“Cẩm nang” ấm no của nông dân cực Bắc - Kỳ II: Khai thác lợi thế chăn nuôi, trồng rừng

09:40, 15/09/2022

BHG - Với những câu từ mộc mạc, cụ thể, gắn với thực tế điều kiện đặc thù tự nhiên, xã hội của tỉnh, Bác đã căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh: “cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn... là nguồn lợi lớn lại là nguồn phân bón ruộng nương”, “phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng; trồng cây ăn quả, cây làm thuốc”. Cụ thể lời dặn của Người, nông dân trong tỉnh đã khai thác lợi thế chăn nuôi, trồng rừng để xây dựng cuộc sống ấm no.

Người dân xã Phố Là (Đồng Văn) chuyển đổi trồng ngô sang trồng bắp cải mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xã Phố Là (Đồng Văn) chuyển đổi trồng ngô sang trồng bắp cải mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xác định khai thác lợi thế về nông nghiệp để giúp người nông dân thoát khỏi đói nghèo, tỉnh ta có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây dược liệu; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đa dạng. Với phương châm đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng; đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng, khuyến khích các hộ tự giác đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên góp phần tăng cả về diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Thông qua nhiều nghị quyết, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã khuyến khích nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Tính theo giai đoạn từ 2010 – 2020, tổng giá trị thu được từ ngành chăn nuôi đạt trên 3.464 tỷ đồng, tăng trên 300% so với năm 2010. Tỷ trọng chăn nuôi đạt 31,3%; tổng đàn trâu trên 162 nghìn con; đàn bò trên 122 nghìn con; đàn lợn trên 572 nghìn con; đàn dê trên 168 nghìn con. Tổng đàn gia cầm có trên 5,2 triệu con, tăng 69,4% so với năm 2010. Số lượng đàn ong có gần 55 nghìn tổ, tăng 195% so với năm 2010. Ngành chăn nuôi ngoài nhiệm vụ đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng còn đảm bảo duy trì, phát triển đàn gia súc lớn để tận dụng sức kéo, cung cấp phân bón tại chỗ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với các huyện vùng cao của tỉnh khi khó tiến hành cơ giới hoá do điều kiện thổ nhưỡng, địa hình không cho phép.

Người dân xã Khuôn Lùng (Xín Mần) phát triển mô hình chăn nuôi trâu mang lại thu nhập ổn định. 					 Ảnh: KIM TIẾN
Người dân xã Khuôn Lùng (Xín Mần) phát triển mô hình chăn nuôi trâu mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: KIM TIẾN

Đồng Văn là một trong các địa phương phát triển chăn nuôi hiệu quả. Hàng nghìn hộ dân trên địa bàn vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi, xây dựng các gia trại quy mô vừa và nhỏ. Đến nay, toàn huyện có 114 gia trại; nông dân mạnh dạn cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; ủ chua cỏ dự trữ thức ăn cho đàn gia súc với phương thức Nhà nước hỗ trợ túi nilon, bột cám ngô, muối; người dân đóng góp thức ăn thô xanh, công lao động; bảo đảm dự trữ thức ăn từ 4 - 5 tháng. Cách làm này giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn có chất lượng tốt, giảm thiểu tình trạng gia súc chết do đói, rét trong mùa Đông. Huyện có nhiều nông dân điển hình tiên tiến, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: Chăn nuôi bò vỗ béo thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo; nuôi lợn nái sinh sản ở thôn Sà Phìn B, xã Sà Phìn; nuôi ong mật quy mô lớn ở thị trấn Đồng Văn, xã Sà Phìn, xã Vần Chải; chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập 130 triệu đồng/năm ở thôn Tà Lá, xã Sính Lủng...

Nhận diện lợi ích từ rừng, nông dân trong tỉnh tham gia tích cực vào trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng đến hết năm 2020 đạt 58%; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng; phát huy tác dụng phòng hộ, giảm thiểu tác hại do thiên tai. Thực hiện theo các chương trình, dự án, nông dân triển khai hiệu quả chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; chương trình trồng cây Sa mộc và trồng cỏ tại 4 huyện vùng cao; các dự án về bảo vệ và phát triển rừng; đề án chuyển đổi chất đốt; đề án trồng cây hộ lan tại 4 huyện vùng cao; chương trình trồng, phát triển rừng kinh tế tại các huyện vùng thấp. Đặc biệt, nông dân trực tiếp tham gia vào nhiều Tổ tuần tra, bảo vệ rừng, góp phần giữ vững “lá phổi xanh” nơi địa đầu Tổ quốc.

Đến hết năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh trên 15,7 nghìn ha; trong đó, diện tích cây ăn quả có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) trên 9,6 nghìn ha chiếm trên 61% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh; nhóm cây ăn quả ôn đới (hồng, lê, mận, đào) có trên 3,3 nghìn ha; các cây ăn quả khác (nhãn, vải, chuối, xoài....) chiếm 17,7% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Tổng sản lượng cây ăn quả bình quân thu hoạch hàng năm đạt trên 100 nghìn tấn; giá trị thu hoạch sản phẩm cây ăn quả bình quân ước đạt trên 1.900 tỷ đồng, chiếm trên 25,5% tỷ trọng ngành trồng trọt. Để nâng cao giá trị cây ăn quả mang lại và đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng, nông dân đã dần thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP, hữu cơ...

Tính đến năm 2020, diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đạt trên 4,2 nghìn ha, chủ yếu trên các diện tích cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như cam, hồng không hạt, lê, mận. Mặc dù địa hình chủ yếu núi đá nhưng huyện Đồng Văn biết biến khó khăn thành cơ hội phát triển. Huyện xác định và lựa chọn 19 thôn/19 xã, thị trấn là thôn điển hình về phát triển kinh tế, gắn với 16 sản phẩm đặc trưng có thế mạnh; trong đó, 14 sản phẩm, bộ sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và 3 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao theo chương trình OCOP của tỉnh. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn Nguyễn Thanh Viễn cho biết: Tận dụng thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phát triển cây lê – một trong những đặc sản địa phương, huyện trồng mới 160 ha, nâng diện tích cây lê tập trung lên 195 ha, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha. Mặt khác, phục vụ phát triển du lịch, hàng năm huyện hỗ trợ trồng từ 300 - 500 ha cây Tam giác mạch, nâng tổng diện tích đạt 1,7 nghìn ha; ngoài ra, việc trồng cây hoa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch và phục vụ lễ hội được huyện chú trọng... từ đó, giúp người nông dân có thêm sinh kế để vượt khó vươn lên.

Xác định cây dược liệu là cây trồng có tiềm năng, lợi thế phát triển, tỉnh ta triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nông dân tham gia; thu hút trên 13,4 nghìn lao động địa phương tham gia vào các hoạt động chương trình phát triển dược liệu. Anh Vàng Thìn Nghì là một trong những nông dân đi đầu trồng dược liệu trên địa bàn xã Quyết Tiến (Quản Bạ). Anh chia sẻ: “Qua tìm tòi, nhận biết tiềm năng, lợi thế cây dược liệu, gia đình đã trực tiếp trồng, liên kết trồng và tham gia vào các khâu sơ chế sản xuất các sản phẩm từ dược liệu. Qua đó, giúp cho thu nhập của gia đình và các hộ cùng tham gia vào các chương trình phát triển cây dược liệu ngày càng tăng, đời sống ngày một cải thiện; niềm tin của người nông dân vào phát triển cây dược liệu để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu dần hình thành; nhiều hộ mạnh dạn mở rộng quy mô, tìm kiếm thị trường để nâng cao thu nhập”.

Với sự tham gia tích cực, chủ động vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng thế mạnh; phối hợp tham gia xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; một số sản phẩm được đầu tư phát triển hàng hóa, đảm bảo chất lượng, có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu như: Cam sành, mật ong Bạc hà, dược liệu, Hồng không hạt, chè, sản phẩm từ Tam giác mạch... giúp không ít nông dân trong tỉnh xây dựng cuộc sống ấm no trên mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh:  KIM TIẾN

Kỳ cuối: Tạo sinh kế cho nông dân phát triển.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng Đảng vững mạnh trên dải đất biên cương: Kỳ cuối - Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng
BHG - Tăng cường kiểm tra, giám sát (KTGS) các lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm minh tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... Nhóm giải pháp quan trọng này của cấp ủy tỉnh đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ).
19/07/2022
Xây dựng Đảng vững mạnh trên dải đất biên cương - Kỳ 2: Chăm lo khâu “then chốt của then chốt”
BHG - “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ; cấp ủy tỉnh đã có nhiều giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được xác định là “then chốt của then chốt” để xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện.
16/07/2022
“Cẩm nang” ấm no của nông dân cực Bắc - Kỳ I: Thi đua tăng gia sản xuất
BHG - Ngày 26 và 27.3.1961, Bác Hồ lên thăm Hà Giang; những lời căn dặn của Người đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đến nay vẫn là ánh sáng soi đường, chỉ lối; là “cẩm nang” để những người nông dân trong tỉnh khơi sâu nguồn sức mạnh của ý chí cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no; xây dựng phên giậu biên cương cực Bắc thêm vững chắc.
14/09/2022
Xây dựng Đảng vững mạnh trên dải đất biên cương - Kỳ I: Giáo dục chính trị, tư tưởng - nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng Đảng
BHG - Đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách... Những quyết sách này được kỳ vọng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh, góp sức để Đảng ta thực sự là đạo đức, văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong.
14/07/2022