Lấy người dân làm trung tâm

09:36, 18/03/2025

BHG - Tại phiên họp thứ 3 – Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát ngày 10.3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những địa phương có nhiều cách làm mới, sáng tạo, trong đó có Hà Giang.

Với phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở tỉnh ta đã được triển khai một cách bài bản với quyết tâm cao. Ngay từ đầu, tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mình, tạo ra một phong trào lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Tại các buổi làm việc với Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đều khẳng định: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn quốc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo và những người yếu thế; thể hiện tinh thần “Đền ơn, đáp nghĩa với người có công”, tinh thần “Tương thân, tương ái, đại đoàn kết toàn dân tộc, tình dân tộc – nghĩa đồng bào”. Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành, địa phương “Chỉ có bàn làm, không bàn lùi”.

Lãnh đạo huyện Đồng Văn và xã Má Lé khánh thành, trao tiền hỗ trợ làm nhà bà Mua Thị Mỷ, thôn Ma Xí B.
Lãnh đạo huyện Đồng Văn và xã Má Lé khánh thành, trao tiền hỗ trợ làm nhà bà Mua Thị Mỷ, thôn Ma Xí B.

Bí thư Tỉnh ủy vui mừng khi thấy, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đã có nhiều cách làm hay, lấy người dân làm trung tâm, lắng nghe ý kiến của nhân dân để xây nhà phù hợp với kiến trúc, sinh hoạt của từng dân tộc. Cùng với đó là tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thực hiện chương trình, đặc biệt là về nguyên vật liệu, đất đai tại khu vực miền núi, biên giới. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động các nguồn lực trên tinh thần “ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có gì giúp nấy”; phát huy sức mạnh của nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy cũng giao cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thống nhất chủ trương tặng mỗi hộ 1 lá cờ Tổ quốc, 1 ảnh Bác Hồ đối với mỗi nhà hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm lan tỏa mục đích, ý nghĩa của chương trình.

Tính đến ngày 9.3.2025, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 3.093 ngôi nhà, trong đó có 2.843 ngôi nhà xây mới và 250 ngôi nhà sửa chữa. Đặc biệt, số nhà được xây dựng cho đối tượng người có công, người nghèo và các hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ lớn. Trong đó, 45 ngôi nhà được xây mới cho các gia đình người có công với cách mạng (25 nhà xây mới, 20 nhà sửa chữa). Từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, tỉnh cũng đã hoàn thành 242 ngôi nhà. Số nhà còn lại thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và cận nghèo, đạt tổng số 2.806 ngôi nhà, trong đó có 2.631 nhà xây mới và 175 nhà sửa chữa. Điều này cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nhà ở kiên cố, đảm bảo chất lượng, giúp người dân có mái ấm an cư, lạc nghiệp. Tỉnh ta đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành trong quý II năm 2025, xây dựng xong 100% số nhà thuộc Chương trình phát động của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo xã Tả Lủng (Mèo Vạc) thăm ngôi nhà mới của anh Thò Mí Gấu, thôn Thào Chứ Lủng.
Lãnh đạo xã Tả Lủng (Mèo Vạc) thăm ngôi nhà mới của anh Thò Mí Gấu, thôn Thào Chứ Lủng.

Một điểm sáng trong việc triển khai chương trình là sự tham gia tích cực của các lực lượng, đặc biệt là nhân dân. Cụ thể, đã có 71.787 ngày công hỗ trợ xây dựng nhà ở, trong đó lực lượng vũ trang đóng góp 13.936 ngày công. Đây là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Về nguồn lực, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh ta đã nhận được kinh phí hỗ trợ 265,5 tỷ đồng, gồm: Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng 254 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Lộc Phát 10 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 1,5 tỷ đồng.

Để thực hiện thành công chương trình, Hà Giang đã triển khai nhiều cách làm hay và sáng tạo, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Một trong những giải pháp được áp dụng hiệu quả là sự kết hợp giữa nguồn lực Nhà nước và sự huy động lực lượng xã hội hóa từ cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp. Các huyện tại Hà Giang đã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng nhà ở phù hợp với bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán của từng dân tộc. Đặc biệt, huyện Quản Bạ đã vận động người dân lát nền nhà bằng gạch men thay cho nền đất, để thay đổi thói quen sống vệ sinh và cải thiện môi trường sống. Huyện Mèo Vạc thành lập đội Thanh niên xung kích và đội mô tô tình nguyện tham gia giúp các hộ dân vận chuyển và xây dựng nhà ở miễn phí. Huyện Đồng Văn vận động các hộ làm nhà theo mẫu nhà hai tầng, mái lợp ngói hoặc tôn để có thể hứng nước sinh hoạt từ mái nhà. Đặc biệt, 100% công việc xây dựng được thực hiện nhờ vào ngày công tự nguyện của nhân dân và các gia đình, giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng, với mức giá từ 80 đến 150 triệu đồng cho mỗi căn nhà.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đến việc hỗ trợ cho các hộ già yếu, neo đơn không có khả năng lao động. Các địa phương đã huy động nhân dân và lực lượng vũ trang hỗ trợ ngày công để xây dựng nhà ở cho những đối tượng này, đảm bảo mọi người đều có cơ hội được hưởng lợi.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp phải không ít khó khăn và thách thức: Địa hình giao thông chia cắt, cách trở khiến việc vận chuyển vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn; giá thành vật liệu xây dựng tăng cao. Đặc biệt, tại các huyện vùng cao núi đá, nguyên vật liệu khai thác tại chỗ rất khan hiếm, khiến chi phí tăng cao làm giảm tính hiệu quả của việc xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo.

Một vấn đề khác là sự chưa kịp thời cấp kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm cấp kinh phí hỗ trợ cho 50 hộ người có công và các hộ nghèo,  nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau....

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, người có công với cách mạng. Mặc dù còn gặp phải không ít khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và những cách làm sáng tạo, Hà Giang đang từng bước tháo gỡ những vướng mắc, hoàn thành mục tiêu xây dựng một cộng đồng bền vững.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Hà Giang ủng hộ chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" tỉnh Hà Giang năm 2025
BHG - Nhằm hưởng ứng Phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, vừa qua, Agribank Hà Giang đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh.
28/02/2025
Giải ngân vốn kịp thời, hỗ trợ hộ nghèo an cư lạc nghiệp
BHG - Thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện chương trình xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Công tác giải ngân vốn kịp thời đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân.
27/02/2025
Động lực giúp người nghèo vươn lên
BHG - Để người có công, hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở được sống trong ngôi nhà an toàn, ổn định, phù hợp với phong tục, tập quán địa phương; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, giúp người nghèo có động lực vươn lên chính là mục tiêu tỉnh nỗ lực triển khai Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát để mang niềm vui đến khắp bản làng mỗi độ Xuân về.
27/01/2025
Về nhà mới, đón Xuân sang
BHG - Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động đang được thực hiện sôi nổi trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ở vùng cao biên giới Mèo Vạc, nơi được biết đến là huyện nghèo của tỉnh, triển khai thực hiện chương trình đã có rất nhiều ngôi nhà tạm, nhà dột nát được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, kiên cố hơn. Đặc biệt, những ngôi nhà này được đưa vào sử dụng đúng vào thời điểm đón Tết cổ truyền của dân tộc, từng bước giúp đồng bào an cư lạc nghiệp.
25/01/2025