Phát triển nông nghiệp sạch đáp ứng yêu cầu thời hội nhập

08:39, 09/11/2017

BHG - Bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn. Nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thể trong việc phát triển thực phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ... là những thách thức không nhỏ cho nông nghiệp tỉnh nhà trước cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của HTX Sản xuất rau an toàn và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Tân Đức (xã Đạo Đức, Vị Xuyên).
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của HTX Sản xuất rau an toàn và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Tân Đức (xã Đạo Đức, Vị Xuyên).

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta nói chung, sản xuất rau, hoa các loại nói riêng đã có bước tiến đáng kể, từng bước phát triển theo hướng hàng hóa tập trung. Nhiều vùng chuyên canh, sản xuất rau đã hình thành, việc đầu tư thâm canh theo quy trình kỹ thuật được người dân chú trọng hơn. Diện tích rau gieo trồng cả năm trên địa bàn tỉnh đạt 19.198 ha, so với năm 2015 tăng trên 890 ha; đã hình thành được một số vùng sản xuất rau chuyên canh như: Phường Ngọc Hà, xã Ngọc Đường, Phương Thiện (thành phố Hà Giang); thị trấn Vị Xuyên, xã Đạo Đức (Vị Xuyên); xã Quyết Tiến, Đông Hà (Quản Bạ)... với quy mô các vùng từ 2 – 5 ha, năng suất bình quân đạt 66,8 tạ/ha, sản lượng đạt 128.247 tấn, tăng 4.435,4 tấn so với năm 2015.

Nắm bắt xu thế thời kỳ hội nhập, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần XĐGN; hiện nay, tỉnh ta đang chú trọng đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch. Cuối năm 2016, một số địa phương đã xây dựng mô hình sản xuất rau trong nhà lưới. Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với các địa phương triển khai chương trình phát triển rau tập trung ở 5 huyện, thành phố: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Quản Bạ và thành phố Hà Giang. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích rau trong nhà lưới của tỉnh gần 12 ha/42 nhà lưới với các loại rau như: Mùng tơi, rau đay, rau cải các loại, rau ngót, dưa lê... Bước đầu mô hình đã đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, tỉnh cũng hướng người dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hiện có 40,65 ha/10 huyện, thành phố.

Đến thăm mô hình trồng rau trong nhà lưới của HTX Sản xuất rau an toàn và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Tân Đức (Đạo Đức - Vị Xuyên), có thể dễ dàng nhận thấy, hệ thống nhà lưới được đầu tư bài bản với diện tích rộng hơn 4.000 m2, được lắp đặt đầy đủ hệ thống tưới nước tự động, đèn chiếu sáng, quạt thông gió, bể trồng rau thủy canh... Sản phẩm chính của HTX gồm các loại rau mồng tơi, rau ngót, rau dền, xà lách, cải canh, cải làn, cải thảo, rau thơm các loại. Nguồn nước tưới được lấy từ giếng sạch, chủ yếu bón phân hữu cơ, phân chuồng ủ mục trộn với chế phẩm vi sinh, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo hạt, tỉa ngọn đến thu hoạch. Sản phẩm rau của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý, mỗi lứa rau, HTX thu về từ 100 – 120 triệu đồng.

Theo định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu giữ ổn định diện tích gieo trồng rau các loại khoảng 18.000 ha, năng suất bình quân đạt 84,5 tạ/ha, tốc độ tăng trưởng trung bình 2,7%/năm giai đoạn 2017 – 2020. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp của tỉnh phải khắc phục nhiều khó khăn, bất cập như: Diện tích trồng rau, hoa các loại còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được người dân chú trọng; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, chưa đồng bộ; sản xuất chủ yếu vẫn dừng lại ở quy mô hộ gia đình, trình độ sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới... Đây là những thách thức không nhỏ đối với ngành Nông nghiệp của tỉnh ta trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhu cầu mua ôtô tại Việt Nam đang bắt kịp các nước ASEAN

Theo bộ phận nghiên cứu FTCR thuộc tờ Thời báo Tài chính Anh, số người tiêu dùng Việt Nam dự định mua ôtô trong sáu tháng tới gia tăng đáng kể và đang bắt kịp với xu hướng mua sắm ôtô của người tiêu dùng tại các nước láng giềng Đông Nam Á.

26/09/2017
Vì mục tiêu sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN

BHG- Để góp phần thực hiện mục tiêu "Vì sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015"; Hà Giang đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đóng góp tích cực vào "dòng chảy" hội nhập chung này. Nổi bật từ kết quả trên chính là công tác quản lý, sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT).

23/08/2017
Bắc Quang, hiện đại hóa nền hành chính

BHG - Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bắc Quang đã và đang xây dựng một nền hành chính hiện đại. Điều này không chỉ nhằm mục tiêu hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

19/09/2017
ASEAN tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với EU

Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 50 thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như là một tổ chức khu vực được thành lập trên lý tưởng hòa bình, thịnh vượng và sự hài hòa.

18/10/2017