Chàng trai người Dao khởi nghiệp từ homestay
BHG - Nặm Đăm là Làng du lịch cộng đồng của dân tộc Dao ở xã Quản Bạ (Quản Bạ) mới được chú ý từ vài năm trở lại đây. Khi phần lớn cả làng đều làm chung một mô hình du lịch nhà sàn, hướng đến nhóm khách bình dân. Anh Lý Văn Quang, một thanh niên trong làng đã có hướng đi mới khi mạnh dạn đầu tư làm bungalow, với mong muốn xây dựng một dịch vụ du lịch cao cấp hơn.
Anh Lý Văn Quang sắp xếp nội thất bungalow. Ảnh Lê Hải |
Bungalow (kiểu căn phòng một tầng phổ biến ở các khu nghỉ dưỡng) của Quang nằm ngay đầu làng, có tên là “Chook” nghĩa là tre theo tiếng Dao. Trước đây, bố của anh cũng kinh doanh theo mô hình homestay với nhà sàn đặc trưng của người Dao, đó là căn nhà ở của gia đình được cải tạo lại cho khách nghỉ trọ. Dãy phòng mới của anh Quang nằm trên ngọn đồi phía sau nhà, có 4 căn phòng riêng biệt, tầm nhìn thoáng rộng nhìn ra cả khu rừng thông và những ruộng bậc thang rất đẹp phía xa. Anh tỉ mỉ đặt một bộ bàn ghế trên bãi cỏ, khách đến sẽ được mời uống trà và ngắm cảnh hoàng hôn từ sau nhà. Trước nhà anh có làm một khu để đốt lửa trại. Quang sinh năm 1994, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, từng đi Israel vừa học vừa làm. Anh cũng từng có một vài cơ hội làm việc ở nơi khác nhưng anh lựa chọn trở về nhà và đem số tiền tiết kiệm mấy năm, cộng thêm sự hỗ trợ của bố mẹ, mở rộng dịch vụ đón khách. Khi mọi người trong làng đua nhau làm nhà sàn để đón khách thì anh làm bungalow, có bể bơi, với giá phòng cao hơn. Hiện, Lý Văn Quang đang hoàn thiện thêm một dãy nhà bungalow, ngoài bốn căn bungalow đang hoạt động. Cuộc khởi nghiệp của chàng trai người Dao Lý Văn Quang ở Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm rất khả quan, ngay cả trong năm Covid đang khiến ngành Du lịch điêu đứng này.
Quang chia sẻ: “Cả thời sinh viên mê phượt, tôi đã mang hết những kiến thức học được từ những nơi tôi từng đến và tìm hiểu thêm trên mạng để trang trí cho khu nhà của mình. Khi nói về ý tưởng làm bungalow, mặc dù thấy nó là liều lĩnh, bố tôi vẫn ủng hộ và để cho tôi quyết định mọi việc. Nhờ có sự ủng hộ của gia đình là động lực cho tôi hoàn thành ý tưởng của mình”. Mặc dù khai trương dịch vụ vào đợt 2 dịch bệnh Covid - 19 bùng phát trở lại, anh phải giảm sâu giá phòng để hút khách. Nhưng mọi thứ dần ổn định khi du khách dần biết đến bungalow của anh. Anh Quang đã đến HTX lanh Cán Tỷ, một cơ sở nghề dệt truyền thống của địa phương để mua đồ về trang trí cho mỗi căn nhà, cùng đó là tìm hiểu để nắm bắt nhu cầu của phần đông du khách, với mong muốn xây dựng dịch vụ cao cấp hơn. Vừa làm vừa tích lũy vốn, trong thời gian tới anh sẽ làm thêm những không gian để du khách nghỉ ngơi.
Nhờ có những người trẻ lựa chọn ở lại làng và phát triển dịch vụ du lịch từ vốn văn hóa của địa phương như anh Quang, ngôi làng du lịch Nặm Đăm đã tạo nên được những giá trị riêng, đậm chất bản địa. Ở Nặm Đăm, người ta có thể dễ dàng gặp những nụ cười thân thiện. Người ta có thể nhẹ nhàng mời một người lạ vào nhà, để họ tìm hiểu văn hóa của mình và đứng chào khách khi họ rời đi. Mong rằng, những người trẻ quyết tâm phát triển tại mảnh đất quê hương của mình, giữ được hồn cốt văn hóa của dân tộc mình.
LÊ HẢI