Kỷ niệm 55 năm Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 -5.9 2017) và 40 năm Ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt - Lào (18.7.1977 - 2017)

Việc làm ý nghĩa nhân lên tình hữu nghị

06:40, 27/07/2017

BHG- Là 2 nước có chung đường biên giới, có vị trí địa lý cận kề, có những nét lịch sử - văn hóa tương đồng, Việt Nam và Lào sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt. Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào không chỉ có từ rất sớm, mà còn rất bền chặt. Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào đã sớm được gây dựng, gìn giữ và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Hơn tám thập kỷ qua, kể từ khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã được các lãnh tụ của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản trực tiếp đặt nền móng và tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua bao biến cố lịch sử, vượt lên mọi chông gai, thử thách, mối quan hệ Việt - Lào càng trở nên mẫu mực, thủy chung hiếm có.

Với phương châm “giúp bạn là giúp mình”, ngày 30.10.1949, Bộ Chính trị nước ta quyết định tổ chức bộ phận lực lượng vũ trang lấy tên là Quân tình nguyện, chuyên gia quân sự giúp Lào. Từ sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào được thành lập, nhanh chóng phát triển lực lượng, góp phần tăng cường liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước. Ngoài việc trực tiếp tham gia chiến đấu trên các mặt trận chống quân xâm lược, quân tình nguyện Việt Nam còn giúp Lào xây dựng cơ sở kháng chiến, phối hợp với quân đội Lào mở các chiến dịch quy mô lớn và giành thắng lợi. Trong đó, nổi bật là Chiến dịch Thượng Lào, Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, Cánh đồng Chum –Xiêng Khoảng... lực lượng hai nước đã cùng nhau đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở Việt Nam, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Viêng Chăn (21.2.1973) về lập lại hòa bình, hòa hợp dân tộc ở Lào.

Trong suốt chặng đường trường chinh ấy, đã có trên 5 vạn Quân tình nguyện và chuyên gia Quân sự Việt Nam bị thương và 4 vạn đồng chí hy sinh. Đó là minh chứng sống động và tiêu biểu về mối quan hệ đặc biệt giữa Quân đội hai nước Việt Nam và Lào. Nhiều năm trở lại đây, nhằm thể hiện sự tri ân của hai dân tộc đối với các Anh hùng, liệt sỹ Quân tình nguyện và chuyên gia Quân sự Việt Nam hy sinh tại Lào, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã phối hợp chặt chẽ với các Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của Việt Nam làm nhiệm vụ tìm kiếm và cất bốc đưa các anh về với đất mẹ.

Công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và Cam Pu Chia về nước là trách nhiệm lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta, mang tính xã hội và  nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, từ năm 1985, theo Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, các Quân khu, các Bộ CHQS tỉnh có chung biên giới với nước bạn Lào và Cam Pu Chia đã thành lập các Đội quy tập hài cốt liệt sỹ, nhằm tìm kiếm, quy tập hài cốt các Liệt sỹ Quân tình nguyện hy sinh trên đất nước bạn để đưa về Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam về nước, qua mỗi năm, Ban công tác Đặc biệt Chính phủ hai nước đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhằm đánh giá kết quả tìm kiếm, cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho các bộ phận làm công tác này.

 Dưới sự quan tâm của hai Đảng, hai Nhà nước, công tác quy tập, hồi hương hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đã quy tập, hồi hương được hàng ngàn hài cốt liệt sỹ là Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào về các Nghĩa trang ở Việt Nam. Trong thành công chung đó, có sự giúp đỡ không nhỏ của chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào đối với bộ đội Việt Nam. Quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, đó là một trong những việc làm ý nghĩa, nhân lên tình hữu nghị Việt- Lào anh em!

Thanh Tuấn - Văn Hoan (Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

2. Tác động của Cộng đồng ASEAN đối với Việt Nam:Sự hình thành Cộng đồng ASEAN và việc triển khai tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 tại ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong hơn 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn; các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.

26/07/2017
Xuất khẩu lao động sang ASEAN - cơ hội và thách thức

BHG - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, bên cạnh những cơ hội có được, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Đặc biệt là thị trường lao động, nền tảng cơ bản của mọi sự phát triển và tăng trưởng. Trong những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện việc xuất khẩu lao động (XKLĐ), để có thể tiếp tục đưa lao động vào các nước ASEAN, người lao động cần nâng cao năng lực nhiều mặt.

24/06/2017
Nông dân Hà Giang thời kỳ hội nhập ASEAN

BHG- Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hội nhập, tự do hóa thương mại đã, đang và sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

22/11/2016
Quá trình hình thành và phát triển ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 sau khi Bộ trưởng Ngoại giao các nước In-đô-nê-xia, Malaixia, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan ký bản Tuyên bố ASEAN (Tuyên bố Băng-cốc). Ngày 8/1/1984, Brunây Đaruxalam được kết nạp vào ASEAN, nâng số thành viên của Hiệp hội lên thành sáu nước. Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tổ chức tại Brunây Đaruxalam, đưa tổng số thành viên của ASEAN lên thành bảy nước. 

21/07/2017