Chính sách dân tộc đồng hành cùng sự phát triển của huyện Quang Bình
BHG - Huyện Quang Bình hiện có tổng dân số 65.341 người, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 91% và có 12 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, người dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia phát triển KT - XH, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ mỗi người có trách nhiệm chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.
Lãnh đạo huyện Quang Bình thăm mô hình nuôi lợn đen của ông Đặng Văn Đức, thôn Nà Rại, thị trấn Yên Bình. |
Trong 5 năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc đã được huyện triển khai đầy đủ, kịp thời, đạt những chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II, giai đoạn 2014 - 2019 đề ra. Hàng loạt các Chương trình 135, Quyết định 2085, Quyết định 102, Quyết định 59… hỗ trợ cho đồng bào các DTTS ở thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II, xã vùng III và các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, đào tạo nghề đã đồng hành, tạo động lực rất lớn cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững. Cụ thể, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 19%; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,8%; tỷ lệ trẻ em từ 3 - 5 tuổi đến lớp đạt 98%.
Với trên 50 tỷ đồng giải ngân theo Chương trình 135 để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, toàn huyện nâng cấp, sửa chữa hơn 200 công trình các loại, như: Giao thông, cầu đường, trường lớp học, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa thôn. Đặc biệt, với kinh phí 18 tỷ đồng, hộ nghèo ở những nơi đặc biệt khó khăn được trao tận tay giống lúa, ngô, đậu tương, cây ăn quả, giống gia súc, vật tư, phân bón đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, toàn huyện có 294 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 712 hộ hưởng thụ nước sinh hoạt theo Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ; 82 hộ vay vốn với số tiền 811 triệu đồng để phát triển sản xuất theo Quyết định 755 của Chính phủ.
Từ nguồn hỗ trợ đó, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đã dần thay thế tập quán canh tác lạc hậu, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, ở nhiều nơi còn xây dựng thành công thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, như: Phở khô xã Yên Thành; chè Shan tuyết các xã Bản Rịa, Xuân Minh... Chưa kể, các mô hình đầu tư tái thu hồi; dồn điền, đổi thửa áp dụng mạ khay, máy cấy; trồng cây Thảo quả kết hợp quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ hộ nghèo thông qua hộ khá, giàu đang thực hiện tốt, tạo ra những thành tựu mới trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của huyện nhà.
Song song với đó, các chính sách hỗ trợ cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 của Chính phủ đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Bằng việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong mỗi nhà trường. Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể luôn được quan tâm, chú trọng. Hiện 15 xã, thị trấn có Hội Nghệ nhân dân gian, các lễ hội, nghi lễ cổ truyền dần được phục hồi để thế hệ trẻ biết về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, từ 2014 - 2019, toàn huyện đã triển khai thực hiện mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 258.860 lượt người; khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đạt 72.777 lượt người.
Thời gian qua, người có uy tín, già làng, trưởng bản đã phát huy vai trò của mình để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước. Đáp lại sự quan tâm đó, khắp nơi đều hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với xây dựng Nông thôn mới và chấp hành nghiêm quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố. Ngày nay, việc cưới, việc tang được tổ chức văn minh, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế và văn hóa của từng địa phương. Hòa cùng những kết quả ấn tượng đó, huyện đã xây dựng đội ngũ cốt cán trong đồng bào DTTS gắn với quy hoạch đảm bảo tính lâu dài, ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định: “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong phát triển KT - XH, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, các chính sách dân tộc được triển khai xuyên suốt với nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế. Trên cơ sở đó, huyện đã gợi mở, lựa chọn những mô hình hay, điểm sáng để nhân rộng, giúp đồng bào DTTS vững tin trên con đường giảm nghèo, hướng đến cuộc sống ấm no, tiến bộ và hạnh phúc, vì một Quang Bình phát triển”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc