Đồng Văn phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong đời sống xã hội

11:21, 24/09/2024

BHG - Huyện Đồng Văn có 225 người có uy tín, cư trú tại 225 thôn, tổ dân phố. Đây là những người đại diện cho các thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện; trong đó có 39 người có uy tín là bí thư chi bộ, 45 người có uy tín là trưởng thôn, 39 người là trưởng dòng họ, 17 người là thầy mo, thầy cúng và là nghệ nhân dân gian, 16 người là già làng…

Trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, không quản ngại khó khăn, gian khổ cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua phát triển KT -XH, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng NTM; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phong trào đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng tiến bộ, phát triển.

Người uy tín xã Sính Lủng truyền đạt nghề đan lát cho thế hệ trẻ.
Người uy tín xã Sính Lủng truyền đạt nghề đan lát cho thế hệ trẻ.

Trên các lĩnh vực hoạt động, hình ảnh người có uy tín luôn sát cánh cùng cán bộ cơ sở nắm vững tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, đề xuất với chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thôn bản và người dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản văn hóa, phát triển.

Điển hình như việc tang, việc cưới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước đây còn tồn tại nhiều hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, rườm rà, gây tốn kém và làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư; nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng là một vấn đề hạn chế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhức nhối trong công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành... Để khắc phục các tình trạng này, người có uy tín luôn sát cánh cùng các tổ chức, đoàn thể thông qua các cuộc họp, sinh hoạt thôn và thậm chí phải đến từng nhà kiên trì tuyên truyền, giải thích cho người dân. Qua đó nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm, không để ảnh hưởng đến cộng đồng, chính quyền cơ sở. Nhờ đó, trên địa bàn huyện nhiều năm nay không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, số vụ tảo hôn giảm mạnh, các hủ tục rườm rà trong việc cưới cơ bản được xóa bỏ, không còn việc tổ chức tiệc cưới thời gian dài; các hủ tục rườm rà trong việc tang từng bước được xóa bỏ, nhiều dòng họ đã tự nguyện đưa người chết vào quan trước khi tổ chức lễ tang, không tổ chức tang lễ quá 48 tiếng đồng hồ, các nghi thức, nghi lễ không phù hợp được cắt giảm, ăn uống đảm bảo vệ sinh.

Bên cạnh đó, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ người có uy tín luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình, nghiên cứu tìm hiểu kỹ các nội dung đầu tư, hỗ trợ từ các tiểu dự án của chương trình rồi giải thích lại cho bà con hiểu, qua đó, cùng với cán bộ cơ sở tổ chức họp thôn để bình xét đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách kịp thời. Từ năm 2022 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số đã bình xét và trình phê duyệt được 125 mô hình dự án sản xuất cho 6.342 hộ nghèo thụ hưởng; đồng thời người có uy tín cũng theo dõi, giúp đỡ quá trình bà con sử dụng vốn hỗ trợ vào trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm sao mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất để đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 là 9,3%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 3,3%.

Người có uy tín là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hơn nữa lại am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán của đồng bào. Từ những hiểu biết đó, người có uy tín đã không quản ngại khó khăn, gian khổ luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào thi đua ở cơ sở và luôn được bà con nhân dân nơi cư trú tôn kính. Đặc biệt, người có uy tín làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở thôn, bản và cùng các lực lượng chức năng đảm bảo anh ninh trật tự cơ sở, an ninh biên giới quốc gia.

Có thể khẳng định, vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa là cầu nối giữa người dân với cán bộ, vừa là nòng cốt trong mọi hoạt động và phong trào thi đua ở cơ sở.

Dinh Mí Thào (Phòng Dân tộc Đồng Văn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những người giữ màu xanh cho rừng ở Quản Bạ
BHG - Với những người "gác rừng" ở huyện Quản Bạ, giữ màu xanh cho rừng không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao. Ở đây, họ luôn âm thầm, lặng lẽ, dù còn nhiều vất vả, khó khăn. Qua đó góp phần quan trọng giữ “lá phổi xanh” của địa  phương luôn khỏe mạnh, giữ nguồn nước luôn chảy đều trong sạch.
23/09/2024
Đạo đức cách mạng cái “gốc” của người cán bộ
BHG - Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Người: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”; “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Để làm rõ hơn tư tưởng đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, có ý nghĩa sâu sắc góp phần phát huy sức mạnh của toàn Đảng và hệ thống chính trị.
23/09/2024
Xóa bỏ hủ tục, xây đời sống mới ở Hà Giang: Kỳ 1:  Hủ tục ăn sâu, len lỏi trong đời sống
BHG - Đám tang không mổ nhiều gia súc, không nghi lễ rườm rà, không để quá 48 giờ, đưa người chết vào áo quan; đám cưới không tổ chức linh đình, không thách cưới cao, không tảo hôn; lễ hội văn minh, trang trọng; đời sống văn hóa, tinh thần nâng cao... là thành quả cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang trong xóa bỏ hủ tục, quyết tâm “phá rào” xây dựng cuộc sống ấm no.
23/09/2024
Nghị quyết 11 "mở đường" cho du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Kỳ cuối: Định vị thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế
BHG - Tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2024 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương, tổ chức tại Philippines vào tháng 9.2024, Hà Giang vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”. Với giải thưởng danh giá này đã khẳng định cho hướng đi đúng của ngành du lịch tỉnh nhà qua việc từng bước hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết. Cùng với đó là chiến lược phát triển du lịch theo hướng “Chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh, bền vững”, đây sẽ trở thành cơ sở để du lịch Hà Giang bước sang một trang mới và hướng tới vươn tầm quốc tế.
23/09/2024