Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ II: Cuộc “cách mạng” từ tinh thần “7 dám”

11:29, 24/09/2024

BHG - Ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh, lĩnh vực nào, tinh thần “7 dám” càng sáng lên khi có không ít cán bộ chủ chốt cơ sở dám đương đầu với khó khăn. Những quyết định mang tính bước ngoặt đã tạo nên một cuộc “cách mạng” văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mở lối phát triển kinh tế, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng thay da, đổi thịt.

Cuộc “cách mạng” văn hóa tang ma trong đồng bào Mông

Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh có thể coi là một cuộc “cách mạng” của tỉnh Hà Giang. Trong công cuộc ấy, đồng bào Mông ở huyện Quản Bạ truyền nhau câu chuyện về người cán bộ kiên trì, quyết liệt, dẫn dắt bản làng bước qua hủ tục lạc hậu, đó là đồng chí Mai Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám.

Đồng chí Mai Xuân Minh (hàng đầu bên phải) vận động gia đình anh Sùng Mí Páo, thôn Lùng Tám Cao xóa bỏ hủ tục trong tang ma
Đồng chí Mai Xuân Minh (hàng đầu bên phải) vận động gia đình anh Sùng Mí Páo, thôn Lùng Tám Cao xóa bỏ hủ tục trong tang ma

Tháng 8.2024, trên địa bàn xã Lùng Tám có người chết, là người thân của gia đình anh Sùng Mí Páo, thôn Lùng Tám Cao. Theo quy ước, hương ước, anh Páo nhất trí đưa người chết vào áo quan để cử hành tang lễ. Tuy nhiên, trưởng dòng họ Sùng là ông Sùng Mí Ly, thôn Lùng Tám Thấp không đồng ý với lý do “truyền thống từ xa xưa đến nay không làm như vậy, không thể tự ý thay đổi”. Dù cán bộ xã tích cực vận động gia đình nhưng đều không có kết quả.

Thấy vậy, Chủ tịch UBND xã Mai Xuân Minh đã trực tiếp đến gặp gỡ gia đình. Bằng kiến thức, hiểu biết của mình, anh đã phân tích, lấy ví dụ ở các địa phương trong huyện, trong xã đã thực hiện xóa hủ tục, đưa người chết vào áo quan đảm bảo công tác vệ sinh môi trường để gia đình hiểu. Vừa tuyên truyền, đồng chí cũng khéo léo nêu rõ các chế tài đã được quy định trong hương ước, quy ước của thôn, pháp luật của Nhà nước. Bằng sự kiên trì, quyết liệt của mình, sau gần 1 ngày làm công tác dân vận, trưởng dòng họ Sùng và gia đình đã tâm phục, khẩu phục, thống nhất đưa người chết vào áo quan.

Đồng chí Mai Xuân Minh cho biết: “Toàn xã có 11 dân tộc với hơn 20 dòng họ, riêng dân tộc Mông có 10 dòng họ, thuộc các nhánh khác nhau. Khó khăn nhất trong thực hiện xóa bỏ hủ tục là vận động đưa người chết vào áo quan trước khi cử hành tang lễ. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm kiên trì, không bỏ cuộc và thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Ở các thôn, khi có người chết, yêu cầu phải kịp thời báo cáo. Cấp ủy, chính quyền khuyến khích hộ đầu tiên trong dòng họ thực hiện việc này được hỗ trợ 2 triệu đồng. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, toàn xã có 10 người chết thì có 9 hộ thực hiện đưa người chết vào áo quan. Từ một điểm yếu, xã đã trở thành điểm sáng trong phong trảo xóa bỏ hủ tục lạc hậu, có nhiều nơi đến học tập kinh nghiệm”.

Chủ tịch UBND xã Lùng Tám Mai Xuân Minh (giữa) vận động bà còn gìn giữ văn hóa truyền thống
Chủ tịch UBND xã Lùng Tám Mai Xuân Minh (giữa) vận động bà còn gìn giữ văn hóa truyền thống

Ông Sùng Mí Dế, Trưởng thôn Lùng Tám Cao chia sẻ: “Chủ tịch UBND xã Lùng Tám, Mai Xuân Minh đã thay đổi tư duy, nếp nghĩ bao đời nay của bà con người Mông trong việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Trước đây, cán bộ thôn, xã cũng nhận thấy những hủ tục khi làm tang ma của đồng bào Mông không còn phù hợp, cần loại bỏ, nhưng chưa ai dám mạnh dạn thay đổi, kiên trì và quyết tâm đến cùng như vậy. Nhờ có đồng chí Mai Xuân Minh, bà con đã bước qua luật tục cả một đời đeo bám. Từ sự thay đổi của dòng họ Sùng, nhiều dòng họ khác trong thôn đang chung sức bài trừ hủ tục, giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp, xây dựng đời sống văn minh”.

“Dẫn đường, chỉ lối”, đổi mới tư duy kinh tế cho bà con miền đá

Với tâm niệm là cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) thì càng phải tiên phong, gương mẫu, đồng chí Dương Văn Nghị, người con dân tộc Tày đã đem tâm huyết, sáng tạo cống hiến cho mảnh đất biên giới Đồng Văn. Ở mỗi cương vị công tác anh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, khắc phục hoàn cảnh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Tả Lủng Dương Văn Nghị hướng dẫn bà con trong xã trồng cây Sâm khoai
Nguyên Chủ tịch UBND xã Tả Lủng Dương Văn Nghị hướng dẫn bà con trong xã trồng cây Sâm khoai

Xã Tả Lủng là nơi đồng chí Dương Văn Nghị có khoảng thời gian gắn bó lâu nhất và từng trải qua nhiều vị trí đến khi được bầu là Chủ tịch UBND xã. Bởi vậy, anh luôn trăn trở tìm ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. “Miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác học tập”, anh đã phát triển kinh tế gia đình thành công từ mô hình gà xương đen địa phương. Anh quyết định đem kinh nghiệm đó áp dụng tại xã Tả Lủng, chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ việc xây dựng lò ấp, cung cấp con giống và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ. Được cầm tay chỉ việc, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi chăn nuôi, xây dựng các trang trại nuôi gà kết hợp nuôi giun quế bổ sung nguồn thức ăn dinh dưỡng và phụ phẩm phục vụ trồng trọt. Nền móng cho thương hiệu gà xương đen Tả Lủng từng bước được hình thành và phát triển hiệu quả, mỗi trang trại xuất bán từ 4.000 - 5.000 con/năm ra thị trường.

Đồng chí Dương Văn Nghị cũng là người tiên phong đưa mô hình tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp ủ chua thành thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ giống gia súc cho hộ nghèo. Hiện nay, 100% các thôn đã áp dụng phương pháp này, góp phần phục vụ tốt hơn việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua khảo sát thấy địa bàn có cây Sâm khoai phát triển khá tốt, năm 2019, đồng chí đã triển khai cho một số hộ trồng thử trên diện tích 2.000 m2, năng suất 45 - 50 tấn/ha. Để phát triển bền vững cây Sâm khoai, đồng chí trực tiếp phối hợp, kết nối với các hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm và cho ra mắt các sản phẩm như: Phở Sâm khoai, nước Sâm khoai... Bây giờ, cây Sâm khoai đã mở rộng trên đất Tả Lủng hơn 10 ha và trở thành cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của bà con, với giá trị đạt 300 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi gà xương đen của xã Tả Lủng hình thành từ sự hướng dẫn của nguyên Chủ tịch UBND xã Dương Văn Nghị
Mô hình nuôi gà xương đen của xã Tả Lủng hình thành từ sự hướng dẫn của nguyên Chủ tịch UBND xã Dương Văn Nghị

Anh Hầu Sía Chứ, thôn Há Đề A chia sẻ: “Trước đây bà con chỉ biết trồng ngô, vài loại rau phục vụ gia đình, sau khi được Chủ tịch UBND xã Dương Văn Nghị giúp đỡ, tôi và nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Đồng chí còn sát sao hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thường xuyên động viên, khích lệ từ những ngày đầu thực hiện. Nhờ có sự hướng dẫn, tôi đã kết hợp trồng Sâm khoai và chăn nuôi thêm bò, lợn, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng”.

Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, xã Tả Lủng đã vươn lên trở thành điểm sáng kinh tế của huyện Đồng Văn với nhiều kết quả tích cực. Cây Sâm khoai và sản phẩm gà xương đen xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã phát triển ổn định với gần 6.000 con gia súc, gần 600 đàn ong và 17,8 nghìn con gia cầm. Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp triển khai được trên 20 vườn, đem lại cho thu nhập ổn định cho các gia đình.

Năm 2024, đồng chí Dương Văn Nghị được luân chuyển đến nhận chức Chủ tịch UBND xã Phố Cáo. Khắc phục những khó khăn về bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, anh tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán của đồng bào để triển khai nhiệm vụ. Phố Cáo thuận lợi về nguồn nước, đường đi lại, nhưng chưa có nhiều bứt phá, chưa có gia trại, trang trại lớn, bà con sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Trước thực tế đó, đồng chí Nghị tăng cường chỉ đạo các thôn phát triển vùng trồng rau chuyên canh, rau trái vụ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng 7 gia trại nuôi gà xương đen bản địa quy mô 500 - 1.200 con. Hiện các gia trại đang hoạt động hiệu quả, đàn gà phát triển tốt. Vừa qua, trong hội nghị xúc tiến giữa huyện Đồng Văn với các nhà hàng, khách sạn, một số chủ gia trại tại xã đã được cam kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng chí Dương Văn Nghị (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Phố Cáo.
Đồng chí Dương Văn Nghị (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Phố Cáo.

Đồng chí Triệu Long Giang, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đồng Văn khẳng định: “Trong các nhiệm kỳ Đại hội, huyện luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy cấp xã không chỉ vững về tư tưởng chính trị mà còn sáng tạo, phát huy tinh thần tiên phong, đổi mới, thể hiện tinh thần “7 dám” bằng những mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Nhờ đó, đến nay huyện đã xây dựng, đào tạo được đội ngũ cán bộ được rèn luyện thực tế cơ sở như đồng chí Dương Văn Nghị. Đồng chí có phẩm chất đạo đức tốt, có tầm nhìn và thật sự tâm huyết với cơ sở, phát huy được vai trò người đứng đầu, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Đây là thước đo, cũng là tiêu chí để xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, nhất là ở địa phương còn nhiều khó khăn như Đồng Văn”.

---------------

Kỳ cuối: Để cán bộ “dám” thực hiện “7 dám”

Bài, ảnh: Nhóm PV

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong đời sống xã hội
BHG - Huyện Đồng Văn có 225 người có uy tín, cư trú tại 225 thôn, tổ dân phố. Đây là những người đại diện cho các thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện; trong đó có 39 người có uy tín là bí thư chi bộ, 45 người có uy tín là trưởng thôn, 39 người là trưởng dòng họ, 17 người là thầy mo, thầy cúng và là nghệ nhân dân gian, 16 người là già làng…
24/09/2024
Xóa bỏ hủ tục, xây đời sống mới ở Hà Giang: Kỳ 1:  Hủ tục ăn sâu, len lỏi trong đời sống
BHG - Đám tang không mổ nhiều gia súc, không nghi lễ rườm rà, không để quá 48 giờ, đưa người chết vào áo quan; đám cưới không tổ chức linh đình, không thách cưới cao, không tảo hôn; lễ hội văn minh, trang trọng; đời sống văn hóa, tinh thần nâng cao... là thành quả cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang trong xóa bỏ hủ tục, quyết tâm “phá rào” xây dựng cuộc sống ấm no.
23/09/2024
Đạo đức cách mạng cái “gốc” của người cán bộ
BHG - Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Người: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”; “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Để làm rõ hơn tư tưởng đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, có ý nghĩa sâu sắc góp phần phát huy sức mạnh của toàn Đảng và hệ thống chính trị.
23/09/2024
Những trải nghiệm từ chuyến đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên trường Chính trị tỉnh
BHG - Nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở là một hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện cho giảng viên của trường Chính trị có cơ hội tham gia, quan sát các hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Từ đó, các giảng viên sẽ có điều kiện để đối chiếu các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công tác tổ chức, hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức ở cơ sở, đặc biệt là việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân; tích lũy thêm những kiến thức thực tế phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bổ sung tư liệu thực tiễn phong phú, sinh động, có minh chứng để “thổi hồn thực tiễn” vào trong từng bài giảng.
23/09/2024