Bí thư Chi bộ 42 tuổi quyết tâm lấy bằng tốt nghiệp THPT
BHG - “Học tập chưa bao giờ là muộn và cần học nữa, học mãi” - đó là khẳng định chắc nịch của anh Phượng Chìu Nhàn (sinh 1978), dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ kiêm cộng tác viên y tế thôn Lang Cang, xã Xuân Minh (Quang Bình). Anh là người nhiều tuổi nhất trong số 29 thí sinh lớp 12C4, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Quang Bình vừa tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
Anh Phượng Chìu Nhàn hướng dẫn trẻ em trong thôn học bài. |
Kỳ thi THPT Quốc gia vừa khép lại, tôi hẹn gặp anh Phượng Chìu Nhàn để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người phấn đấu đi học dù ở bất cứ độ tuổi nào. Con đường đến xã Xuân Minh quanh co uốn lượn, vắt qua những dãy núi điệp trùng. Ngôi nhà của anh Nhàn nằm riêng biệt, yên tĩnh trên sườn đồi nhưng lối đi vào bị sạt lở nặng sau trận mưa lớn. Trước kia, vì cuộc sống mưu sinh, bố mẹ có 9 anh em nên Nhàn chỉ học hết lớp 5, gián đoạn vài năm, anh tiếp tục đi học cấp 2. Đến khi xây dựng tổ ấm riêng, anh dồn lực làm kinh tế nuôi 2 con học hết THPT, rồi mới quyết định đăng ký học cấp 3 để lấy kiến thức văn hóa phục vụ người dân trong thôn.
Anh Nhàn nhớ mãi: “Năm 2016, khi bắt đầu quay lại môi trường học tập, dù lớn tuổi và trong lớp có các em đáng tuổi con mình nhưng tôi chưa bao giờ nản, ngại ngùng. Những ngày cận kề kỳ thi THPT Quốc gia, tôi tranh thủ cùng vợ sắp xếp công việc đồng áng để yên tâm xuống trường ôn, dự thi. Trong suốt quá trình đó, tôi nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, động viên rất lớn từ thầy, cô giáo và bạn bè. Năm nay, với 4 môn thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý để xét tốt nghiệp; trong đó, Lịch sử và Địa lý là môn sở trường, tôi tự tin sẽ đạt kết quả tốt”.
Thôn Lang Cang có 72 hộ với 355 khẩu, đồng bào đa số là người Dao, tỷ lệ người dân không biết chữ chiếm 50%. Do đó, bà con hạn chế trong giao tiếp, kèm theo điều kiện đi lại khó khăn, sản xuất chủ yếu tự sản, tự tiêu dẫn đến nghèo triền miên. Là cán bộ của thôn, anh Nhàn ý thức rõ tầm quan trọng của việc học, trước hết là cho mình, sau là để noi gương cho dân làng, con cháu. Ngoài lĩnh hội những kiến thức văn hóa, anh còn tham gia học nghề ngắn hạn tại địa phương để biết cách ươm cây giống trồng rừng, đưa vật nuôi có giá trị cao vào phát triển kinh tế. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, nhất là việc chăm sóc cây chè Shan tuyết, Thảo quả và trồng hoa màu vào vụ Đông.
Anh Phượng Chàn Châu, Lớp trưởng lớp 12C4, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quang Bình, cho biết: “Tôi cũng là thí sinh lớn tuổi tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Tôi nể phục tinh thần hiếu học của anh Nhàn, vượt qua khoảng cách về tuổi tác, anh là tấm gương sáng cho người dân, con em quê hương nỗ lực học tập đem cái chữ về bản để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống với niềm hy vọng một tương lai không xa nơi đây sẽ đầy đủ, phát triển hơn”.
Đồng chí Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho biết: “Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, huyện có 26 thí sinh trên 25 tuổi và 7 thí sinh trên 40 tuổi, đây là con số ấn tượng nhất từ trước đến nay. Do đặc thù của địa phương, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã thực hiện thí điểm 1 lớp học 12C4 tại xã Xuân Minh, khóa 2016 - 2019. Lớp học đều là những người lớn tuổi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giữ vai trò Bí thư, Trưởng thôn, cán bộ không chuyên trách thôn. Huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Trung tâm mở lớp, giúp người học đến trường nhằm xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc