Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc
BHG - Khởi nghiệp đang là hướng tiếp cận mới để giảm nghèo và phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với tư duy đổi mới, nghị lực của tuổi trẻ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số huyện Đồng Văn đã nỗ lực vượt khó, mạnh dạn khởi nghiệp trên quê hương. Hiện nay, nhiều người thành công đã và đang truyền cảm hứng mạnh mẽ đến thế hệ các thanh niên vùng cao.
Gia trại nuôi dê của anh Hoàng Văn Hưởng mang lại thu nhập khá cho gia đình. |
Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 12 hợp tác xã và 89 mô hình do thanh niên làm chủ với tổng số vốn đầu tư trên 8,2 tỷ đồng. Chủ yếu là các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, một số hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ khí, may mặc trang phục dân tộc Mông, Lô Lô… với quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, nhiều thanh niên tận dụng lợi thế du lịch của địa phương bắt tay vào xây dựng các homestay, nhà hàng, dẫn tour du lịch; đồng thời tự học tiếng Anh, học làm du lịch từ các địa phương khác. Một số mô hình khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu như: HTX may mặc dân tộc Lô Lô của anh Là Mí Tam, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là; mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Giàng Mí Nô, xã Thài Phìn Tủng; điểm dừng chân “Hoa Men Say” của thanh niên Sùng Mạnh Hùng, thị trấn Đồng Văn… Đến nay, các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế khá, cũng là động lực để các thanh niên trẻ mạnh dạn làm theo.
Một trong số những mô hình khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu nhất, đó là anh Hoàng Văn Hưởng, dân tộc Giáy, sống tại thôn Ma Lé, xã Má Lé, chủ gia trại chăn nuôi dê. Là quân nhân xuất ngũ, năm 2017, anh Hưởng được chính quyền địa phương và Đoàn Thanh niên giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với số tiền 100 triệu đồng. Anh Hưởng tự vận chuyển vật liệu xây dựng chuồng trại, đầu tư mua gần 100 con dê, nuôi sinh sản và thương phẩm. Đến nay, anh đã trả nợ được số tiền vay 100 triệu đồng và tiến hành mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ hộ nghèo nhất nhì của thôn, gia đình anh giờ đã có của ăn của để, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Anh Hưởng chia sẻ: “Những thanh niên vùng cao mặc dù rất nhiều người có lý tưởng, khát vọng muốn thoát nghèo vươn lên, nhưng lại gặp vô vàn những khó khăn và chưa mạnh dạn làm kinh tế. Vì thế phải tận dụng những cơ hội, như: Sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền các cấp; kiên trì, khắc phục những khó khăn, thách thức, không ngại gian khổ, phấn đấu từng bước”.
Cũng như anh Hưởng, anh Dương Văn Nghị, thôn Má Cho, xã Sính Lủng, cũng là một trong số những thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công, đồng thời, còn là người đưa giống gà đen địa phương phát triển ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Nghị chia sẻ: “Giống gà đen địa phương là một trong những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và mang lại nguồn thu nhập cao. Vì thế, khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, một mặt tôi muốn bảo tồn giống gà quý, mặt khác khi thành công có thể giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên cùng khởi nghiệp. Nhiều thanh niên khi bắt đầu khởi nghiệp mang tâm lý sợ rủi ro, thất bại và còn thiếu kiến thức. Vì vậy, khi thấy mô hình của tôi thành công, nhiều bạn trẻ sẽ mạnh dạn hơn để thực hiện ý tưởng của mình”. Được biết, năm 2018, khi tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc” do T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, mô hình nuôi gà xương đen của anh Nghị đã vinh dự đoạt giải Nhì. Hiện nay, anh còn mở rộng phát triển mô hình nuôi gà xương đen tại xã Tả Lủng (Đồng Văn), giúp đỡ về kỹ thuật, con giống cho những thanh niên trong xã có chung ý tưởng.
Anh Sùng Văn Thắng, Bí thư Huyện đoàn Đồng Văn cho biết: Trên địa bàn huyện có rất nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã và đang ấp ủ những khát vọng, hoài bão, mong muốn được giúp đỡ, hỗ trợ để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hành trình khởi nghiệp của những thanh niên vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn như: Về vốn, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, chưa có sự liên kết… nên chưa có mô hình nào có quy mô lớn, hầu hết chỉ là nhỏ lẻ. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, có những định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số để họ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp, tiến hành nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả. Đồng thời tích cực vận động thanh niên tại các thôn, bản khó khăn tham gia phát triển kinh tế, chủ động cải thiện cuộc sống.
Bằng sự sáng tạo và khát khao lập thân, lập nghiệp, những thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Văn đã có những bước đi vững chắc hơn; trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc