Dấu ấn từ công tác "Dân vận khéo"
BHG - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh xuyên suốt những năm qua được ví như mưa nguồn, thấm vào đất để “cây đời” nở hoa, kết trái…
Qua các phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức dân tham gia phát triển KT-XH Trong ảnh: Người dân xã Đồng Tâm (Bắc Quang) góp sức làm các công trình phúc lợi tại địa phương. |
Tiếp nối những kết quả quan trọng từ công tác “Dân vận khéo” giai đoạn trước, năm 2016 – 2017, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh tập trung làm nổi bật chủ đề: “Phát huy dân chủ - xây dựng Nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” (theo Kế hoạch số 48, ngày 15.3.2016 của BTV Tỉnh ủy về triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”). Trên cơ sở này, các Huyện, Thành ủy trực thuộc đều xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua. Điển hình, một số huyện như: Mèo Vạc, Yên Minh, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì hay thành phố Hà Giang còn thành lập Ban Chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” hoặc tổ chức Hội thi “Cán bộ khuyến nông giỏi - Dân vận khéo”. 100% xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đăng ký với cấp ủy, chính quyền xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một số cơ quan, đơn vị lồng ghép phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua của ngành, đơn vị. Qua đó, góp phần giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của công tác dân vận trong tình hình mới…
Từ sự lan tỏa trên, công tác “Dân vận khéo” đã in dấu ấn qua nhiều phong trào thi đua yêu nước. Chỉ trong 2 năm, toàn tỉnh thực hiện 2.946 mô hình, nhân rộng 706 mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực như: Phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị… Nhiều mô hình mới, tiêu biểu như: “Ngày thứ 7 tình nguyện hướng về cơ sở”, Hợp tác xã kiểu mới; mỗi xã, thôn một sản phẩm... Cùng với đó, một số mô hình bước đầu phát huy hiệu quả như: Diễn đàn Mặt trận nghe dân nói; Thôn tự chủ - tự quản hay mô hình sinh hoạt Chi bộ mẫu luân phiên; Đảng viên nắm hộ, cấp ủy nắm thôn... Tại nhiều địa phương, từ công tác “Dân vận khéo” xuất hiện những mô hình dân vận hiệu quả như: “Tự quản về an ninh, trật tự gắn với tuyên truyền phòng, chống tội phạm” của Công an huyện Mèo Vạc; “Không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống” của huyện Đồng Văn; “Thôn tự chủ - tự quản” của huyện Bắc Quang; “Kho thóc tình thương” của huyện Quang Bình hay mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã lan tỏa sâu rộng trong gia đình hội viên.
Bên cạnh đó, từ công tác “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi. Đó là hiệu quả từ việc trồng chuối Tiêu xen gừng, trồng hồng không hạt, trồng cây dược liệu tại huyện Quản Bạ; thụ tinh nhân tạo cho bò ở huyện Đồng Văn, Mèo Vạc… hay phong trào phát triển kinh tế hộ, gia trại, trang trại, khởi nghiệp tại các huyện: Bắc Mê, Đồng Văn, Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần… Qua những điển hình “Dân vận khéo” đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, khích lệ nhân dân phát huy nội lực, tham gia hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Minh chứng cho thấy, giai đoạn 2016 – 2017, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt tiêu chí NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 23 xã. Điều đó cho thấy, công tác “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng làm thay diện mạo nông thôn và thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, khâu đột phá về phát triển KT-XH mà nghị quyết Đại hội các cấp đề ra...
Song song với kết quả trên, thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp chính quyền không ngừng đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, vai trò “nêu gương”, “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phát huy. Trong 2 năm 2016 – 2017, toàn tỉnh có 486 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Qua đó cho thấy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã bám sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân để giải quyết tốt nhiều vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở. Qua đó, không chỉ góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở mà còn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng nhân dân... Điển hình cho công tác này là các huyện Bắc Quang, Yên Minh, Xín Mần, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh...
Thấm nhuần tư tưởng của Bác về công tác “Dân vận khéo”, giờ đây, từ thành phố tới nông thôn, từ vùng thấp đến rẻo cao hay miền biên ải xa xôi, công tác “Dân vận khéo” luôn được các cấp, ngành của tỉnh chú trọng. Vì đây là khâu then chốt để mọi việc trong chiến lược phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng được thành công.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc