Thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp thời đại 4.0 - Kỳ cuối: Tạo môi trường để dấn thân, lập nghiệp
BHG - Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) dân tộc thiểu số (DTTS) còn khó khăn về địa hình, phương tiện, giao thông... có môi trường khởi nghiệp (KN) công bằng hơn với vùng xuôi, thậm chí là vươn ra quốc tế. Tuy nhiên, để phát huy giá trị CĐS trong KN đặt ra yêu cầu triển khai các giải pháp chiến lược phù hợp, góp phần thúc đẩy phong trào KN có bước tiến về chất lượng, số lượng.
Còn đó những khó khăn
Đoàn viên thanh niên huyện Quản Bạ tham gia lớp tập huấn chuyển đổi số do Huyện đoàn tổ chức. |
Nắm bắt CĐS, ĐVTN Hà Giang đã phát huy được ý tưởng và KN thành công. Toàn tỉnh có nhiều mô hình thanh niên KN điển hình như: Trồng rau sạch, nuôi ong lấy mật, nuôi lợn nái sinh sản, gà đen, trồng, chiết xuất dược liệu, ớt gió… cho thu nhập từ 150 – 350 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, với đặc thù vùng cao biên giới, phần lớn đồng bào DTTS và một bộ phận ĐVTN còn nhiều khó khăn về sử dụng máy móc công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), thậm chí có một số nơi chưa có điện, sóng điện thoại, internet đã tạo khoảng cách lớn trong tiếp cận, ứng dụng CĐS của ĐVTN. Cùng với đó, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình CĐS chưa tương đồng, điều kiện, cơ hội để ĐVTN tiếp cận, trải nghiệm, thực hành CĐS còn nhiều hạn chế. Mặc dù ý thức khai thác tiềm năng để thoát nghèo, làm giàu trong ĐVTN đã có, nhưng nhiều người vẫn loay hoay chưa tìm ra hướng đi hoặc có tâm lý sợ rủi ro, thất bại khi KN.
Bí thư Huyện đoàn Yên Minh Nguyễn Mạnh Linh chia sẻ: “Là huyện 30a, ĐVTN trên địa bàn huyện gặp một số khó khăn trong quá trình tiếp cận, ứng dụng CĐS để KN. Do kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, nên đa phần các dự án KN của ĐVTN tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp; trong số các mô hình KN hiệu quả, có khoảng 80% dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hàm lượng ứng dụng công nghệ trong sản phẩm chưa cao. Cùng với đó, nguồn vốn vay hạn chế, thiếu kiến thức tài chính, thị trường nên các dự án KN thường có quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị dẫn đến việc ứng dụng công nghệ số càng khó thực hiện hơn”.
KN tại khu vực nông thôn, miền núi có lợi thế về chi phí nhân công thấp và gần vùng nguyên liệu, tuy nhiên trình độ lao động chưa cao, nhất là kỹ năng ngoại ngữ và khả năng tiếp cận KHCN, quản lý, lập kế hoạch kinh doanh, marketing còn yếu. Theo các chuyên gia, CĐS không khó, song buộc người KN phải thật kiên trì, tự lập và thích ứng với sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu nền kinh tế thị trường. Trước bối cảnh CĐS toàn cầu, người KN ở vùng nông thôn buộc phải nâng cao chất lượng nguồn lao động và đầu tư công nghệ. Những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực trong việc thay đổi tư duy, nhận thức, thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương. Tuy nhiên, để phong trào lan tỏa, nắm bắt cơ hội từ CĐS thì cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai những giải pháp phù hợp với từng vùng, từng đối tượng.
Xây dựng chiến lược bài bản
Đoàn viên Chảo Thị Lan, xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) livestream bán hàng trên nền tảng số. Ảnh: PV |
Xác định KN là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển KT-XH tại địa phương; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 4/1/2022 về hỗ trợ Chương trình KN giai đoạn 2022-2025. Thông qua đó nhằm phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái KN, tạo lập môi trường thuận lợi, hỗ trợ quá trình KN, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt ĐVTN về KN, đổi mới, sáng tạo và CĐS. Triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của T.Ư, của tỉnh để hỗ trợ các ý tưởng, dự án KN có tính khả thi, phù hợp với định hướng phát triển KT-XH.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2025 tổ chức truyền cảm hứng KN tới 3.000 ĐVTN, 20% các ĐVTN được truyền cảm hứng có ý tưởng KN. Hỗ trợ xây dựng 300 mô hình KN, lựa chọn và tổ chức ươm tạo cho 50 ý tưởng, dự án KN khả thi. Hình thành 20 doanh nghiệp KN có các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo. Phát triển mạng lưới cố vấn KN với sự tham gia của 20 chuyên gia và 50 doanh nhân để hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án KN; kết nối nguồn vốn đầu tư cho các ý tưởng, dự án KN với tổng giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên…
Nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực kinh doanh, KN cho thanh niên, Tổ hỗ trợ KN trực thuộc Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể tỉnh được thành lập. Các hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng KN được đẩy mạnh, chú trọng sử dụng các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội và các hoạt động KN, CĐS doanh nghiệp. Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ các dự án, ý tưởng KN và Quỹ ươm mầm KN tỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ nguồn vốn ban đầu đối với các dự án, ý tưởng KN. Lồng ghép chính sách hỗ trợ KN trong các chính sách khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu và du lịch; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hải Dương cho biết: “Nhằm thúc đẩy phong trào KN và CĐS, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo Đoàn cơ sở nâng cao nhận thức của ĐVTN, tăng cường đào tạo kiến thức KN ở từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là KHCN. Bên cạnh đó, chú trọng tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo; kết nối trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và những bạn trẻ đã KN thành công. Khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình, nhất là KN với công nghệ số, ứng dụng kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung hàng hóa. Ưu tiên thành lập, phát triển các HTX, mô hình KN gắn với nghiên cứu, triển khai xây dựng các mô hình, dự án KHCN về sinh kế, văn hóa, xã hội phù hợp. Thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách cho vùng DTTS và miền núi, các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Tỉnh đoàn Hà Giang sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp tổ chức các cuộc thi tuyển chọn ý tưởng, dự án KN, tuyên truyền, hỗ trợ các ý tưởng, dự án KN tham gia các cuộc thi KN của T.Ư như: KN đổi mới sáng tạo Techfest, KN quốc gia, KN dành cho thanh niên nông thôn, phụ nữ KN… Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Vườn ươm doanh nghiệp KN tỉnh, các trung tâm hỗ trợ KN trên địa bàn các huyện, thành phố. Xây dựng cơ chế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, các hội ngành nghề của tỉnh để triển khai các hoạt động ươm tạo ý tưởng, dự án KN. Phát triển mạng lưới cố vấn KN, chú trọng các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho sáng lập viên dự án KN. Kết nối nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho các ý tưởng, dự án KN khả thi; nâng cao chất lượng cán bộ hỗ trợ KN.
Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, ưu tiên từ các chương trình, dự án hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp đã và đang tạo ra môi trường thuận lợi giúp ĐVTN DTTS Hà Giang quyết tâm thay đổi, phát huy tiềm năng, KN thành công, thúc đẩy KT – XH phát triển.
Kỳ II: Những “quả ngọt” kết tinh từ chuyển đổi số
Bài, ảnh: LÊ HẢI – PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc