Nông nghiệp Yên Minh sau hơn 2 năm tái cơ cấu
BHG - “Nông nghiệp của huyện Yên Minh đã có chuyển biến rõ nét, sản xuất chuyển dịch đúng hướng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; chăn nuôi phát triển mạnh, dần chuyển từ nông hộ, quy mô nhỏ sang hình thức gia trại, trang trại sản xuất hàng hóa; một số vùng sản xuất tập trung các loại cây, con thế mạnh đang được hình thành… góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phạm Xuân Diệu khẳng định.
Nuôi bò vỗ béo mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã Sủng Thài. |
Sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Yên Minh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, xác định rõ các sản phẩm chủ lực, đưa ra các giải pháp triển khai đồng bộ. Đồng thời, xây dựng nhiều phương án, đề án thực hiện; vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển những sản phẩm truyền thống, có thế mạnh, đi sâu khai thác lợi thế vùng, thúc đẩy phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; hướng sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, toàn diện trên các lĩnh vực, hình thành các vùng tập trung đối với một số cây trồng.
Mục tiêu lớn nhất trong định hướng Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Yên Minh là đảm bảo tốc tăng trưởng bình quân đạt 5,4% năm; riêng lĩnh vực chăn nuôi đạt 13,42% năm; phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 35,4% trong GRDP của huyện. Thực hiện mục tiêu trên, huyện Yên Minh đã ban hành gần 20 văn bản có liên quan và bố trí, giải ngân khoảng 2 tỷ đồng thực hiện Đề án. Trong đó, tập trung chính vào phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh triển khai các chính sách khuyến khích theo Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh; đồng thời bố trí ngân sách huyện xây dựng một số chính sách ưu đãi riêng. Ngoài ra, huyện Yên Minh đã tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như các mô hình nhà lưới trồng rau, thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò; mở rộng diện tích cây Hồng không hạt thành vùng sản xuất tập trung ở một số xã, thị trấn; cải tạo vườn Xoài địa phương, nhằm phát triển các loại cây ăn quả thế mạnh; mở rộng diện tích cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có đầu ra như Thảo quả, Gừng, Nghệ, Sa nhân tím…
Tính đến hết năm 2018, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp Yên Minh ước đạt trên 852 tỷ đồng, chiếm gần 37% trong cơ cấu kinh tế của huyện, vượt mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp gần 4%, đạt 73% mục tiêu; tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản trong cơ cấu ngành trên 29%, đạt trên 95% mục tiêu. Toàn huyện phát triển mới gần 30 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở sản xuất giống lợn, gà địa phương; có trên 1.700 ha cây ăn quả, trong đó cây Hồng không hạt dần hình thành vùng sản xuất tập trung với trên 260 ha và đã được cấp Chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. Đã giải ngân trên 36 tỷ đồng vốn vay theo Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh, giúp các hộ mua được 1.350 con trâu, bò, trên 3.200 đàn ong, gần 1 nghìn con lợn, 2 nghìn con gia cầm; hình thành được trên 50 cánh đồng mẫu lúa, ngô, đậu tương/204 ha đất sản xuất, tăng năng suất từ 10 – 16% so với gieo trồng thông thường. Kiện toàn, thành lập mới 19 HTX nông nghiệp, 274 Tổ hợp tác, góp phần xây dựng mối liên kết, cơ cấu lại sản xuất cho người nông dân...
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Yên Minh Nguyễn Văn Quốc cho biết: Xác định Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần thời gian lâu dài, thường xuyên; xuất phát điểm kinh tế của huyện thấp, điều kiện canh tác khó khăn, kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn thiếu đồng bộ, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn vốn nhà nước bố trí hàng năm chưa đáp ứng... nên huyện đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và có những định hướng cụ thể, tạo sự phát triển bền vững trong thời gian tiếp theo.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc