Đơn thư nặc danh nhìn từ thực tiễn

07:50, 07/11/2014

HGĐT- Hiện nay, chuyện đơn thư nặc danh (ĐTND) đã trở thành vấn đề phức tạp, cầnbáo động. Vấn đề này cho thấy chỉ số về 2 điều quan trọng của một xã hội: Nhân cách và dân chủ.


Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những lời lẽ hay những thông tin công khai nhưng ẩn danh về một người hay tổ chức có thể gọi chung là ĐTND. Với những bước tiến dân chủ và công nghệ thông tin, người ta có thể dùng nhiều hình thức và phương tiện để gửi thông tin hoặc công khai những lời lẽ như tin nhắn, bài viết, nhận xét trên các trang mạng xã hội và những lá thư được đánh máy vi tính hoặc cả viết tay...


Thể hiện lối sống:

Khi có điện thoại di động, con người được giải phóng khỏi những "căn phòng chật hẹp" của thông tin liên lạc. Điều tệ hại cũng bắt đầu từ đây, nhiều người lợi dụng để lan truyền như một bệnh dịch. Vì chế độ kiểm duyệt điện thoại di động của chúng ta còn yếu kém, ai cũng có thể mua một cái sim rất rẻ, dùng một thời gian hoặc thậm chí một ngày, một giờ để thực hiện một phi vụ rồi vứt đi mà không ai lần ra dấu vết... Họ dùng tin nhắn bôi nhọ, chửi bới, vu cáo... một người nào đó mà họ không ưa hoặc thù hận. Theo chúng tôi, đây cũng là một hình thức của ĐTND. Rồi họ lập ra bao nhiêu Hộp thư điện tử tùy ý và tự do bôi nhọ, vu cáo người khác trên các trang mạng xã hội... dưới dạng thư phản hồi đủ loại bí danh. Tình trạng này hiện khá phổ biến. Điều đó cho thấy một lối sống thiếu văn minh, văn hóa; biến thành tựu công nghệ tin học thành phương tiện cho những hành động kém nhân cách và độc ác. Nếu thực sự thiện chí, có tính xây dựng, họ phải sẵn sàng xưng chính danh.


Thời gian gần đây, người ta gửi ĐTND chủ yếu dưới hai dạng: Văn bản in trên giấy và soạn thảo trên máy tính. ĐTND ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, bởi dễ thực hiện hơn và không để lại nguồn gốc của người gửi hay nơi gửi. Theo thống kê tại UBND tỉnh: Năm 2012 có 30 ĐTND, năm 2013 là 37 đơn, 8 tháng đầu năm 2014 với 18 đơn. Nếu thống kê số liệu gửi đến các cơ quan Đảng, chuyên môn và địa phương thì còn nhiều nữa.


Trước đây, ĐTND có lúc được dùng như một bằng chứng ở mức nào đó. Tất nhiên, nó không được dùng trong các cơ quan tiến hành tố tụng mà chỉ dùng trong các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, trong rất nhiều ĐTND gây rối, vu khống... cũng có những trường hợp chân chính.


Tính trung thực trong những ĐTND:

Dân gian ta có câu: "Con kiến kiện củ khoai" nói về sự vô nghĩa trong cuộc đấu tranh vì lẽ phải của những người dân; theo một nghĩa nào đó vẫn còn giá trị đến giờ. Thực tế cho thấy, không những người dân hay một cán bộ kiện lãnh đạo của mình khó có thể thắng, thậm chí còn phải chịu hậu quả nặng nề từ chuyện kiện tụng đó. Vì thế, hầu hết những người đấu tranh cho sự công bằng, tuy không từ bỏ cuộc đấu tranh của mình, nhưng phải rút vào "bí mật" và đấu tranh bằng một phương pháp ít hiệu quả nhất: ĐTND, nhằm cảnh báo hoặc gián tiếp thông tin cho những người và cơ quan có trách nhiệm về một cá nhân, tập thể có những hành vi vi phạm đạo đức hoặc vi phạm luật pháp... Họ chẳng hề muốn điều ấy, nhưng vẫn tin có những “đôi mắt thần” thấy được, dù sớm hay muộn, sự thật và tính trung thực trong những cái gọi là ĐTND.


Pháp luật quy định ĐTND không có bất cứ giá trị để phê phán, kỷ luật, truy tố, buộc tội... cá nhân, tập thể bị lên án. Đó chính là tính khoa học và công bằng của pháp luật. Nhưng nó có những giá trị nhất định và tính tích cực trong sự "tiêu cực" của người viết ĐTND. Nó nhắc nhở những người có trách nhiệm và cơ quan chức năng về mặt trái của những điều tốt đẹp. Nó thông báo về những nguy cơ tồi tệ đang xẩy ra, sắp xẩy ra. Từ đó, những người có trách nhiệm và những cơ quan chức năng có những biện pháp tìm hiểu sự thật mà ĐTND nói đến.


Nếu vô trách nhiệm, chúng ta sẽ đưa ra lý do nghe rất "hợp lý" khi nhận được ĐTND: Không có cơ sở tiến hành điều tra, giải quyết, rồi vứt những ĐTND chân chính vào cùng những ĐTND khác. Trước khi "tin hay không tin"những thông tin ĐTND cung cấp, những người có trách nhiệm và cơ quan chức năng phải đặt câu hỏi thông qua phân tích nội dung và tính chân thực của những thông tin đó. Điều này khó, nhưng không phải không làm được. Hơn nữa, có những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, email, thư bằng văn bản... thông báo một nguy cơ sắp xẩy ra với xã hội hay với một cá nhân, như cướp giật, trộm cắp, đặt bom mìn, giao hàng cấm, tấn công có hung khí...; nếu chỉ coi đó là những ĐTND mà bỏ qua thì là sự gián tiếp có tội nếu những tội ác kia xẩy ra. Một số nước trên thế giới, mỗi khi nhận được tin báo như nói trên, cơ quan chức năng nhanh chóng đến mức có thể triển khai các phương án ngăn chặn hậu quả có thể xẩy ra.


Thay lời kết:

Điều quan trọng là những người có trách nhiệm và các cơ quan chức năng phải thấu hiểu: Không phải ai đấu tranh chống lại cái xấu và cái ác cũng đều dám công khai tên tuổi. Đấy chính là sự xấu hổ của chúng ta khi những người đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng, dân chủ... lại sợ hãi những kẻ chà đạp lên lẽ phải, sự công bằng và nền dân chủ mà Đảng và Nhân dân ta phải đổ bao nhiêu xương máu mới giành được. Xấu hổ bởi những kẻ xấu lại trở thành nỗi đe dọa và sự thắng thế với người tốt. Và, ĐTND ở một nghĩa nào đó chính là những tiếng kêu cứu của con người về những điều xấu xa, độc ác và nguy hiểm đang đe dọa cá nhân một con người hay cả xã hội.


                  Trần Hải Dương (Văn phòng UBND tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
HGĐT- Sáng 30.10, huyện Vị Xuyên phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải cơ sở cho hơn 100 học viên là thủ trưởng các cơ quan trong huyện, Chủ tịch UBND và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
30/10/2014
Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường
HGĐT- Tối ngày 25.10, Sở Tư pháp phối hợp với trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh (PTDTNT) tổ chức Hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy năm 2014.
27/10/2014
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo
HGĐT- Ngày 11.11.2011, Quốc hội thông qua Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Đây là các văn bản pháp lý quan trọng, thể chế hóa quyền tố cáo, khiếu nại (KNTC) của công dân được Hiến pháp ghi nhận, phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
21/10/2014
TAND tỉnh: Giải quyết 78 lượt tiếp công dân, đơn thư
HGĐT- Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh (TAND), công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2014 đã được ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nên đã có chuyển biến tích cực. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào nề nếp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
14/10/2014