Thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp thời đại 4.0 - Kỳ I: Cầu nối chuyển đổi số
BHG - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nắm bắt xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, thanh niên dân tộc thiếu số (DTTS) tỉnh Hà Giang đã, đang tích cực CĐS để phát triển kinh tế, khởi nghiệp (KN), hội nhập trong bối cảnh mới.
Thanh niên Hà Giang có trên 220.000 người, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, trong đó có 85,6% thanh niên người DTTS; đây là nguồn nhân lực trẻ, có năng lực, trình độ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Do đó, tổ chức Đoàn đã tích cực vận động, hỗ trợ thanh niên vận dụng CĐS vào KN.
Năng động, sáng tạo, nhạy bén, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong CĐS, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực. Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số; nâng cao năng lực số cho cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Thể hiện quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò trong công cuộc CĐS; năm công tác Đoàn 2023 được các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh triển khai với chủ đề: “Năm CĐS các hoạt động của Đoàn”; Tháng Thanh niên năm 2023 với trọng tâm là “Tuổi trẻ tiên phong CĐS”.
Đoàn viên thanh niên cập nhật kiến thức thông qua Tủ sách khởi nghiệp tại Vườn ươm khởi nghiệp. |
Phó Bí Thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hải Dương cho biết: “Nhằm hỗ trợ ĐVTN KN trong thời kỳ CĐS, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều chương trình, diễn đàn, tập huấn cung cấp thông tin, gợi mở các giải pháp, ứng dụng thực tế trong CĐS; kịp thời thông tin các văn bản quy phạm pháp luật, những chính sách dành cho thanh niên DTTS ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) để sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; tăng cường chỉ đạo các Huyện, Thành đoàn thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng truyền thông, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số, mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt là sàn “Thanh niên KN sáng tạo cùng nông sản, đặc sản Việt Nam”… Qua đó, việc số hóa thông tin, ứng dụng CĐS trong KN được ĐVTN tiếp cận ngày càng nhiều và đạt một số kết quả tích cực.
Từ năm 2020 đến nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức 25 hoạt động hỗ trợ KN như tập huấn, đối thoại, truyền cảm hứng cho hơn 1.000 ĐVTN có nhu cầu KN. Thành lập, duy trì hoạt động Đội tình nguyện chuyển giao KHKT cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố. Các đội tình nguyện này có vai trò hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho ĐVTN trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ cây giống, vật nuôi, chuyển giao công nghệ xử lý môi trường, xử lý rác thải hữu cơ… Qua đó, nhằm hình thành cộng đồng cố vấn KN, hỗ trợ các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường, điều kiện cho thanh niên KN như: Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thành lập “Hội đồng tư vấn KN”; “Quỹ hỗ trợ thanh niên KN”; Vườn ươm KN… và đã hỗ trợ 10 mô hình ý tưởng KN thành công với số tiền 1 tỷ đồng.
Được “tiếp lửa” từ các hoạt động hỗ trợ KN của đoàn các cấp, đoàn viên người Giáy Lục Văn Truân, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đã KN thành công từ nuôi ong Bạc hà, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Anh Truân chia sẻ: Sau khi tham gia các lớp tập huấn về CĐS, ứng dụng KHKT vào sản xuất đã thôi thúc tôi mở rộng quy mô, thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoàng Hà. Từ quy mô 50 đàn ong ban đầu, hiện tại HTX đã phát triển được gần 400 đàn ong. Ứng dụng KHKT vào nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, HTX đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy hạ thủy phần và phá kết tinh mật ong. Cùng với đó, xưởng sơ chế cũng xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận an toàn thực phẩm (HACCP). Nhờ đó, sản phẩm mật ong của HTX chất lượng, an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng, có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh.
Hệ thống nhà lưới Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phong, xã Phong Quang (Vị Xuyên) ứng dụng công nghệ kiểm soát khí hậu, cung cấp chất dinh dưỡng tự động |
Tích cực hỗ trợ ĐVTN CĐS, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tăng cường truyền thông, triển khai giải pháp củng cố, phát triển hệ sinh thái KN, góp phần khuyến khích, thúc đẩy nhu cầu làm giàu chính đáng của ĐVTN. Bí Thư Huyện đoàn Quản Bạ, Viên Xuân Tùng cho biết: “Thực hiện chương trình hỗ trợ thanh niên KN, Huyện đoàn thường xuyên tổ chức các diễn đàn, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với thanh niên về hoạt động KN; giao lưu giữa doanh nghiệp và doanh nhân thành đạt với thanh niên nhằm chia sẻ kinh nghiệm KN; hàng năm tổ chức các cuộc thi KN sáng tạo. Từ đó, tạo kênh thông tin trao đổi hữu hiệu, giúp ĐVTN tiếp cận hiệu quả với các chính sách, mở rộng cơ hội giao lưu trong KN, lập nghiệp”.
Đến nay, toàn tỉnh có 505 mô hình KN do ĐVTN làm chủ, trong đó, tập trung nhiều tại các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì. Các mô hình, tổ hợp tác, HTX thanh niên được duy trì và nhân rộng, như: “Thanh niên làm kinh tế”; “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”... Cùng với đó, công tác hỗ trợ ĐVTN tiếp cận, vay vốn được Đoàn Thanh niên triển khai hiệu quả thông qua nguồn vốn vay uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Dư nợ của Đoàn hiện nay đạt trên 944,3 tỷ/623 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng số 21.083 hộ còn dư nợ. Quỹ hỗ trợ thanh niên KN huy động ban đầu được hơn 5 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh có 15 sản phẩm của thanh niên được đánh giá, xếp hạng đạt chứng nhận OCOP...
Tích cực ứng dụng CĐS, chủ các mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn cũng đang bắt nhịp hiệu quả với việc số hóa các thông tin sản phẩm thông qua tem truy xuất nguồn gốc; đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn, Lazada.vn, Sendo.vn; tham gia các nhóm chợ mua - bán trên các trang mạng xã hội facebook… Trong đó, xuất hiện một số điển hình như: Đoàn viên Bùi Văn Phong, HTX nông nghiệp Xín Mần, bán mặt hàng củ cải muối; HTX Thịnh Hưng của thanh niên Hoàng Văn Hưng với sản phẩm chè; HTX Vai Lũng của đoàn viên Cháng Văn Thắng, sản phẩm thịt trâu, bò sấy khô…
Nhờ sự năng động, biết cách đón đầu CĐS, nhiều ĐVTN DTTS trên địa bàn tỉnh đã KN thành công. KN, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm và sự đồng hành của tổ chức Đoàn, phong trào KN, lập nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ trong ĐVTN DTTS nơi cực Bắc tổ quốc.
-----------------
Kỳ II: Những "quả ngọt" kết tinh từ chuyển đổi số
Kỳ cuối: Tạo môi trường để dấn thân, lập nghiệp
Bài, ảnh: LÊ HẢI – PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc