Phát huy vai trò cán bộ người dân tộc thiểu số ở Quang Bình
BHG - Thời gian qua, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) được cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đặc biệt quan tâm; đội ngũ cán bộ DTTS đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển KT - XH, bảo đảm AN – QP tại địa phương.
Đảng viên Hà Văn Nghiệp (dân tộc Tày), công chức Địa chính – Nông nghiệp xã Tân Nam (trái) kiểm tra mô hình trồng dưa hấu tại cơ sở. |
Huyện Quang Bình hiện có 15 xã, thị trấn với 135 thôn, bản, trong đó 74 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 14.218 hộ với 65.341 khẩu, đồng bào DTTS chiếm gần 92% (chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Mông, La Chí…). Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT – XH, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đoàn kết dân tộc trên địa bàn; do đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã chú trọng, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ DTTS bám sát các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức đối với mỗi chức danh để xây dựng các phương án quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ DTTS được thực hiện sát với quy hoạch đảm bảo tính lâu dài, ổn định, sát với yêu cầu thực tiễn.
Từ năm 2014 đến nay, số lượng cán bộ, đảng viên DTTS được tham gia các lớp lý luận chính trị là 486 người (sơ cấp 255 người, trung cấp 220 người, cao cấp 11 người); 34 người được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 4 người được bồi dưỡng chức vụ quản lý; bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành 1.125 người; bồi dưỡng kiến thức về văn thư, lưu trữ là 125 người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp được 1 đợt với tổng số 430 lượt người. Nhờ vậy, đến nay đội ngũ cán bộ DTTS cấp huyện, cấp xã đều đạt chuẩn theo quy định về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Không ít cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã đã có trình độ chuyên môn đại học, thạc sỹ và trung cấp, cao cấp lý luận chính trị. Đảng bộ huyện có 60 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (18 đảng bộ; 220 chi bộ trực thuộc) với 6.128 đảng viên; trong đó đảng viên DTTS chiếm đến 85,1% (5.216 đảng viên).
Trưởng phòng Dân tộc huyện Quang Bình, Nguyễn Đình Luân cho biết: “Cùng với việc thực hiện theo đúng chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi cũng dựa theo tình hình cụ thể của địa phương để sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện tốt nhất con em người DTTS về làm việc tại địa phương; từ đó thu hút nguồn nhân lực người DTTS có trình độ cao, phù hợp với cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bởi vậy, đến nay hầu hết con em người DTTS sau khi học xong chuyên nghiệp đều có mong muốn trở về địa phương tham gia công tác”.
Thôn Phù Lá, xã Tân Nam có 18 hộ, 88 khẩu, hầu hết là dân tộc Phù Lá; kinh tế của người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trưởng thôn Lùng Duy Bính cho hay: Đội ngũ cán bộ thôn, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy ước, hương ước của thôn bản; tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi do xã, huyện tổ chức. Từ đó, bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ; mạnh dạn vay vốn phát triểu sản xuất. Nhờ vậy, kinh tế của các hộ trong thôn ngày càng khấm khá, các hủ tục được đẩy lùi, đời sống người dân từng bước cải thiện.
Có thể thấy, cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đã thực hiện các chương trình, kế hoạch phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS hiệu quả. Từ đó, góp phần thúc đẩy KT – XH, giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn.
Bài, ảnh: Yến Vũ
Ý kiến bạn đọc