Bắc Quang, hiện đại hóa nền hành chính

08:02, 19/09/2017

BHG - Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bắc Quang đã và đang xây dựng một nền hành chính hiện đại. Điều này không chỉ nhằm mục tiêu hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14.10.2015 của Chính phủ về Chính phủ Điện tử khẳng định: CNTT được coi là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc; là động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tuy nhiên, theo Chỉ số phát triển Chính phủ Điện tử của Liên hiệp quốc năm 2014, Việt Nam đứng thứ 5 trong khối ASEAN. Chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đánh giá thấp, chỉ đạt 0,41 điểm (thang điểm 1), trong khi đó của Singapore là 0,992 điểm và Malaysia là 0,677 điểm; chỉ số về hạ tầng viễn thông của Việt Nam đạt 0,38 điểm, trong khi đó của Singapore là 0,879 điểm và Malaysia là 0,446 điểm. Do vậy, trong ba năm 2015 – 2017, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việc ứng dụng CNTT góp phần quan trọng giúp Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bắc Quang đạt mục tiêu hoạt động: Minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Việc ứng dụng CNTT góp phần quan trọng giúp Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bắc Quang đạt mục tiêu hoạt động: Minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thiết thực thực hiện Nghị quyết số 36a của Chính phủ, trong những năm qua, hạ tầng kỹ thuật CNTT trên địa bàn huyện Bắc Quang được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% các xã, thị trấn có mạng cáp quang, 80% số xã, thị trấn có sóng 3G. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt trên 90%; tại khu tập trung đông dân cư, tỷ lệ này đạt 100%. Riêng tỷ lệ máy vi tính đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (CQNN) đạt bình quân 1,8 người/1 máy vi tính (cán bộ là lãnh đạo đạt 1 máy vi tính/người). Trong đó, trên 90% máy tính có kết nối internet; góp phần phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và đáp ứng yêu cầu hoạt động công vụ.

Song song với công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, 100% các cơ quan, đơn vị, 23/23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang triển khai, đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT I-Office. Từ đó, góp phần quan trọng đảm bảo tính an ninh thông tin cao, hỗ trợ tính năng ứng dụng đa phương tiện và sử dụng hiệu quả ngay trên điện thoại smartphone khi có kết nối internet. Không những vậy, việc sử dụng phần mềm VNPT I-Office vào xử lý công việc hành chính đã tạo môi trường làm việc hiện đại, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác của các đơn vị trong việc quản lý văn bản và điều hành công việc. Bên cạnh đó, phần mềm Lotus Notes của Huyện ủy Bắc Quang được sử dụng nội bộ thông suốt giữa các Ban xây dựng Đảng Huyện ủy và Văn phòng Huyện ủy Bắc Quang, kết nối với các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy và các Huyện ủy trong tỉnh. Điều này góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của cấp ủy huyện. Đặc biệt hơn, tháng 4.2017, Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bắc Quang đi vào hoạt động đã giải quyết trên 85% thủ tục hành chính (TTHC) cấp huyện; liên thông giải quyết TTHC giữa Trung tâm với Bộ phận “một cửa” điện tử liên thông của thị trấn Việt Quang, Vĩnh Tuy và xã Tân Quang. Trên cơ sở này, góp phần đổi mới phương thức làm việc của các CQNN, tạo chuyển biến tích cực trong quan hệ giữa CQNN với tổ chức, người dân và doanh nghiệp...

Tiếp nối kết quả trên, giai đoạn 2017 – 2020, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang tiếp tục thực hiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN thông qua đề án cụ thể. Trên cơ sở này, nhằm hướng đến xây dựng Chính quyền Điện tử, xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông. Qua đó, không ngừng thực hiện cải cách hành chính Nhà nước, hướng đến nền hành chính hiện đại, vì dân phục vụ. Và đây cũng là nền tảng cho sự phát triển bền vững, góp phần đáp ứng yêu cầu hoạt động của CQNN cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sự tham gia của Việt Nam ở ASEAN: Nguồn lực nhỏ, đóng góp lớn

Sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN thể hiện qua việc vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực càng ngày càng tăng lên

28/07/2017
Việc làm ý nghĩa nhân lên tình hữu nghị

BHG- Là 2 nước có chung đường biên giới, có vị trí địa lý cận kề, có những nét lịch sử - văn hóa tương đồng, Việt Nam và Lào sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt. Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào không chỉ có từ rất sớm, mà còn rất bền chặt. 

27/07/2017
ASEAN phấn đấu vì một Cộng đồng chung không ma túy

Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 38 về vấn đề ma túy (Hội nghị ASOD 38 vừa kết thúc thành công tốt đẹp sau 2 ngày làm việc chính thức (từ ngày 25-26/7) tại Hà Nội.

27/07/2017
Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

2. Tác động của Cộng đồng ASEAN đối với Việt Nam:Sự hình thành Cộng đồng ASEAN và việc triển khai tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 tại ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong hơn 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn; các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.

26/07/2017