Nguyễn Thành Luân khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng an toàn sinh học
BHG - Là cán bộ Văn phòng HĐND – UBND thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì), Nguyễn Thành Luân (sinh 1988) không chỉ nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao, anh còn mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi tổng hợp và trở thành điển hình trong phát triển kinh tế để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn học tập.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình Nguyễn Thành Luân. |
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông - lâm Thái Nguyên, Nguyễn Thành Luân vinh dự trở thành đội viên Dự án 600 trí thức trẻ của Bộ Nội vụ được phân công về làm Phó Chủ tịch (PCT) xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì). Sau hơn 5 năm công tác với cương vị PCT xã, Luân đã đem những kiến thức được học vận dụng vào thực tế của địa phương; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã nhiều cách làm sáng tạo trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo. Sau khi Dự án kết thúc, Luân được tổ chức phân công đảm nhiệm vị trí cán bộ Văn phòng HĐND – UBND thị trấn Vinh Quang từ đầu năm 2018.
Trong quá trình công tác tại xã Ngàm Đăng Vài, Luân đã dày công nghiên cứu về cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm đưa đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nghĩ là làm, tháng 1.2017, Luân thuê đất tại thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang và tiến hành xây dựng chuồng trại chăn nuôi giống lợn rừng và lợn đen địa phương theo hướng đảm bảo “3 sạch”: Chuồng nuôi sạch, ăn, uống sạch, con giống sạch. Khu chuồng trại được Luân xây dựng quy củ, gồm 2 dãy với 20 ô chuồng; trong đó, có 3 khu chuyên nuôi lợn thịt. Giống lợn rừng được Luân nhập từ trang trại giống gia súc ở Đoan Hùng (Phú Thọ) và cho lai với giống lợn đen địa phương. Thức ăn cho lợn hoàn toàn là các phụ phẩm nông nghiệp như: Thân chuối, rau lang, ngô, sắn… Hiện, trang trại của Luân chủ yếu bán lợn giống và lợn thịt có trọng lượng trên dưới 30 kg với quy mô từ 150 – 200 con/lứa. Ngoài ra, Luân còn nuôi gà thịt theo hình thức thả đồi, với quy mô gần 1.000 con. Cuối năm 2017, Luân xuất bán lứa lợn thịt đầu tiên, đem lại nguồn thu gần 100 triệu đồng và bán trên 700 con gà thịt, cho thu nhập gần 30 triệu đồng.
Luân chia sẻ: “Thức ăn của lợn rừng chỉ có 30% là tinh bột, còn lại chủ yếu là rau, thân chuối; vì vậy, chất lượng thịt rất thơm, ngon. Nhiều tư thương đến tận trang trại để mua với mức giá là 120 nghìn đồng/kg và mỗi lứa lợn đều được thương lái mua hết. Chủ các nhà hàng tại một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… cũng đã liên hệ với tôi để đặt mua lợn, gà thịt. Tôi cũng liên kết với một số thành viên trong Câu lạc bộ Chăn nuôi gia trại, trang trại của huyện tiến hành xây dựng chuỗi thực phẩm sạch gắn với liên kết đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi còn tích cực tuyên truyền tới các thành viên trong câu lạc bộ và các hộ chăn nuôi trên địa bàn đầu tư cải tạo chuồng trại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, để hướng tới cung ứng những sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng…”.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc