Di chúc thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Bác
BHG - Với tư cách là một nhà mác xít sáng tạo bậc nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, Bác Hồ thể hiện một tầm nhìn chiến lược mà ta gọi là một nhà tiên tri dự báo thiên tài. Không phải đến khi Bác viết trong Di chúc mới thể hiện điều đó mà trong nhiều tác phẩm, nhiều sự kiện, bước ngoặt của đời Bác đã thể hiện.
Sau khi Bác trở về nước từ Cao Bằng năm 1941, đến năm 1942 Bác viết Việt Nam diễn sử ca cũng từ núi rừng Việt Bắc. Với một trí tuệ mẫn tuyệt, Bác nhớ các sự kiện của dân tộc ta trong lịch sử; từ thời Hùng Vương dựng nước đến các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, đến tận khi Pháp xâm lược Việt Nam. Khi đó, Bác dự báo tới năm 1945 Việt Nam sẽ giành được độc lập. Và dự báo của Bác đã đúng, đó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Việt Nam đã giành độc lập. Cuộc cách mạng mà chỉ mất có 15 ngày đã giành được chính quyền trên cả nước, đặc biệt hơn là không đổ máu. Điều này chứng minh thiên tài của Hồ Chí Minh.
Năm 1960, khi đó Bác 70 tuổi, trong diễn văn đọc tại Nhà hát lớn Hà Nội, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1.5; đoạn nói về cách mạng miền Nam, Bác cho biết: Cách mạng giải phóng miền Nam chậm nhất phải mất 15 năm nữa. Như vậy, đúng năm 1975 (năm Bác dự báo) ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi Mỹ tạo cớ chiến tranh xâm lược miền Bắc với sự kiện Vịnh Bắc Bộ 5.8.1964, Bác đã đưa ra dự báo đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua, vì họ là phi nghĩa nên dù có vũ khí hiện đại nhưng sẽ không thắng được Việt Nam là chính nghĩa. Nhưng Bác cũng trù tính, Mỹ chỉ thua khi chúng chấp nhận thua trên bầu trời Hà Nội, cho nên Bác đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với kỹ sư Trần Đại Nghĩa nghiên cứu các vũ khí đặc biệt để chống lại B52. Và cuối cùng, Mỹ đã thất bại trước lòng dũng cảm và mưu trí của quân và dân Việt Nam. Mỹ không ngờ như vậy nên phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán năm 1973.
Trên đây là một vài dẫn chứng để thấy, Bác tiên tri dự báo thiên tài, sự mẫn cảm của Bác, tầm nhìn chiến lược của Bác. Điều này cũng được Nhà thơ Chế Lan Viên nói rõ tầm nhìn của Bác trong bút ký rất cảm động “Sen của loài người” viết ngay sau khi Bác mất để khắc họa lại thời điểm Bác rời làng Sen đi tìm đường cứu nước. Nhà thơ Chế Lan Viên viết: Người ra đi từ con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc trải qua 4 bể, 5 châu ôm vào mình tất cả tri thức Đông, Tây, kim, cổ để rồi trở về nhìn lại con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc với một tầm mắt đại dương. Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi Bác là người có tâm hồn lộng gió bốn phương của thời đại. Đảng ta đánh giá Người mở ra một thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong hàng ngàn năm dựng nước.
Trên nền tiên tri ấy, trong Di chúc Bác dự báo về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn kéo dài mấy năm nữa. Dù có kinh qua gian khổ nhưng nhất định chúng ta sẽ thắng lợi, và thực tiễn đã chứng minh điều đó. Thứ hai nữa, Bác dự báo là cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và khi đó đất nước sẽ chuyển sang một thời kỳ mới với nhiều thách thức, khó khăn phải vượt qua cũng như cơ hội để phát triển. Dù thế nào cũng phải xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác còn đưa cả truyện kiều và tâm hồn của Nguyễn Du vào trong Di chúc: Còn non, còn nước, còn người; thắng giặc Mỹ ta lại xây dựng hơn 10 ngày nay.
Những gì chúng ta đạt được như ngày nay, thế và lực của ta như ngày nay càng cho thấy những lời tiên tri của Bác là đúng đắn. Bác còn dự báo sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ví như một cuộc chiến khổng lồ, giữa cái tốt tươi, mới mẻ với cái xấu xa, hư hỏng lỗi thời. Và bây giờ sự đổi mới của chúng ta đang phải giải quyết rất rõ giữa thời cơ và thách thức, cả thuận lợi khó khăn. Nhất là sự suy thoái của bộ phận đảng viên hiện nay thì đây là những điều mà Bác đã lo từ trước.
Về phương diện lý luận, Người đưa vào Di chúc dù chỉ 1.000 từ, một quan niệm rất hiện đại về Chủ nghĩa xã hội, một quan niệm mà đến bây giờ Đảng ta coi là bản chất, là đặc trưng: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Người quan niệm đấu tranh để đổi mới để phát triển và hội nhập với quốc tế là một tất yếu, thường xuyên và chúng ta đang thực hiện như vậy. Để nói những điều mà Bác dự đoán là kết quả của cả một quá trình trải nghiệm sâu sắc mới rút ra được những chân lý như vậy và cũng đang soi sáng đường đi của chúng ta.
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc