Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ
BHG - Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19.6.2015 quy định: NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện NVQS.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm tốt công tác chuẩn bị để bộ đội vui Tết, đón Xuân. Ảnh: CTV |
Trong thời gian hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQ, BS) thực hiện NVQS tại ngũ, thân nhân HSQ, BS được hưởng một số chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 50 Luật NVQS quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân của HSQ, BS tại ngũ gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của HSQ, BS tại ngũ được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Con đẻ, con nuôi hợp pháp của HSQ, BS tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí. Trường hợp HSQ, BS tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 27/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với thân nhân của HSQ, BS tại ngũ nêu rõ: Thân nhân của HSQ, BS tại ngũ được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp: Khi nhà ở của HSQ, BS tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp mức 3 triệu đồng/suất/lần; thân nhân của HSQ, BS tại ngũ ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500 nghìn đồng/thân nhân/lần (chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất được thực hiện không quá 02 lần/năm); thân nhân của HSQ, BS tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2 triệu đồng/người.
Bên cạnh đó, theo Điều 3, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì thân nhân của HSQ, BS tại ngũ gồm cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Chế độ, chính sách đối với HSQ, BS phục vụ tại ngũ (PVTN) được quy định cụ thể tại Nghị định số 27/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, HSQ, BS trong thời gian PVTN từ tháng thứ 13 trở đi thì được nghỉ phép hàng năm, thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành. HSQ, BS là học viên các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội, thời gian học từ một năm trở lên có thời gian nghỉ Hè giữa hai năm học thì thời gian nghỉ này được tính là thời gian nghỉ phép và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho HSQ, BS nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của HSQ,BS bộ binh. HSQ, BS đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc HSQ, BS lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 5 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
Ngoài chế độ phụ cấp quân hàm được hưởng theo quy định HSQ, BS đang PVTN, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian PVTN thì từ tháng thứ 25 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Khoản phụ cấp thêm này không áp dụng đối với HSQ, BS đang chờ chuyển chế độ QNCN, công nhân, viên chức quốc phòng; chờ đi học, dự thi tuyển sinh; đang học ở các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội và các trường hợp khác. HSQ, BS nữ PVTN, hàng tháng được hưởng phụ cấp khuyến khích mức 0,2 so với mức lương cơ sở. HSQ, BS còn được miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; mỗi tháng được cấp 4 tem thư, giá tem thư theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và được cấp cùng kỳ phụ cấp quân hàm hàng tháng.
Đặc biệt, trước khi nhập ngũ, HSQ, BS là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ. HSQ, BS tại ngũ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khỏe, độ tuổi thì được tham gia tuyển sinh theo quy định của Bộ Quốc phòng và được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định hiện hành…
Cẩm Lê (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc