Đảng viên được miễn sinh hoạt vẫn giữ ý chí, trách nhiệm trong tim!: Kỳ cuối: “Ngọc càng mài càng sáng”

16:53, 25/09/2024

BHG - Là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh, Đảng bộ thành phố Hà Giang có nhiều đảng viên được miễn sinh hoạt Đảng theo Quy định 24-QĐ/TW của BCH T.Ư Đảng. Trong đó, có 25 đảng viên lão thành tuổi đời từ 90 trở lên. Năm tháng đi qua với bao khó khăn, thử thách và dù được miễn sinh hoạt Đảng, nhưng ý chí và niềm tin của họ vẫn như những viên ngọc sáng, minh chứng cho tinh thần kiên trung của người cộng sản, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cao quý của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

4 lần trốn nhà… xin đi bộ đội

Đảng viên Nguyễn Đăng, Chi bộ tổ 10, Đảng bộ phường Minh Khai năm nay 97 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng. Điều đáng quý, dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ vẫn rất nhanh nhẹn, thông tuệ và đặc biệt, lời thề sắt son với Đảng qua bao thời gian thử thách vẫn vẹn nguyên trong tim.

Đảng viên lão thành Nguyễn Đăng, Chi bộ tổ 10, Đảng bộ phường Minh Khai sở hữu bộ thành tích đáng ngưỡng mộ.
Đảng viên lão thành Nguyễn Đăng, Chi bộ tổ 10, Đảng bộ phường Minh Khai sở hữu bộ thành tích đáng ngưỡng mộ.

Ngay từ nhỏ, chàng trai Nguyễn Đăng đã bộc lộ sự thông minh, sáng dạ; hăng hái tham gia mọi công tác của các đoàn thể cứu quốc; từng có 2 năm làm giáo viên bình dân học vụ, giúp nhiều bà con ở quê nhà Phú Thọ thoát cảnh mù chữ. Tuy nhiên, bước ngoặt mới trong cuộc đời mở ra khi Nguyễn Đăng chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công vang dội. “Khí thế hào hùng ấy làm bùng cháy trong tôi tinh thần đứng lên tham gia kháng chiến. Ít nhất, tôi cũng có đến 4 lần trốn gia đình, nộp đơn xin vào bộ đội. Mãi đến tháng 10.1947, Quân Y viện 2, Liên khu 10 ở Nga Sơn – Cẩm Khê mới “động lòng” nhận tôi vào làm công vụ cho bệnh viện, chờ có lớp thì thi vào học y tá. Đến tháng 6.1948 tôi chính thức nhập ngũ, vào học y tá; 4 tháng sau trở thành y tá Đại đội 946, Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165”, cụ Đăng chia sẻ.

Chưa đầy 1 năm công tác trong quân ngũ, chàng trai Nguyễn Đăng vinh dự được kết nạp Đảng. Cụ Đăng kể rằng: "Đây là thời khắc đặc biệt nhất trong cuộc đời, vì được kết nạp Đảng vào ban đêm, ở sâu trong rừng và ngay tại mặt trận. Không những vậy, ngày kết nạp Đảng của tôi trùng với ngày sinh của Lênin – vị lãnh tụ thiên tài của phong trào cách mạng thế giới. Trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tôi tuyên thệ gìn giữ tư cách người đảng viên, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng giao".

Gần 35 năm liên tục công tác trong Quân đội, với rất nhiều cương vị công tác khác nhau, từ y tá đại đội đến bác sĩ, Chủ nhiệm Quân y (Quân đoàn 29), cụ Đăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điều này được minh chứng bằng tập thành tích dày trang mà Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương dành tặng cụ. Đó là hàng chục huân chương kháng chiến, huy hiệu cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong đó, có Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công hạng 3; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng…

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Minh Khai Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: “Dù được miễn sinh hoạt Đảng theo quy định nhưng khi phường có sự kiện quan trọng, chúng tôi đều mời và xin ý kiến góp ý của cụ Đăng. Cụ đã hiến kế, đóng góp nhiều giải pháp sát thực phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân”…

Bầu nhiệt huyết đong đầy

“Tuổi cao, sức yếu, được miễn sinh hoạt Đảng theo quy định, nhưng bầu nhiệt huyết vì thành phố Hà Giang phát triển của cụ Tiến vẫn luôn đong đầy. Những ý kiến góp ý của cụ là kinh nghiệm quý, bài học hay đúc kết từ thực tiễn công tác nên đậm tính nhân văn, dễ thu phục lòng người”. Đó là nhận xét ấn tượng của Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Thắng về đảng viên lão thành Nguyễn Văn Tiến (Chi bộ tổ 3, Đảng bộ phường Ngọc Hà), nguyên Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Hà Giang.

Dịp 2.9 vừa qua, đảng viên Nguyễn Văn Tiến (người thứ 2 từ phải qua trái) vinh dự đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Dịp 2.9 vừa qua, đảng viên Nguyễn Văn Tiến (người thứ 2 từ phải qua trái) vinh dự đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

75 năm tuổi Đảng, 94 tuổi đời, thính lực suy giảm nhưng cụ Tiến vẫn sở hữu trí nhớ tuyệt vời, đôi mắt sáng và chất giọng hào sảng. Cụ Tiến kể: "Năm 1945, tôi theo gia đình từ Nam Định lên lập nghiệp tại xã Tiên Yên, huyện Bắc Quang (nay là huyện Quang Bình). Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; làm Chính trị viên Xã đội rồi Trưởng Công an xã Tiên Yên. Ngày 1.12.1949 là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời khi tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Không những vậy, tôi từng kinh qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc; được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Kinh qua những năm tháng gian khổ, hào hùng của dân tộc, tôi luôn khắc sâu lời tuyên thệ trung thành tuyệt đối với Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân".

Cụ Tiến cho biết: “Gần 40 năm công tác với nhiều cương vị khác nhau, nhưng có lẽ, hơn 20 năm công tác trong ngành Tổ chức xây dựng Đảng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất. Giai đoạn 1954 – 1971 tôi là cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang; từ năm 1976 – 1980 là Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Hà Giang”. Xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ - nhân tố quyết định sự vững mạnh của Đảng nên ngay từ khi còn là cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, dấu chân đồng chí Nguyễn Văn Tiến đã in khắp các huyện trong tỉnh để tìm hiểu tình hình cơ sở, tự trau dồi kinh nghiệm, vốn kiến thức nhằm thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Ban. Cụ Tiến vừa nói, vừa đùa: “Ngày trước đi công tác vất vả lắm, đường sá xa xôi, phương tiện đi lại chủ yếu là “xe 2 cẳng”. Có những chuyến công tác xuất phát từ trung tâm thị xã Hà Giang đến huyện Hoàng Su Phì hay Đồng Văn, Mèo Vạc phải mất 3 ngày di chuyển. Đi bộ lâu, dép, giày cũng rách, cũng đứt, chân thì tứa máu; còn vai lỉnh kỉnh gạo, hành lý để “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, tất cả vì nhiệm vụ chung”.

Khó khăn, gian khổ đã tôi luyện bản lĩnh để chàng trai trẻ ngày ấy từng bước trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý có uy tín, hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó. Hiện nay, dù miễn sinh hoạt Đảng nhưng khi được tham vấn ý kiến, bao kinh nghiệm thời còn công tác trong ngành Tổ chức xây dựng Đảng của cụ Tiến vẫn như mạch nguồn được san sẻ, là những giá trị kiến thức quý cho các cán bộ đương nhiệm tham khảo, học tập, nhất là bài học về tính nhân văn trong công tác cán bộ hay việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ, đảng viên ưu tú cho Đảng…

Sáng mắt, sáng lòng nhờ có Đảng và Bác Hồ

Đến Chi bộ thôn Châng, xã Phương Thiện, hình ảnh về đảng viên Nguyễn Thị Tảnh, 90 tuổi để lại trong chúng tôi nhiều tình cảm xúc động về một người phụ nữ Tày tảo tần. Dù trải qua bao biến cố của cuộc đời, cụ vẫn gìn giữ vẹn nguyên tư cách người đảng viên, sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

Đảng viên Nguyễn Thị Tảnh cùng các cháu xem lại Bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sỹ Nguyễn Thế Vỵ.
Đảng viên Nguyễn Thị Tảnh cùng các cháu xem lại Bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sỹ Nguyễn Thế Vỵ.

Năm 1955, cô thiếu nữ Tày duyên dáng Nguyễn Thị Tảnh vừa chớm tuổi 21 nên duyên vợ chồng với chàng trai cùng quê - Nguyễn Thế Vỵ. Những năm thập kỷ 50, trong cảnh con nhỏ, chồng cụ là cán bộ thương nghiệp tỉnh nhận nhiệm vụ tăng cường lên xã Lũng Phìn (Đồng Văn) công tác. Thế rồi năm 1959, trong một đợt tiễu phỉ ở Đồng Văn, chồng cụ anh dũng hy sinh ở tuổi 23. Nỗi đau mất chồng nguôi ngoai chưa lâu thì 14 năm sau, người con trai duy nhất của cụ qua đời vì bạo bệnh…

Từ trong đau khổ, người phụ nữ ấy tìm được lý tưởng sống của cuộc đời mình. Cụ Tảnh kể: "Năm 1960, tôi nhận Bằng Tổ quốc ghi công của chồng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký và trở thành vợ liệt sỹ, người đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Đọc từng dòng chữ viết trên đó, nước mắt tôi nhòe đi vì xúc động. Lúc này, trong tôi sáng lên suy nghĩ mình phải làm gì để sống xứng đáng với sự hy sinh của chồng, một người đảng viên chân chính! Nghĩ là làm, năm 1960, tôi tích cực tham gia vào Hợp tác xã của thôn, từ Đội phó rồi lên Đội trưởng Đội sản xuất. Đặc biệt, nhiều năm liền tôi được cử tri tín nhiệm, bầu làm Đại biểu HĐND xã Phương Thiện. Đến năm 1969, tôi vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam".

Theo Bí thư Chi bộ thôn Châng, Nguyễn Văn Mùi: “Khi còn sinh hoạt Đảng, đồng chí Tảnh là đảng viên mẫu mực, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên. Đồng chí luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc của thôn, được nhiều người quý mến. Khi được miễn sinh hoạt Đảng theo quy định, đồng chí tiếp tục là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, điển hình trong học tập, làm theo gương Bác Hồ từ những điều bình dị nhất”.

Cả một đời thủ tiết thờ chồng, năm nay cụ Tảnh đã 55 năm tuổi Đảng. Khi tuổi về già, cụ sống cùng các cháu là con của em trai chồng. Anh Nguyễn Thế Khương, cháu cụ Tảnh chia sẻ: “Bác Tảnh như cây cao bóng cả tỏa bóng mát cho gia đình. Khi các con của tôi đến tuổi đi học, bác Tảnh thường kể những câu chuyện cách mạng ngày xưa để động viên các cháu chăm lo học tập, rèn luyện đạo đức, mai sau trở thành người có ích cho xã hội. Còn với vợ chồng tôi, bao năm qua bác Tảnh luôn là người động viên, chỉ bảo cách thoát nghèo bền vững, đó là học và làm theo 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Có bác Tảnh cùng ăn, cùng ở, cùng bàn cách phát triển kinh tế, giờ đây, vợ chồng tôi đã phát triển được mô hình kinh tế tổng hợp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

Hiện nay, Đảng bộ thành phố Hà Giang có không ít đảng viên cao tuổi đời, nhiều tuổi Đảng, được miễn sinh hoạt theo quy định, điển hình như: Đảng viên Ma Trọng Tư, tổ 7, phường Minh Khai với 99 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng; Nguyễn Văn Chung, tổ 15, phường Minh Khai, 96 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng… Ở họ, không chỉ có sự nghiệp cách mạng vẻ vang vì Hà Giang phát triển mà còn sáng ngời khí tiết người cộng sản kiên trung. Bởi họ đã gìn giữ tư cách người đảng viên theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Bài, ảnh: THÀNH LONG - NGUYỄN TIẾN (Thành phố Hà Giang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của cấp ủy Chi bộ Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh
BHG - Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ then chốt, trọng yếu thường xuyên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, là nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng.
25/09/2024
Đảng viên được miễn sinh hoạt vẫn giữ ý chí, trách nhiệm trong tim!: Kỳ I: Quan tâm, theo dõi và phát huy vai trò của đảng viên được miễn sinh hoạt
BHG - Đảng bộ thành phố Hà Giang hiện có 50 chi, đảng bộ trực thuộc với trên 5.800 đảng viên. Trong số đó có 652 đảng viên cao tuổi, sức yếu, thể theo điều kiện và nguyện vọng được miễn sinh hoạt theo Quy định 24-QĐ/TW của BCH T.Ư Đảng ban hành năm 2021 về thi hành Điều lệ Đảng. Phát huy bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, các đảng viên thuộc diện được miễn sinh hoạt ở các địa phương vẫn giữ trong mình ý chí, trách nhiệm và tinh thần của người đảng viên, là “điểm tựa” và tỏa sáng ngọn lửa niềm tin cho các thế hệ đảng viên.
25/09/2024
Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ cuối: Để cán bộ “dám” thực hiện “7 dám”
BHG - Xác định công tác cán bộ là then chốt trong xây dựng Đảng, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc luôn quan tâm quy hoạch, có cơ chế bố trí vị trí việc làm, luân chuyển, đào tạo, bổ nhiệm phù hợp, gắn với “đặt hàng” nhiệm vụ, giao việc khó để thử thách cán bộ. Đó vừa là yêu cầu, vừa là những động lực để cán bộ phát huy năng lực bản thân và “dám” thực hiện “7 dám”.
24/09/2024
Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ II: Cuộc “cách mạng” từ tinh thần “7 dám”
BHG - Ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh, lĩnh vực nào, tinh thần “7 dám” càng sáng lên khi có không ít cán bộ chủ chốt cơ sở dám đương đầu với khó khăn. Những quyết định mang tính bước ngoặt đã tạo nên một cuộc “cách mạng” văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mở lối phát triển kinh tế, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng thay da, đổi thịt.
24/09/2024