Kỷ niệm của Bác ở Chiến khu Việt Bắc
BHG - Ở Việt Bắc, việc gần dân được gắn với công tác dân vận của Bác. Có lần thấy Bác gầy quá, lúc nào Bác cũng vất vả vì việc nước, kháng chiến thì kham khổ, có gì ăn đâu. Thương Bác quá nên chúng ta mới bảo nhau lên rừng hái rau, lấy măng, bắt cá để nấu bát canh cải thiện cho Bác. Trên đường về, chiến sỹ mới tạt vào nhà dân, thấy măng ngon nên bẻ một bó mang về mà không hỏi, không xin. Về lán trại, Bác hỏi: Các chú đi đâu mà lấy được lắm măng thế? Phải nói dối Bác là hái trong rừng chứ không dám nói bẻ của dân. Đưa Bác xem, xem xong Bác tủm tỉm cười và lấy mấy đồng bạc đưa cho các chú quay lại nhà dân trả tiền, vì đây là măng dân trồng chứ có phải măng rừng đâu.
Bác nhận xét tinh tế đến như vậy, các chiến sỹ phải nghe lời Bác và quay về dân để trả tiền thì trời đã tối. Mà lúc bẻ măng thì có quan sát là nhà nào đâu. Tìm mãi mới thấy, tìm được rồi thì kể hết cho dân nghe, trả tiền cho dân và nói rõ đây là tiền của Bác, đồng thời Bác gửi lời xin lỗi dân. Dân xúc động lắm, dân không lấy tiền của cán bộ đưa, dân còn giữ cán bộ lại bẻ thêm một bó măng đem về biếu Bác. Qua câu chuyện ta mới hiểu tại sao dân vận đúng và dân vận khéo thì việc gì cũng thành công là như vậy.
Hay là chuyện Bác vào các nhà dân ở những nơi đóng quân, Bác hỏi han từ cụ già đến các cháu nhỏ. Ngày Xuân Bác có thói quen mừng tuổi, từng đồng xu Bác gói giấy hồng rất cẩn thận mừng tuổi các cụ già và cháu nhỏ. Thể hiện tình nghĩa và tấm lòng của Bác. Khi Bác ốm, ở dưới lán nhà ẩm thấp trong rừng, sức khỏe giảm sút, thậm chí cả sốt rét, khi trời hửng nắng chúng ta đem phơi chiếu nằm cho Bác.
Dân thương Bác nấu cháo mang cho Bác, mang quần áo chàm cho Bác mặc.
Ngày rời Việt Bắc về xuôi, tình cảm của Bác và của đồng bào được thể hiện trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu: “Ta về, mình có nhớ ta; Ta về ta nhớ những hoa cùng người; Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi; Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng…”. Có thể nói 9 năm trường kỳ kháng chiến Điện Biên, làm nên lịch sử chói lọi, và cũng 9 năm ghi đậm nhiều chuyện kể tình nghĩa giữa Đảng với dân; giữa Bác với dân, giữa quân với dân như cá với nước.
Các bạn bè quốc tế cũng đã đến Việt Bắc, nhà làm phim Xô Viết đến quay phim về Việt Nam trường kỳ kháng chiến để quảng bá Việt Nam với thế giới. Từ đó mới khai thông chuyện sau chiến dịch biên giới năm 1950, Liên Xô và Trung Quốc mới công nhận Việt Nam và cả hệ thống các nước XHCN mới công nhận Việt Nam. Khi quay phim ở Việt Bắc, tìm một người giỏi tiếng Nga để dịch rất khó, Bác lại đứng ra dịch hết. Trong kháng chiến, đội chiếu phim lưu động mời Bác đến xem. Chiếu lên chẳng có thuyết minh gì mà toàn tiếng Tây. Bác bảo sao các chú không xem trước – thưa Bác vội quá, mượn được phim là chiếu ngay chứ có biết đâu lại như vậy. Bác bảo thôi, các chú ra xin lỗi đồng bào. Nói với đồng bào cố chờ 10 phút, Bác xem trước rồi Bác dịch cho, Bác thuyết minh cho.
Từ núi rừng Việt Bắc, Bác có rất nhiều lần bí mật ra thế giới để mở rộng mối quan hệ của Việt Nam với thế giới mới dẫn đến thắng lợi của Điện Biên Phủ sau này. Trong đó có cả viện trợ xin vũ khí và lương thực. Cũng từ Việt Bắc đã trù tính của Bác về Đại hội Đảng; về đường lối cách mạng Việt Nam; về quyết định Đảng ra công khai; và tiến tới cải cách ruộng đất sau này.
Có thể nói, hơn 6 thập kỷ hoạt động của Bác, những năm tháng hoạt động của Bác ở Việt Bắc, kể từ khi Bác về nước ở Pắc Bó (Cao Bằng) cho đến khi Bác về Hà Nội, đồng bào miền Bắc vẫn không nguôi nhớ Người. Và những lần Bác thăm lại Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên… đi đến đâu Bác cũng nhắc nhở tình nghĩa ngày xưa, tình nghĩa ấy chính là tài sản của cách mạng.
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc