ASEAN phấn đấu vì một Cộng đồng chung không ma túy

08:27, 27/07/2017

Hội nghị ASOD được tổ chức thường niên, luân phiên ở 10 nước thành viên ASEAN. Tham dự Hội nghị ASOD 38 lần này có 19 đoàn đại biểu, đại diện quan chức cấp cao từ cơ quan phòng, chống ma túy của 10 quốc gia thành viên ASEAN, 5 nước đối thoại (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga), Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Kế hoạch Colombo, Cơ quan phòng chống ma túy Hoa Kỳ (DEA), Cơ quan cảnh sát Liên bang Australia (AFP).

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình ma túy toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thế giới lại đang chứng kiến sự khác biệt trong đánh giá tính hiệu quả của chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu và xu hướng điều chỉnh chính sách quốc gia, khu vực đối với vấn đề ma túy. Khu vực Đông và Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và hơn 5 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp (điều tra chưa đầy đủ).

Bên cạnh đó, sự xuất hiện và gia tăng sử dụng các chất hướng thần mới từ năm 2009 đến nay đang là thách thức lớn cho các quốc gia thành viên ASEAN. Khu vực Tam giác vàng vẫn là “điểm nóng” về trồng cây thuốc phiện và sản xuất ma túy tổng hợp. Ngoài ra, ASEAN còn chịu tác động không nhỏ của hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ các khu vực khác trên thế giới. 

Trong phát biểu tại khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định ASEAN đang đứng trước những cơ hội lớn cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển, song cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức của vấn đề ma túy.

Theo đó, ASEAN cần có cách tiếp cận cân bằng trong chính sách về ma túy; duy trì sự đồng thuận chính sách, tăng cường đoàn kết và hợp tác nội khối; gắn kết triển khai có hiệu quả các chương trình và sáng kiến hợp tác; thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước ngoài khối ASEAN, nhất là các nước đối thoại và các bên đối tác.

Hội nghị đã cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động và sáng kiến hợp tác theo tinh thần Hội nghị ASOD37 tại Thái Lan năm 2017; rà soát tình hình triển khai các khuyến nghị từ Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD) lần thứ 5 tại Singapore năm 2016; cập nhật tiến độ triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về phấn đấu bảo vệ Cộng đồng chống lại tệ nạn ma túy giai đoạn 2016-2025 và đề xuất các ý tưởng dự án hợp tác mới của ASEAN; thông qua Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam giác vàng, giai đoạn 2017-2019.

Hội nghị ASOD 38 thống nhất ghi nhận hợp tác ASEAN trong phòng, chống ma túy ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực hơn. Cụ thể, lần đầu tiên, sau nhiều năm hợp tác phòng, chống ma túy, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận cao khi đưa ra Tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề ma túy tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy toàn cầu năm 2016 ở New York, Hoa Kỳ. Tuyên bố chung đã khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của ASEAN trên trường quốc tế về vấn đề ma túy toàn cầu, thể hiện thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy và kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy.

Theo định hướng này, ASEAN đã xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy cho giai đoạn 2016-2025; duy trì có hiệu quả cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng, Hội nghị quan chức cấp cao về vấn đề ma túy, đồng thời đề ra và triển khai thực hiện nhiều sáng kiến như: Trung tâm thông tin phòng, chống tội phạm ma túy, các tổ công tác về thực thi pháp luật phòng, chống ma túy qua đường hàng không và tại cảng biển. Những sáng kiến này đã trở thành khuôn khổ hợp tác hiệu quả trong việc trao đổi thông tin và đấu tranh ngăn chặn ma túy bất hợp pháp ở khu vực.

Bên lề Hội nghị ASOD 38 đã diễn ra các Phiên họp tham vấn với 5 nước đối tác đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nga) và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC+3) về vấn đề ma túy, nhằm tăng cường và tranh thủ hợp tác ngoại khối. Ngoài phiên toàn thể, Hội nghị ASOD38 cũng tiến hành thảo luận theo 5 nhóm chuyên đề: giáo dục phòng ngừa; cai nghiện và phục hồi; nghiên cứu; thực thi pháp luật và phát triển thay cây có chứa chất ma túy.

Kể từ khi là thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN về phòng, chống tội phạm, ma túy như: Trung tâm thông tin phòng, chống tội phạm ma túy, các tổ công tác về thực thi pháp luật phòng, chống ma túy qua đường hàng không và tại cảng biển, kế hoạch kiểm soát ma túy khu vực Tam giác vàng,...

Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước trong ASEAN, các nước đối tác của ASEAN, nhất là với các nước láng giềng, ở trong nước, Việt Nam đang tập trung đấu tranh với tệ nạn ma túy thông qua nhóm các giải pháp đồng bộ về giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy, như: kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tệ nạn ma túy; đa dạng và xã hội hóa các mô hình điều trị cai nghiện và quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy; triệt phá và thay thế cây có chứa chất ma túy.

Hội nghị ASOD 38 tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam năm 2017 đã đề ra các chương trình hành động cụ thể, góp phần thể hiện cam kết chính trị cấp cao của ASEAN trong phòng, chống ma túy nhằm xây dựng Cộng đồng chung ASEAN theo tinh thần “Cam kết đấu tranh và ứng phó một cách hiệu quả với vấn đề ma túy thế giới” của Phiên họp đặc biệt UNGASS 2016, hướng tới Hội nghị cấp Bộ trưởng của ASEAN về vấn đề ma túy sẽ tổ chức tại Việt Nam vào năm 2018.

Theo Chính phủ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Việc làm ý nghĩa nhân lên tình hữu nghị

BHG- Là 2 nước có chung đường biên giới, có vị trí địa lý cận kề, có những nét lịch sử - văn hóa tương đồng, Việt Nam và Lào sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt. Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào không chỉ có từ rất sớm, mà còn rất bền chặt. 

27/07/2017
Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

2. Tác động của Cộng đồng ASEAN đối với Việt Nam:Sự hình thành Cộng đồng ASEAN và việc triển khai tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 tại ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong hơn 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn; các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.

26/07/2017
Xuất khẩu lao động sang ASEAN - cơ hội và thách thức

BHG - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, bên cạnh những cơ hội có được, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Đặc biệt là thị trường lao động, nền tảng cơ bản của mọi sự phát triển và tăng trưởng. Trong những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện việc xuất khẩu lao động (XKLĐ), để có thể tiếp tục đưa lao động vào các nước ASEAN, người lao động cần nâng cao năng lực nhiều mặt.

24/06/2017
Nông dân Hà Giang thời kỳ hội nhập ASEAN

BHG- Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hội nhập, tự do hóa thương mại đã, đang và sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

22/11/2016