Đột phá xây dựng, đưa chính sách vào cuộc sống
BHG - Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh ta xây dựng 10 nghị quyết, 39 đề án đặc thù, vận dụng 19 nghị quyết, 56 đề án của T.Ư trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua đó, đưa chính sách vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững miền biên cương cực Bắc của Tổ quốc.
Người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) phát triển chăn nuôi đại gia súc. |
Kết quả thực hiện chính sách chính là thước đo, cơ sở đánh giá khách quan, chính xác chất lượng, hiệu quả của chính sách. Nhiều chính sách đã trở thành thương hiệu trong công cuộc “Vì Hà Giang phát triển”. Nổi bật có thể kể đến: Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND, ngày 7.12.2018 của HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang (thay thế Nghị quyết 209 và 86 trước đó); Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND, ngày 21.7.2016 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang hay Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước cho vùng kinh tế động lực, giai đoạn 2016 – 2020… Cùng với sự ra đời của cơ chế, chính sách, 39 đề án đặc thù cũng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tiêu biểu như: Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020; Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 hay Đề án hỗ trợ xi măng đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2017 – 2020… Trên cơ sở này, tỉnh đã bố trí hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh; bố trí cho cơ chế, chính sách áp dụng theo văn bản của T.Ư sử dụng toàn bộ vốn ngân sách địa phương hoặc lồng ghép vốn ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương…
Cam, quýt hàng hóa nâng cao thu nhập cho người dân xã Tiên Kiều (Bắc Quang). |
Có thể nói, hoạch định được chính sách đúng, trúng, chất lượng là yếu tố vô cùng quan trọng; song, thực hiện đúng chính sách còn quan trọng gấp bội phần. Bởi vậy, quá trình tổ chức thực hiện, đưa chính sách vào thực tiễn, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên nắm bắt, hướng dẫn người dân vận dụng, thụ hưởng chính sách hiệu quả. Đơn cử như: Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh ra đời trở thành “cú hích” lớn đối với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh khi quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn và hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngay sau khi chính sách được HĐND tỉnh ban hành, Sở Nông nghiệp - PTNT đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND 11/11 huyện, thành phố ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa chính sách vào cuộc sống. Chính sách được ban hành đã khơi thông nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư. Không những vậy, còn tác động mạnh đến sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn như cam VietGAP, chè GAP hoặc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với kết quả trên, việc thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa của UBND tỉnh đã từng bước phát huy tiềm năng về đất đai, chất lượng giống, nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi đại gia súc; tăng sức cạnh tranh sản phẩm và tiếp cận thị trường trong nước cũng như khu vực. Tính đến tháng 8.2020, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh đạt gần 278 nghìn con, trên 27,3 nghìn ha cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, đã có gần 6 nghìn con nghé, bê chào đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo, cho tầm vóc, thể trạng vượt trội so với phương pháp thụ tinh thông thường. Hiện, tỉnh đang tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển bền vững đàn trâu, bò; phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn đại gia súc đạt 500 nghìn con, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp lên 35%.
Riêng chương trình phát triển vùng kinh tế động lực, “đàu tàu” thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh gồm 4 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang. Trên cơ sở này, tỉnh ta thí điểm phân cấp, ủy quyền 33 nội dung cho vùng động lực, liên quan đến nhiều lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị, văn hóa - xã hội, quản lý doanh nghiệp… Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian giao dịch cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, các địa phương vùng động lực đã vận dụng tốt các cơ chế, chính sách, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu; hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chè tiêu chuẩn GAP; vùng sản xuất thâm canh cam, quýt tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Bên cạnh đó, 5 vùng động lực còn tích cực thực hiện các giải pháp phù hợp để hoàn thiện tiêu chí đô thị đối với từng địa bàn, như: Cứng hóa tuyến đường nội thị, chỉnh trang lát gạch vỉa hè, lắp đặt hệ thống chiếu sáng... Tính đến nay, vùng động lực có 8 đô thị được đánh giá phân loại, gồm: 1 đô thị loại III (thành phố Hà Giang), 1 đô thị loại 4 (thị trấn Việt Quang – Bắc Quang) và 6 đô thị loại V (thị trấn Yên Phú – Bắc Mê; thị trấn Vị Xuyên – Vị Xuyên; thị trấn Vinh Quang – Hoàng Su Phì; thị trấn Yên Bình – Quang Bình; thị trấn Vĩnh Tuy và trung tâm xã Tân Quang – Bắc Quang)…
Có thể khẳng định, từ những cơ chế, chính sách đúng, trúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, được tổ chức thực hiện đúng, khi đi vào cuộc sống nhận sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò quan trọng của chính sách trong sự nghiệp phát triển bền vững tỉnh Hà Giang.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc