Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ I: Những cán bộ một lòng với dân
BHG - Lấy tinh thần “7 dám”, soi rọi vào từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở tỉnh Hà Giang đã thể hiện được cái tâm, tầm, trí tuệ. Những cán bộ đó, đã giương cao ngọn cờ tiên phong, đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, vượt qua mọi gian khó, dấn thân và tận lực cống hiến. Họ được ví như viên ngọc sáng non cao, đi dân nhớ, ở dân thương.
Kỳ I: Những cán bộ một lòng với dân
Chuyện góp sức dân tạo nên kỳ tích làm đường xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở một xã đặc biệt khó khăn; cả bản đồng lòng tháo dỡ nhà ở, sẵn sàng chuyển đến vùng đất mới nhường chỗ cho công trường thi công đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; hay nữ Bí thư Đảng ủy xã quyết liệt bằng mọi cách giúp dân thoát nghèo, lăn xả trong bão lũ để bảo vệ an toàn tính mạng cho Nhân dân. Tất cả mọi việc làm, hành động đó đều xuất phát từ một lòng cống hiến tất cả vì Nhân dân, vì đất nước của những người cán bộ mẫu mực.
Nguyên Chủ tịch UBND xã Vô Điếm (Bắc Quang) Hoàng Ngọc Vũ kiểm tra, đôn đốc làm đường bê tông nông thôn của xã năm 2021 |
Xã nghèo làm nên kỳ tích Nông thôn mới
Xuất phát là một xã khó khăn, trước thềm đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã Vô Điếm (Bắc Quang) như được tiếp thêm sức mạnh khi cây cầu treo kết nối tuyến đường huyết mạch từ trung tâm xã đến huyện được hoàn thành nâng cấp. Nhận thấy xây dựng NTM là mong muốn, khát khao của bà con, ngay đầu nhiệm kỳ, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2021. Xác định hạ tầng giao thông là tiêu chí khó khăn nhất, khi có tới 85% (tương đương 60km) các tuyến đường trên địa bàn xã là đường đất, lầy lội, nhỏ hẹp nên dành một năm để chuẩn bị, huy động nhân dân mở sẵn nền đường. Để bà con yên tâm, đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, khi đó là Chủ tịch UBND xã Vô Điếm đã trực tiếp chỉ đạo, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con để bê tông hóa tuyến đường đầu tiên. Năm 2021, nơi đâu trong xã cũng rộn vang tiếng máy thi công như một “đại công trường” mang tên NTM. Chỉ trong 1 năm, xã đã bê tông hóa được gần 50 km đường giao thông nông thôn, một con số rất ngoạn mục, thành công ngoài sức mong đợi và là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện được kỳ tích trên.
Con đường bê tông sạch đẹp vào thôn Thíp, xã Vô Điếm (Bắc Quang). |
Ngoài nguồn xi măng cung ứng của tỉnh, huyện Bắc Quang hỗ trợ thêm 15% kinh phí cho bà con. Cách làm hay trong xây dựng NTM của xã Vô Điếm là công khai, minh bạch từng việc, từng khoản cần chi tiêu, cố gắng để mức đóng góp thấp nhất có thể cho nhân dân. Đồng thời, huy động những người con xa quê ủng hộ, xã hội hóa được gần 1 tỷ đồng góp sức xây dựng NTM. Những gia đình có điều kiện kinh tế cũng tự nguyện ứng trước tiền cho thôn làm đường. Chưa kể ngày công lao động, hiến đất, bình quân mỗi hộ trong xã đóng khoảng 3 - 5 triệu đồng tiền mặt, thậm chí có gia đình đã ủng hộ 70 triệu đồng để mua vật liệu làm đường. Từng bao xi măng, cát, sỏi khai thác được kiểm soát rất tốt, không thất thoát, lãng phí. Nhờ vậy, tiêu chí giao thông đã hoàn thành.
Cũng như cảm nhận của nhiều người dân xã Vô Điếm, anh Sùng Seo Hòa, xóm Khau Bung, thôn Thíp bày tỏ: “Nhờ những người cán bộ năng nổ, hết lòng, dám nghĩ, dám làm và quyết liệt như đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, nhân dân mới được nhờ. Xóm làng Mông chúng tôi mới có tuyến đường bê tông khang trang, sạch đẹp; được hỗ trợ thực hiện mô hình phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá chép, gà ri lai, vịt làng, lợn đen, trâu, trồng dâu nuôi tằm và các loại cây ăn quả, làm cho đời sống ngày càng khá giả hơn”.
Giờ đây hạ tầng giao thông từ trung tâm xã Vô Điếm đi vào các thôn bản là những tuyến đường bê tông rộng rãi, kiên cố, xe ô tô chạy băng băng đến đầu làng, cuối ngõ. Từ bản gần đến bản xa, mỗi nơi có ít nhất một mô hình liên kết phát triển kinh tế, những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp mọc lên từng ngày. Sự chuyển mình, vươn lên của một xã nghèo đã trở thành nguồn động lực, khí thế chung cho toàn huyện thực hiện hóa khát vọng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
Đầu năm 2024, ghi nhận những thành tích của đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, BTV Huyện ủy Bắc Quang đã điều động, bổ nhiệm đồng chí giữ chức Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Quang. Đồng chí chia sẻ: “Dù ở cương vị công tác nào, tôi cũng luôn tâm niệm mình phải nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm những giải pháp, cách làm mới, hiệu quả thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ được giao. Khi còn công tác tại Vô Điếm, tôi chỉ nghĩ làm sao có thể thực hiện được tâm nguyện của bà con là có được những con đường bê tông sạch sẽ, khang trang, nông thôn đổi mới. Còn giờ trên cương vị mới, tôi chỉ mong có thể đưa ra những giải pháp tốt nhất trong triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn, góp sức xây dựng huyện Bắc Quang ngày càng phát triển”.
Giải phóng mặt bằng, việc càng khó càng quyết tâm
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh (Bắc Quang) Nguyễn Thành Chung vận động các hộ giải phóng mặt bằng |
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, chạy qua địa phận tỉnh Hà Giang có chiều dài 27,48 km, tổng vốn đầu tư 3.198 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” để đẩy nhanh tiến độ, góp phần giải quyết điểm nghẽn về giao thông. Từ đó, tạo điều kiện thuận để kết nối giữa tỉnh với các khu vực kinh tế trong điểm của vùng và của cả nước nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, bộ, ngành T.Ư và địa phương.
Phía sau công trường đó, có 763 hộ dân của huyện Bắc Quang trong diện phải di dời nhà ở. Đến thời điểm này, mọi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn tất 100%, với số tiền chi trả bồi thường cho người dân trên 449 tỷ đồng. Để có thể đảm đương một khối lượng công việc rất lớn và khó như vậy, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở rất quan trọng. Điển hình như tại xã Quang Minh, có 283 hộ chịu ảnh hưởng của dự án làm đường cao tốc cần phải thu hồi đất, 56 hộ phải tháo dỡ, di dời nhà ở, 71 ngôi mộ phải chuyển đi nơi khác. Ngay khi nắm được chủ trương trên, xã đã thành lập Ban chỉ đạo vào cuộc rất sớm để tổ chức họp, lấy ý kiến các hộ dân. Hộ nào là cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện đền bù trước, bàn giao mặt bằng sớm. Những hộ còn vướng mắc, xã tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu” để dân thấu hiểu, đồng thuận.
Suốt nhiều tháng qua, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh, Nguyễn Thành Chung cùng đội ngũ cán bộ làm việc không kể ngày đêm tham gia vận động, đo đếm, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Có những hộ, cá nhân đồng chí Bí thư xã phải đến ít nhất 3 lần, kiên trì, mềm dẻo để giải đáp ý kiến thắc mắc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Cụ thể như hộ ông Nguyễn Văn Huấn, thôn Quang Tiến là trường hợp phải thu hồi 2.000 m2 đất thổ cư, ngoài ra còn có đất sản xuất nông nghiệp. Theo quy định, gia đình chỉ nhận được bồi thường tối đa là 1.000 m2 đất thổ cư, còn lại áp mức giá đất nông nghiệp. Sau những lần giải thích, thuyết phục, gia đình nhất trí cao và trước Tết năm 2024 đã chuyển về nơi xây dựng nhà ở mới. Hoàn thành nhiệm vụ khó cũng là những bài học kinh nghiệm tôi luyện, thử thách cán bộ trong mọi lĩnh vực công tác khác.
Nữ Bí thư Đảng ủy xã lặn lội tìm kế thoát nghèo
Bí thư Đảng ủy xã Yên Thành Lê Thị Hồng Thắng (thứ 2 bên phải) cùng bà con trong xã chỉnh trang bộ mặt nông thôn |
Tôi đã nhiều lần về công tác ở xã Yên Thành (Quang Bình), nhưng mỗi lần về xã đều chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từ diện mạo nông thôn đến đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân. Theo bà con, sự thay đổi lớn này có đóng góp không nhỏ của đồng chí Lê Thị Hồng Thắng, Bí thư Đảng ủy xã, một người đứng đầu quyết đoán, gần gũi, sâu sát với nhân dân.
Trong kế hoạch công tác hàng tháng, quý, ngoài thời gian quyết công việc ở cơ quan, tham gia các cuộc họp, chương trình làm việc của huyện, Bí thư Lê Thị Hồng Thắng thường xuyên đến thăm, kiểm tra mô hình trồng trọt, chăn nuôi, có lúc tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống, việc học tập của con em đồng bào. Ban ngày bà con bận lao động nên những cuộc gặp gỡ giữa Bí thư xã và người dân chủ yếu là cuối giờ làm việc hoặc buổi tối. Trên cơ sở rà soát, phân loại điều kiện thực tiễn từng hộ, các đồng chí trong BTV Đảng ủy, BCH Đảng bộ xã và cả những hộ giàu, hộ trung bình được phân công giúp đỡ từng hộ nghèo theo hình thức cầm tay chỉ việc. Xã cũng tìm mọi cách huy động nguồn lực từ bên trong lẫn bên ngoài, các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo cho phụ nữ, nông dân. Chính từ việc bám sát cơ sở, đồng chí Lê Thị Hồng Thắng cùng tập thể Đảng ủy xã có những quyết sách đúng đắn, sát thực tiễn, giúp đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn, La Chí… vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2020 đến nay, xã Yên Thành đã duy trì hiệu quả nhóm chăn nuôi lợn đen thôn Yên Thượng; nhóm phát triển sinh kế hộ gia đình trong đồng bào dân tộc Tày, Dao; trồng rừng bằng giống cây gỗ tốt, riêng cây quế toàn xã trồng được trên 300 ha, trong đó trên 200 ha đã được khai thác và tiếp tục trồng mới… Nếu như năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng, thì đến 2024 dự kiến đạt 48 triệu đồng. Trong 8 thôn, Yên Lập là điểm sáng nhất với 137 hộ dân, giờ đây còn 10 hộ nghèo. Có hộ quyết tâm tự lực vươn lên thoát nghèo, nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho các gia đình khó khăn hơn.
Người dân xã Yên Thành trồng quế phát triển kinh tế từ định hướng của Bí thư Đảng ủy xã Lê Thị Hồng Thắng |
Anh Sùng Dùng Hòa, thôn Yên Lập vui mừng chia sẻ: “Gần 5 năm trước, gia đình tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng xóa nhà tạm. Có nơi ăn, chốn ở kiến cố, ổn định, vợ chồng tôi đã cố gắng tiết kiệm vốn liếng để đầu tư mua trâu nuôi sinh sản, nuôi lợn, gà, dần dần cũng có của ăn, của để. Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, cán bộ xã còn dân vận khéo, động viên các hộ làm nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh và đưa chuồng trại chăn nuôi gia súc xa nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng tôi cũng đã góp tiền kéo đường điện thắp sáng làng quê, giữ gìn và bảo an ninh trật tự ở cơ sở”.
Lăn xả trong mọi việc không kể mưa, nắng, vừa qua, để ứng phó với hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi), với vai trò là người đứng đầu, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thành, Lê Thị Hồng Thắng nhanh chóng, kịp thời, chỉ đạo thống nhất từ xã đến thôn khẩn trương triển khai sớm các biện pháp phòng, chống bão lũ. Dù là địa bàn ảnh hưởng nặng nề nhất, có 5 nhà bị sập hoàn toàn, 54 nhà phải di dời khẩn cấp, nhưng không xảy ra thiệt hại về người. Sau lũ, cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng đồng tâm, hiệp lực khắc phục hậu quả, tái thiết lại cuộc sống.
Tinh thần “7 dám” thắp lên đã phát huy nhân tố con người, trước hết là người đứng đầu cơ sở dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, bởi cấp xã là cấp cuối cùng trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước, gần gũi với dân nhất, cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi.
-----------------
Kỳ II: Cuộc “cách mạng” từ tinh thần “7 dám”
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc