“Cẩm nang” ấm no của nông dân cực Bắc - Kỳ cuối: Tạo sinh kế cho nông dân phát triển
BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đời sống người dân. Khi lên thăm Hà Giang, Bác căn dặn “Đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, còn phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa”. Những lời căn dặn của Bác đã được Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cụ thể hóa bằng những chủ trương, chính sách, tạo sinh kế để người nông dân có cuộc sống ấm no.
Người dân xã Lũng Cú (Đồng Văn) chuyển đổi trồng hoa màu trái vụ, góp phần nâng cao đời sống. |
Trao “cần câu” cho người nông dân, hệ thống chính trị trong tỉnh triển khai các hoạt động tương thân tương ái, giúp đỡ người nghèo, vì an sinh xã hội, tư vấn hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, như: Phối hợp với các ngân hàng, nhận ủy thác vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển nguồn quỹ hỗ trợ nông dân. Đây vừa là “công cụ”, vừa là một trong những phương tiện hữu hiệu để hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng, hình thành mô hình kinh tế tập thể, các hình thức liên kết trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền nông nghiệp hàng hóa.
Bà con xã Nấm Dẩn (Xín Mần) phát triển nghề thêu truyền thống. |
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Xuân Thủy chia sẻ: Lan tỏa các phong trào thi đua sản xuất, từ năm 2017 đến nay, các cấp hội nông dân đã khuyến khích, động viên, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ vốn, cây con giống và kinh nghiệm sản xuất cho trên 9.000 lượt hộ nông dân, giúp 5.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, thúc đẩy sự hình thành và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu. Xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: Huyện Bắc Quang có các mô hình chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh phúc với 10 hộ tham gia; mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại thôn Hùng Thắng, xã Hùng An với 12 hộ tham gia; mô hình phát triển trồng cây đào cảnh tại thôn Tân Mỹ, xã Tân Quang với 12 hộ tham gia; huyện Quang Bình có mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tại thôn Hạ Quang, Yên Thượng, xã Vỹ Thượng...
Xín Mần – miền đất nắng, gió, thiên nhiên khắc nghiệt, huyện xác định nhiệm vụ hàng đầu là tạo sinh kế cho 91,8% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn về an sinh thu nhập. Địa phương xác định cụ thể các vùng miền, cây, con chủ lực, có lợi thế, thế mạnh của địa phương để tập trung sản xuất thành hàng hóa theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, một số sản phẩm trở thành hàng hóa đủ lớn để đưa ra thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Gạo Già Dui, chè, mướp đắng rừng, miến dong, hồng không hạt, mật ong rừng, Thảo quả, gừng, nghệ...
Cán bộ, nhân dân xã Tả Nhìu (Xín Mần) giúp dân di dời chuồng trại ra xa nhà ở. |
Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Phạm Duy Hiền cho biết: Để hỗ trợ nông dân, huyện vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước vào điều kiện thực tế; coi trọng việc tổ chức lại sản xuất cho nhân dân; thành lập ban quản lý phát triển thôn gắn với định hướng và hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư có thu hồi để tái đầu tư; thực hiện phương châm “liên kết 4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp); tạo điều kiện từ nguồn vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; nổi bật như cơ sở miến dong Gia Long với sản lượng hơn 200 tấn/năm; thành lập 2 hợp tác xã chế biến gạo, 7 hợp tác xã chế biến chè với sản lượng trên 500 tấn chè búp khô/năm và nhiều cơ sở chế biến chè, gạo quy mô gia đình; các làng nghề thủ công truyền thống được quan tâm phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân.
Thực hiện lời Bác dặn: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết chặt chẽ, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân…”, cùng với việc chăm lo trực tiếp đời sống người nông dân, tỉnh ta quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về giao thông, hệ thống trường học, trạm y tế, công trình nước, nhà văn hóa; phục dựng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc… góp phần cải thiện đời sống đồng bào, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống các vùng, các dân tộc. Đặc biệt, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và xây dựng nhiều nghị quyết chuyên đề, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Đó là những quyết sách được xây dựng trên cơ sở bám sát thực tiễn đời sống, đã “đưa cuộc sống vào nghị quyết”, với mục tiêu cuối cùng là tạo sinh kế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới và các nghị quyết, chương trình về cải tạo vườn tạp; hỗ trợ xây dựng nhà ở; xóa bỏ hủ tục lạc hậu… đang ngấm sâu vào đời sống người nông dân. Riêng chương trình cải tạo vườn tạp thay đổi đáng kể nhận thức của người nông dân; không gian sinh sống của gia đình được sắp xếp lại hợp lý, khoa học, ngăn nắp, thuận lợi cho sinh hoạt; thôn, xóm sạch – đẹp; tác động mạnh đến chương trình xây dựng Nông thôn mới tại các vùng nông thôn miền núi của tỉnh. Đặc biệt, thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Để tạo sinh kế cho người nông dân, tỉnh ta tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới; nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay cho nông dân học tập, làm theo. Vận động và tổ chức cho nông dân tham gia “liên kết 6 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối). Tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường; tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất, kinh doanh của nông dân, từ coi trọng số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng; từ sản xuất cá thể sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; trang bị kiến thức, khả năng ứng dung khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất; chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản đặc sản của địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc hàng hóa.
Một trong những khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân chính là tiêu thụ sản phẩm. Do đó, tỉnh ta đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm; làm cầu nối liên kết, hợp tác giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp; hỗ trợ nông dân đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất; tạo điều kiện về vốn đầu tư; tổ chức tập huấn khuyến nông; hướng dẫn nông dân đăng ký, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Vận động nông dân tương trợ; chia sẻ cách thức, kỹ thuật, bí quyết, kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu; khuyến khích hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo vươn lên. Hỗ trợ và thúc đẩy nông dân khởi nghiệp gắn với triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, trang trại, xây dựng vườn mẫu; chương trình nông dân làm du lịch gắn với bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc dân tộc để phát huy lợi thế mỗi địa phương…
Với việc cụ thể hóa lời dặn của Bác bằng những hành động cụ thể; phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và sự tích cực, chủ động của người nông dân đã giúp đời sống đồng bào cực Bắc ngày một đổi thay. Điều đó cho thấy, lời Bác dặn thực sự là “cẩm nang”, là ánh sáng soi đường, chỉ lối để những người nông dân miền biên cương xây cuộc sống ấm no.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc