Ngọc Đường phấn đấu trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế
BHG - Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện “Mỗi huyện có xã, mỗi xã có một thôn điển hình về phát triển kinh tế giai đoạn 2017 - 2020”, Đảng bộ thành phố Hà Giang đã chọn xã Ngọc Đường để triển khai thực hiện, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách xã, gắn với giao chỉ tiêu cho các phòng, ban chuyên môn thực hiện.
Bà con xã Ngọc Đường sản xuất bánh chưng gù. |
Là xã ngoại thành, Ngọc Đường xác định mục tiêu phấn đấu trở thành “Xã điển hình về phát triển kinh tế giai đoạn 2017 – 2020”, với nền nông nghiệp điển hình, có Làng Văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu, gắn với xây dựng làng nghề truyền thống, có ít nhất một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất cho nông dân; xây dựng và ra mắt làng nghề truyền thống bánh chưng gù. Xã tập trung chỉ đạo và vận động nhân dân tích cực dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng mía và rau chuyên canh; chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ thuần nông sang làm dịch vụ du lịch Homestay, đến nay trên địa bàn xã có gần 10 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền từ xã đến các thôn bản đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động tiếp tục mở mới các tuyến đường giao thông nội đồng, nội thôn phục vụ sản xuất và du lịch; hiến đất để xây dựng công trình phúc lợi công cộng,…
Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường Lê Xuân Mạnh, chia sẻ: Với mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân bằng việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Xã lựa chọn một số cây, con chủ lực và loại hình dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh để phát triển, nhân rộng. Cụ thể, chọn thôn Bản Tùy để làm điểm việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động làng văn hóa du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống bánh chưng gù. Trong đó, chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc, như Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, các điệu hát Then, hát Cọi, múa Cấp Sắc; đồng thời khuyến khích phát triển đa ngành nghề dịch vụ, như mô hình dịch vụ ẩm thực, dịch vụ Homestay. Về phát triển trồng trọt, xã lựa chọn, qui hoạch 3 thôn Bản Cưởm 1, Bản Cưởm 2 và Nậm Tài để chỉ đạo phát triển, nhân rộng cây mía hàng hóa, qui mô tập trung liền vùng, liền khoảnh, mục tiêu đến năm 2020, có từ 50-100 ha mía; thôn Tà Vải trồng rau chuyên canh, mô hình nhà lưới trồng rau trái vụ, sớm vụ chất lượng cao. Về chăn nuôi, thôn Sơn Hà, Thái Hà cũng được xã chọn để chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi, quy mô gia trại từ 50 đến 150 con/ hộ…
Với việc tổ chức thực hiện linh hoạt các giải pháp chỉ đạo, sự điều hành quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố Hà Giang trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về “Mỗi huyện có xã, mỗi xã có một thôn điển hình về phát triển kinh tế giai đoạn 2017 – 2020”, xã Ngọc Đường đang từng bước phấn đấu hoàn thành các tiêu chí mà Nghị quyết đề ra. Đến nay, xã đã hình thành một làng nghề truyền thống sản xuất bánh chưng gù với 9 nhóm hộ tham gia sản xuất, giải quyết từ 50 - 80 lao động tại chỗ, có thu nhập ổn định trung bình từ 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày. Toàn xã có trên 30 ha trồng mía hàng hóa, trên 30 ha rau chuyên canh; trong đó trên 5 ha rau an toàn áp dụng kỹ thuật mới, từ đó nâng cao giá trị thu nhập sản phẩm trồng trọt trên đơn vị diện tích từ 80 triệu đồng/ha năm 2015, 2016, - lên 100 - 150 triệu đồng/ha năm 2017; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 27,5 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2016. Nhiều mô hình tổ hợp tác, nhóm sở thích được hình thành và phát triển nhân rộng; đến nay xã có trên 5 tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp, với quy mô gia trại vừa và nhỏ. Du lịch cộng đồng tiếp tục được củng cố và phát triển, nhân dân hiến gần 5.000 m2 đất để xây dựng công trình Quảng trường thôn - nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng phục vụ phát triển du lịch; một số nhóm sở thích thanh niên khởi nghiệp được hình thành và họat động tốt; nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, nghỉ lưu trú được hình thành phát triển, thu nhập của người dân từ dịch vụ du lịch ngày càng tăng cao. Nhiều tuyến đường giao thông nội đồng, nội thôn, liên thôn tiếp tục được mở mới; công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo; 100% các hộ gia đình đều có công trình phụ hợp vệ sinh… Qua đó khẳng định các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới của xã luôn được duy trì, giữ vững và ngày càng nâng cao về chất lượng.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố; sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước bằng các chính sách phát triển kinh tế hiệu quả của tỉnh như chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa của Nghị quyết số “209, 86”; chính sách phát triển du lịch của Nghị quyết số 35... sự đồng thuận vào cuộc của tập thể lãnh đạo xã và sự nỗ lực, tích cực tham gia của người dân, xã Ngọc Đường đã đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,46%; số hộ có mức sống khá, giàu tăng nhanh.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc