Nà Đén - thôn bình yên, không có tội phạm, tệ nạn xã hội
BHG - Xã vùng 3 Giáp Trung (Bắc Mê) được chia thành 12 thôn, bản. Là địa bàn giáp ranh với tỉnh Cao Bằng nên công tác bảo đảm an ninh, trật tự tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp… Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ban, đoàn thể của xã luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Công an xã Giáp Trung (Bắc Mê) hướng dẫn các thành viên tổ tự quản thôn Nà Đén các phương án xử lý vụ việc tại cơ sở. |
Thôn Nà Đén cách trung tâm xã 8 km, có 90 hộ đều là dân tộc Dao sinh sống. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, từng bước xóa bỏ các hủ tục như thách cưới, cúng bói, mê tín dị đoan… Với địa hình chủ yếu là đồi núi cao, khe sâu, dân cư sống rải rác trên các sườn đồi với kinh tế thu nhập chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập thấp, cuộc sống đồng bào gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản.
Tháng 8.2018, UBND xã Giáp Trung thành lập mô hình “Thôn bình yên, không có tội phạm, không tệ nạn” gồm 9 thành viên trong tổ tự quản hoạt động dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự hướng dẫn của lực lượng Công an xã. Thực hiện nhiệm vụ, các thành viên trong tổ tự quản nêu cao tinh thần trách nhiệm, định kỳ mỗi tháng tổ chức họp để kiểm điểm, đánh giá những kết quả thực hiện, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tiếp theo phù hợp với thực tiễn từng thời điểm của địa phương. Theo đánh giá chung, qua 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, các hoạt động được duy trì tích cực: Tổ chức được 8 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với hơn 560 lượt người tham gia với các nội dung về Luật An toàn giao thông; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kế hoạch hóa gia đình; quản lý rừng, quản lý đất đai. Phối hợp với Công an xã và dân quân tự vệ tuần tra, kiểm soát trong thôn được 18 lượt, phát hiện 11 người lạ mặt vào địa bàn, nhắc nhở các gia đình ăn uống, mở nhạc to quá giờ. Bên cạnh đó, các thành viên thường xuyên bám địa bàn, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nhân dân.
Anh Phàn Văn Tiến, Trưởng thôn Nà Đén cho biết: Từ khi thành lập đến nay, tổ tự quản đã tổ chức hòa giải 6 vụ việc tranh chấp đất đai, nguồn nước, say rượu bia gây rối trật tự, bạo lực gia đình; cung cấp cho Công an xã 9 tin có giá trị phản ánh các vụ việc, hành vi vi phạm về ANTT trên địa bàn; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác răn đe, cảm hóa, giáo dục 3 đối tượng uống rượu bê tha; ngoài ra vận động nhân dân giúp đỡ các gia đình có nguy cơ sạt lở sang nơi ở mới, huy động nhân dân tu sửa đường sá, quyên góp giúp đỡ các gia đình khó khăn, xóa bỏ các hủ tục…
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Đặng Văn Dâu, Chủ tịch UBND xã Giáp Trung chia sẻ: thông qua hoạt động của mô hình tự quản về ANTT đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật và tinh thần “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” trong từng gia đình; tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy và ngày càng gắn bó, hạn chế phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, tạo sự ổn định về ANTT và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Thực tiễn cho thấy, mô hình “Thôn bình yên không có tội phạm, không tệ nạn” thôn Nà Đén, xã Giáp Trung đạt được nhiều kết quả tích cực, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, tình hình an ninh, trật tự ổn định, bà con trong thôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: Kỳ Long (Công an tỉnh)
Ý kiến bạn đọc