa phương, giai đoạn 2019 – 2021 tỉnh ta tiến hành sáp nhập 4 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến thời điểm này, các nội dung sáp nhập đang được triển khai thực hiện đúng lộ trình đề ra.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Giang.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Giang.

Ngày 15.7.2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND về triển khai phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, với chủ trương sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của xã Nậm Dịch với xã Bản Péo (Hoàng Su Phì) thành một xã mới và xã Ngán Chiên với xã Trung Thịnh (Xín Mần) thành một xã mới. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp ĐVHC và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của đông đảo các tầng lớp nhân dân. HĐND 4 xã tiến hành các kỳ họp để lấy ý kiến cử tri và biểu quyết về Đề án sắp xếp; kết quả, 98,61% cư tri xã Nậm Dịch, 90,57% cử tri xã Bản Péo, 100% cử tri xã Trung Thịnh, 99,83% cử tri xã Ngán Chiên nhất trí; 100% đại biểu HĐND các xã biểu quyết nhất trí đề án sáp nhập. HĐND huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần đã tiến hành các kỳ họp (bất thường) trên tinh thần tập trung, dân chủ; 100% đại biểu HĐND các huyện bỏ phiếu nhất trí thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC của UBND huyện. Cuối tháng 8 vừa qua, HĐND tỉnh đã tổ chức Kỳ họp thứ mười (bất thường) thảo luận và biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Giang.

Theo lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần: Khó khăn trong sáp nhập ĐVHC cấp xã là việc sắp xếp nhân sự, ngoài việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức vào ĐVHC mới còn phải thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế đối với số cán bộ dôi dư. Các huyện đã tăng cường gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và tiến hành rà soát năng lực, tiêu chuẩn, kinh nghiệm của từng cán bộ để có phương án sắp xếp nhân sự hợp lý, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mới đây, đoàn công tác liên bộ do đồng chí Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) làm Trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra thực tế tình hình sáp nhập ĐVHC cấp xã tại huyện Hoàng Su Phì. Sau khi kiểm tra thực tế, đồng chí Phan Văn Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Hà Giang và huyện Hoàng Su Phì trong thực hiện việc sáp nhập ĐVHC cấp xã; đồng thời đề nghị huyện, địa phương báo cáo bằng văn bản giải trình, làm rõ cụ thể nguyên nhân, khó khăn, điều kiện thực tế trong quá trình triển khai thực hiện việc sáp nhập ĐVHC để đoàn công tác báo cáo Chính phủ.

Cuối tháng 9, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Qua báo cáo của lãnh đạo tỉnh về đề án, Hội đồng thẩm định thống nhất phương án sắp xếp 4 xã của tỉnh và đề nghị tỉnh triển khai quyết liệt đề án; làm rõ cụ thể, chi tiết, thuyết phục về lý do chưa tiến hành sáp nhập đối với các xã còn lại không đủ tiêu chuẩn về diện tích, dân số thuộc diện phải sáp nhập và có lộ trình thời gian thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo.

Trên cơ sở lấy ý kiến cử tri, đại biểu HĐND các cấp, ý kiến của Hội đồng thẩm định, các bộ, ngành T.Ư và tình hình thực tế của địa phương; ngày 11.10.2019, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh. Theo đề án, Hà Giang có 11 ĐVHC cấp huyện đều có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt trên 50% theo quy định nên không tiến hành sáp nhập. Có 195 ĐVHC cấp xã, trong đó có 15 ĐVHC có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều chưa đạt 50% theo quy định phải tiến hành sáp nhập, gồm: Xã Lũng Thầu (Đồng Văn), Xín Chải (Vị Xuyên), Thèn Chu Phìn, Tả Sử Choóng, Nậm Dịch, Thàng Tín, Sán Sả Hồ, Nàng Đôn, Bản Péo, Ngàm Đăng Vài, Đản Ván, Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì), Trung Thịnh, Xín Mần, Cốc Rế (Xín Mần). Riêng xã Ngán Chiên (Xín Mần) không thuộc diện phải sắp xếp theo quy định nhưng được sắp xếp theo diện khuyến khích.

Giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh tiến hành sắp xếp 4 ĐVHC cấp xã, gồm: Sáp nhập xã Nậm Dịch với xã Bản Péo thành một xã mới, lấy tên là xã Nậm Dịch, sử dụng trụ sở làm việc của xã Nậm Dịch làm trụ sở làm việc của xã mới; diện tích tự nhiên 30,56 km2, quy mô dân số 3.612 người. Sáp nhập xã Ngán Chiên với xã Trung Thịnh thành một xã mới, lấy tên là xã Trung Thịnh, diện tích 29,95 km2, dân số 6.366 người, sử dụng trụ sở làm việc của xã Ngán Chiên hiện tại làm trụ sở làm việc của xã mới. Các xã được sáp nhập đều là xã giáp ranh có địa hình tương đồng, mặt bằng khu trung tâm rộng rãi, giao thông thuận lợi; trước đây là 1 xã, sau đó được tách ra nên nhân dân 2 xã có mối quan hệ thân thiết, họ hàng. 12 ĐVHC còn lại tuy không đủ tiêu chuẩn theo quy định nhưng chưa thực hiện sắp xếp giai đoạn này do các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, phức tạp về an ninh trật tự, cơ sở hạ tầng không đảm bảo, dân cư phân tán theo địa hình, dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh. Các xã này sẽ được tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và rà soát, xây dựng phương án sắp xếp trong giai đoạn 2022 – 2030.

Đề án nêu rõ về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với những trường hợp dôi dư sau sáp nhập; phương án sử dụng cơ sở vật chất; chuyển đổi các loại giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân. Việc sáp nhập ĐVHC cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn; tinh giản biên chế, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; giảm chi ngân sách thường xuyên, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển KT – XH.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân

BHG - Bộ phận "một cửa" tại các cơ quan hành chính Nhà nước ra đời đã chứng minh bước đi đột phá của tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC); dần chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Điều này không chỉ hướng đến mục tiêu "Vì Hà Giang phát triển" mà còn rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân.

 

30/08/2019
Quang Bình tập huấn nghiệp vụ CCHC cho cán bộ, công chức

BHG - Sáng 27.8, UBND huyện Quang Bình phối hợp với Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức khai giảng lớp tập huấn nghiệp vụ CCHC cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc UBND huyện Quang Bình. Dự Lễ khai giảng có lãnh đạo các cơ quan đơn vị huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

 

28/08/2019
Bắc Quang đẩy mạnh cải cách hành chính

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra mục tiêu: "Đột phá đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân"... Để thực hiện mục tiêu đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo, điều hành sát sao nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

 

26/09/2019
Bố trí PGĐ sở đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công

BHG - Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, ngày 25.10, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 3422/UBND-PVHCC gửi Sở KH&ĐT, Sở TN&MT về việc Bố trí PGĐ sở đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.

25/10/2019