Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ cuối: Để cán bộ “dám” thực hiện “7 dám”

11:35, 24/09/2024

BHG - Xác định công tác cán bộ là then chốt trong xây dựng Đảng, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc luôn quan tâm quy hoạch, có cơ chế bố trí vị trí việc làm, luân chuyển, đào tạo, bổ nhiệm phù hợp, gắn với “đặt hàng” nhiệm vụ, giao việc khó để thử thách cán bộ. Đó vừa là yêu cầu, vừa là những động lực để cán bộ phát huy năng lực bản thân và “dám” thực hiện “7 dám”.

“Đặt hàng” việc khó, thử thách cán bộ

Không ai nghĩ rằng chỉ trong một năm, xã Vô Điếm (Bắc Quang) có thể làm được nhiệm vụ “bất khả thi” khi hoàn thành gần 50 km đường bê tông nông thôn. Đó không chỉ là thành quả của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vô Điếm mà còn là thành công của chủ trương quy hoạch, gắn với bố trí, đào tạo, “đặt hàng” việc khó để thử thách cán bộ của BTV Huyện ủy Bắc Quang.

Những con đường bê tông khang trang, sạch sẽ trên khắp thôn xóm ở xã Vô Điếm
Những con đường bê tông khang trang, sạch sẽ trên khắp thôn xóm ở xã Vô Điếm

Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Thời điểm năm 2019, huyện chỉ có 9/22 xã về đích. Vì chặng đường đó còn rất nhiều khó khăn, BTV Huyện ủy đã phân công, điều động những cán bộ có năng lực từ cấp huyện về cơ sở. Trong đó, có đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, Phó Chánh văn phòng UBND huyện về giữ chức Chủ tịch UBND xã Vô Điếm, để cùng cấp ủy, chính quyền bắt tay vào xây dựng NTM. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Vũ, toàn xã đã huy động nhân dân xã hội hóa được gần 23 tỷ đồng, gấp gần 7 lần số kinh phí huy động được trong cả giai đoạn 2015 - 2020. Cùng với đó, xã đã làm được gần 50 km đường bê tông nông thôn, gấp 5,5 lần so với cả nhiệm kỳ 2015 - 2020. Cuối năm 2021, xã Vô Điếm được công nhận đạt chuẩn NTM.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Quang Lương Tiến Dũng cho biết: Công tác quy hoạch cán bộ của huyện được thực hiện dân chủ, công khai. Kết quả quy hoạch được thông báo cho cá nhân người được quy hoạch biết để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Đồng thời, gắn quy hoạch với đào tạo, điều động, bổ nhiệm cán bộ để bồi dưỡng, rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau, phát huy năng lực cán bộ. Khi điều động cán bộ từ huyện về làm lãnh đạo chủ chốt cấp xã và ngược lại, hoặc điều chuyển giữa các địa phương, Thường trực Huyện ủy đều giao nhiệm vụ cụ thể, thậm chí “đặt hàng” một số việc khó cho từng đồng chí.

Đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Bắc Quang
Đồng chí Hoàng Ngọc Vũ, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Bắc Quang

Thực tế chứng minh cách làm của BTV Huyện ủy Bắc Quang đã phát huy được năng lực của cán bộ. Khi cán bộ hoàn thành các nhiệm vụ được giao, BTV Huyện ủy đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ vào các vị trí phù hợp với năng lực, sở trường hoặc vị trí lãnh đạo cao hơn. Như trường hợp của đồng chí Chủ tịch UBND xã Vô Điếm, Hoàng Ngọc Vũ, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện; hay Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh, Nguyễn Thành Chung sau khi hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng để Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang triển khai đúng tiến độ đã được đưa vào quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện và điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy.

Luân chuyển gắn với đánh giá cán bộ hàng tháng

Đồng Văn là huyện biên giới với 19 xã, thị trấn và có 123 cán bộ chủ chốt cấp xã. Huyện luôn quan tâm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ này, trong đó, chú trọng công tác luân chuyển và xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trẻ, có năng lực, tạo động lực cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Năm 2019, đồng chí Chu Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã Má Lé được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú đúng thời điểm xã gấp rút về đích NTM. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, Lũng Cú là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM năm 2021. Đồng chí Chu Văn Hương nhớ lại: “Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, với điều kiện thực tiễn của xã vùng III, biên giới, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện, tôi luôn trăn trở phải khơi dậy được nội lực trong dân, nhất là phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch”.

Nông thôn mới của xã Lũng Cú đổi thay từng ngày
Nông thôn mới của xã Lũng Cú đổi thay từng ngày

Những năm qua, chủ trương cải tạo nhà truyền thống thành homestay; xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; chung tay giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; chỉnh trang vườn hộ được duy trì hiệu quả tại xã Lũng Cú. Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải trở thành địa điểm nổi tiếng, hấp dẫn du khách tham quan, lưu trú và thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với lượng khách lưu trú năm 2023 đạt hơn 12.000 lượt; doanh thu gần 13 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 40 triệu đồng/năm.

Hiện nay, 100% chức danh Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã của huyện Đồng Văn đều không phải là người địa phương. Điều đó cho thấy, công tác luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở; luân chuyển giữa các xã; bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã từ nơi khác đến đã tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, làm căn cứ cho việc sắp xếp và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch. Qua đó, giải quyết được tình trạng ngại va chạm, nể nang, né tránh. Cán bộ sẽ mạnh dạn “dám” thực hiện những việc khó, nhất là trong các lĩnh vực “nóng”, nhạy cảm.

Cùng huyện Đồng Văn, Quang Bình là địa phương đi đầu của tỉnh trong đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Dựa vào kế hoạch, nhóm tiêu chí, thang điểm, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng chí Bí thư chủ trì cùng Thường trực Huyện ủy đánh giá, xếp loại các Trưởng Ban xây dựng Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn. Chủ tịch HĐND huyện đánh giá, xếp loại đối với Phó Chủ tịch HĐND huyện, trưởng, phó các Ban chuyên trách, Chủ tịch HĐND các xã, thị trấn. Chủ tịch UBND huyện đánh giá, xếp loại các Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Các ban, ngành và cấp xã cũng thực hiện tương tự để làm cơ sở xếp loại cán bộ, công chức, viên chức cuối năm.

Đồng chí Đào Quang Diệu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Chủ trương thực hiện đánh giá cán bộ theo từng tháng, quý giúp cho cán bộ nêu cao tinh thần tự phê bình; trách nhiệm, nỗ lực hơn trong công việc. Thực hiện đánh giá đánh giá đảm bảo toàn diện, nhiều chiều. Kết quả đánh giá là căn cứ để sàng lọc cán bộ yếu kém, đồng thời ghi nhận, biểu dương những cán bộ tâm huyết, làm việc hiệu quả để quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm các chức vụ cao hơn.

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng là định hướng của xã Lũng Cú
Khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng là định hướng của xã Lũng Cú

“Cởi trói” tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

Xác định công tác cán bộ là “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21 của về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Tỉnh ủy Tỉnh ủy ban hành Đề án số 21 xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số diện BTV Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, để tạo sự đột phá về công tác cán bộ cấp cơ sở trong tình hình mới và chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030, BTV Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện toàn diện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Từ đây, 11 Thành ủy, Huyện ủy đã xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp ủy cấp xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các đề án chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế, nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện đồng bộ, thống nhất trong công tác cán bộ chủ chốt ở cơ sở, nhận được sự đồng thuận, quan tâm rất lớn từ cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, toàn tỉnh có 597 cán bộ chủ chốt cấp xã. Trong đó, 531 đồng chí trình độ đại học, chiếm 88,94%; 60 đồng chí trình độ trên đại học, chiếm 10,06%; 398 đồng chí có trình độ lý luận chính trị Trung cấp chiếm 66,67%; 195 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp, chiếm 32,66%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, mặt bằng chung đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã chưa đồng đều, năng lực chưa toàn diện, nhất là năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở trong lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, trật tự xây dựng; còn cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn trung cấp và trình độ lý luận chính trị sơ cấp. Nhiều cán bộ có tư tưởng ngại đấu tranh, sợ mất lòng, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới, sáng tạo, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Thực tế, cấp xã là cấp triển khai trực tiếp mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; có khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cán bộ không được đào tạo đúng chuyên môn nhưng phải kiêm nhiều nhiệm vụ; áp lực thực hiện tiến độ giải ngân các nguồn vốn đè nặng, nhất là trong 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, có nơi “ép” phải có kết quả trong khi các thủ tục chưa hoàn thành, khiến cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Mặt khác, một số chính sách khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ cán bộ cơ sở chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức cấp xã khi được điều động, luân chuyển về huyện bắt buộc phải thi tuyển hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh. Điều này, khiến nhiều cán bộ, công chức cấp huyện được giới thiệu, điều động về làm lãnh đạo chủ chốt cấp xã nhưng còn e ngại.

Ngoài ra, một số chính sách đối với đội ngũ cán bộ này chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, như: Cán bộ công chức cấp xã khi được điều động, luân chuyển về huyện bắt buộc phải thi tuyển hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong khi đội ngũ cán bộ công chức cấp huyện được hưởng 25% phụ cấp công vụ, cán bộ làm ở khối Đảng, đoàn thể được hưởng 30% phụ cấp của khối, nhưng cán bộ cấp xã không được hưởng chế độ này.

Vì vậy, đến nay những gương cán bộ chủ chốt ở cơ sở có tinh thần “7 dám” trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Làm thế nào để tinh thần “7 dám” trở thành tinh thần chung của tất cả đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở Hà Giang? Theo đồng chí Phan Anh Hùng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang: “Để tinh thần “7 dám” trở thành tinh thần chung của tất cả đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã và kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, giải pháp chính được được cấp ủy các cấp đặt ra là làm tốt công tác đánh giá, lựa chọn quy hoạch nhân sự; bố trí, luân chuyển chọn đúng người, giao đúng việc. Đồng thời, quan tâm, chăm lo, xây dựng nguồn cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số có năng lực, triển vọng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi trong tình hình mới”.

Để khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; ngày 22.9.2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; ngày 29.9.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. 
Có thể thấy, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Đảng và Nhà nước ta đều có những chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Để có thể xóa bỏ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp cần vận dụng linh hoạt những quy định của Đảng và Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Giang. Nhất là xây dựng được bộ tiêu chí cụ thể về đổi mới, năng động, sáng tạo đối với từng chức vụ lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp, từng vị trí cán bộ, nhiệm vụ công tác. Chỉ như vậy, cán bộ sẽ giải phóng tư tưởng, dám “xé rào, đột phá”, phát huy cao độ tinh thần “7 dám”. Đó vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng trong thực hiện công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt cấp xã, để họ thực sự là những công bộc của dân, đặt lợi ích chung của tập thể, của nhân dân lên trên hết.

Bài, ảnh: Nhóm PV

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong đời sống xã hội
BHG - Huyện Đồng Văn có 225 người có uy tín, cư trú tại 225 thôn, tổ dân phố. Đây là những người đại diện cho các thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện; trong đó có 39 người có uy tín là bí thư chi bộ, 45 người có uy tín là trưởng thôn, 39 người là trưởng dòng họ, 17 người là thầy mo, thầy cúng và là nghệ nhân dân gian, 16 người là già làng…
24/09/2024
Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ I: Những cán bộ một lòng với dân
BHG - Lấy tinh thần “7 dám”, soi rọi vào từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở tỉnh Hà Giang đã thể hiện được cái tâm, tầm, trí tuệ. Họ đã giương cao ngọn cờ tiên phong, đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm; vượt qua mọi gian khó, dấn thân và tận lực cống hiến. Được ví như viên ngọc sáng non cao, đi dân nhớ, ở dân thương.
24/09/2024
Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ II: Cuộc “cách mạng” từ tinh thần “7 dám”
BHG - Ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh, lĩnh vực nào, tinh thần “7 dám” càng sáng lên khi có không ít cán bộ chủ chốt cơ sở dám đương đầu với khó khăn. Những quyết định mang tính bước ngoặt đã tạo nên một cuộc “cách mạng” văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mở lối phát triển kinh tế, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng thay da, đổi thịt.
24/09/2024
Những người giữ màu xanh cho rừng ở Quản Bạ
BHG - Với những người "gác rừng" ở huyện Quản Bạ, giữ màu xanh cho rừng không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao. Ở đây, họ luôn âm thầm, lặng lẽ, dù còn nhiều vất vả, khó khăn. Qua đó góp phần quan trọng giữ “lá phổi xanh” của địa  phương luôn khỏe mạnh, giữ nguồn nước luôn chảy đều trong sạch.
23/09/2024