Đồng Văn chú trọng xây dựng hệ thống chính trị thôn, bản biên giới
BHG - Nước ta có hơn 400 xã biên giới, trong đó, các thôn, bản giáp biên là khu vực có vị trí quan trọng, ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là “phên dậu” của Quốc gia… Tuy nhiên, đây lại là nơi kinh tế kém phát triển so với các vùng khác. Nhằm từng bước xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế địa phương vững mạnh, huyện Đồng Văn đặc biệt chú trọng và nêu cao vai trò của các thôn, bản giáp biên trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế. Thông qua đó, giúp người dân vùng biên giới ổn định cuộc sống, tạo sự đồng đều trong phát triển kinh tế chung của huyện.
Bí thư Chi bộ thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn, Nông Tú Hưng (bên phải) tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước đến người dân. |
Má Tìa là 1 trong 3 thôn biên giới của thị trấn Đồng Văn; toàn thôn có 78 hộ, tỷ lệ hộ nghèo trên 80%; 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nhằm từng bước định hướng cho bà con phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhiều mô hình kinh tế nhỏ đã dần xuất hiện, những cách làm hay từng bước được nêu gương. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, người dân bắt đầu nhận thức được việc thay đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; luân canh, xen canh một số loại rau, đậu để tăng năng suất. Anh Ly Mí Súng, Trưởng thôn Má Tìa cho biết: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con đã chủ động chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà; nỗ lực làm kinh tế, cho con em đến trường. Một số hộ trong thôn đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi, tận dụng đất trồng cỏ, thay thế giống ngô mới để tăng năng suất…
Bên cạnh tuyên truyền cho người dân thôn biên giới tích cực làm kinh tế, nêu cao nhận thức về xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng là một trong những việc làm hết sức cần thiết. “Hàng rào có vững chắc thì ngôi nhà mới an toàn”, ông Nông Tú Hưng, Bí thư Chi bộ thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn chia sẻ. Là thôn giáp biên, kinh tế phát triển nhất nhì huyện, trên 70% người dân làm kinh doanh, phát triển nghề truyền thống nên thu nhập khá, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 19%. Bí thư Chi bộ Nông Tú Hưng chia sẻ thêm: Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các chi bộ thôn, bản biên giới, nên chúng tôi có những kế hoạch tuyên truyền thường xuyên và lâu dài, vận động người dân chăm lo làm kinh tế; đồng thời, cùng chung sức bảo vệ biên giới dưới nhiều hình thức như: Tích cực trồng, bảo vệ rừng; không bao che, kịp thời tố cáo những đối tượng có biểu hiện, hành vi xấu; đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân.
Huyện Đồng Văn có 8 xã biên giới, trên 20 thôn giáp biên, hầu hết đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn hết sức khó khăn; người dân nơi đây đang ngày ngày bám bản, giữ từng tấc đất. Đồng chí Nông Văn Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Văn cho biết: Người dân các thôn, bản biên giới có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ từng tấc đất, từng mét đường biên. Nêu cao vai trò của các thôn, bản biên giới trong việc xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế địa phương là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các xã giáp biên còn nhiều khó khăn, việc nâng cao nhận thức cho người dân cần được chú trọng hơn nữa. Hiện nay, các thôn biên giới của thị trấn Đồng Văn cũng như các thôn biên giới trên toàn huyện đều có cán bộ, đảng viên các Đồn Biên phòng tăng cường phụ trách. Ngoài ra, trong các cuộc sinh hoạt chi bộ còn có cán bộ, giáo viên các trường đến sinh hoạt cùng, giúp nâng cao chất lượng cuộc họp và nhận thức của người dân.
Nhiệm vụ phát triển toàn diện khu vực biên giới trong thời kỳ mới, trong đó chú trọng việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị và phát triển kinh tế ở các xã biên giới là vấn đề cấp thiết; là cơ sở để phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý điều hành của tổ chức Đảng, chính quyền, phát huy nội lực và sức dân ở địa phương... Nhờ có nhiều chính sách tích cực, huyện Đồng Văn đang từng bước ổn định, củng cố hệ thống chính trị tại các thôn, bản giáp biên, tạo sức mạnh tập thể, xây dựng địa phương phát triển.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc