Nghị quyết 30a mang ấm no về Mèo Vạc
BHG - Từ khi Nghị quyết 30a của Chính phủ đi vào cuộc sống đã mang đến một “luồng gió mới”, tạo lực thúc đẩy phát triển KT – XH cho các địa phương khó khăn. Sau 10 năm thực hiện (2009 – 2019), với việc triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo đặc thù cùng sự linh hoạt, hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ đã góp phần giúp người dân nơi miền đá Mèo Vạc có cuộc sống ngày một thêm no ấm.
Gia đình ông Sùng Mí Chứ, thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng có cuộc sống ổn định nhờ phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. |
Cụ thể hóa Nghị quyết 30a với quyết tâm chính trị cao, huyện Mèo Vạc đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch giảm nghèo và tập trung đẩy mạnh phát triển KT – XH. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo của địa phương, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, sự tham gia của cộng đồng; tạo điều kiện để người nghèo thoát nghèo. Trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước cũng như nguồn lực huy động từ xã hội cho công tác giảm nghèo, huyện đã phân bổ tập trung, trọng điểm theo thứ tự ưu tiên đối với thôn, xã nghèo và nhóm hộ nghèo đặc thù; nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Các đơn vị chức năng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá, hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của từng chương trình; hiệu quả sử dụng đối với từng nguồn vốn.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Do điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, nên huyện ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…, đã tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, như: Hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, phân bón, chuồng trại; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Qua đó, kiến thức sản xuất của người dân được nâng lên và dần thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi; việc giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đã tạo điều kiện cho một bộ phận hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống…
Trước thực trạng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tư liệu sản xuất hạn chế và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt; huyện đã xác định trao “cần câu” cho người dân thông qua hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Trong 10 năm, huyện thực hiện hỗ trợ 1,5 tỷ đồng giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; phân bổ trên 1,1 tỷ đồng để rà soát, xây dựng quy hoạch rừng sản xuất nông, lâm nghiệp. Qua đó, đã nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc khai thác, bảo vệ rừng cũng như tăng diện tích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Đồng thời, hỗ trợ 600 triệu đồng cho 1.200 hộ khai hoang, phục hóa, tạo ra trên 100 ha ruộng bậc thang; phân bổ trên 22,1 tỷ đồng cho hơn 4.400 hộ mua giống gia súc, gia cầm; phân bổ 500 triệu đồng hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và bố trí dân cư; hỗ trợ trên 20 tỷ đồng cho 2.500 hộ chuyển đổi giống gia súc và trên 2,2 tỷ đồng cho trên 2.100 hộ nghèo làm chuồng trại; hỗ trợ trên 33 tỷ đồng cho gần 94.000 lượt hộ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ gần 2 tỷ đồng giúp trên 3.000 hộ trồng 860 ha cỏ chăn nuôi… Anh Sùng Mí Chứ, thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng, chia sẻ: “Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đầu tư nuôi bò nhốt và chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Bây giờ mọi người trong nhà đều đã biết cách phát triển kinh tế nên không còn lo đói, nghèo nữa; nhiều hộ trong thôn giờ cũng biết cách nuôi bò, làm kinh tế”.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a, diện mạo miền đá Mèo Vạc đã có sự khởi sắc rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 50,44% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020); thu nhập bình quân đầu người đạt 16,27 triệu đồng; 41% lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm và được nhựa hóa hoặc bê tông; 100% xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; các xã có mạng lưới trường Mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 – 14 tuổi đạt 98,1%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82,59%; có 76% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt…
“Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện đang tiếp tục hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân phù hợp với phong tục, tập quán và phù hợp với mục tiêu giảm nghèo của địa phương; hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo; đảm bảo hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững…” – Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc