Hoàng Su Phì: Cán bộ chủ chốt cấp xã nêu gương trong phát triển kinh tế
BHG-Qua gần 3 năm triển khai, mô hình phát triển kinh tế do cán bộ chủ chốt cấp xã ở huyện Hoàng Su Phì thực hiện đã và đang phát huy được hiệu quả. Cách làm này đang nhân rộng đến các đoàn thể, cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn và bà con nhân dân, qua đó góp phần không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Mô hình nuôi lợn đen cho thu nhập trên 30 triệu đồng/năm của đồng chí Lý Văn Tương (bên trái), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bản Luốc. |
Trên cơ sở thực tiễn của địa phương, BTV Huyện ủy chỉ đạo đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn thực hiện xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phát triển KT – XH, tạo việc làm và hỗ trợ đắc lực cho các địa phương thực hiện các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, thông qua các mô hình hiệu quả để làm điểm cho bà con đến học tập và làm theo; tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường áp dụng KHKT vào sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm... Tính đến hết tháng 9.2017, toàn huyện có 181 mô hình do cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn thực hiện. Trong đó, 128 mô hình về chăn nuôi: Trâu, bò, dê, cá, ong, bồ câu...; 17 mô hình trồng cây: Lê, mận máu, hồng, chuối, thảo quả, xoan... còn lại là những mô hình kết hợp vườn – ao – chuồng, kinh doanh sản xuất chè. Qua đánh giá, hiện có 82 mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả nên cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Là một trong những xã đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện, xã Thông Nguyên xây dựng được 17 mô hình kinh tế, trong đó chủ yếu là các mô hình nuôi trâu, lợn đen, nuôi cá và trồng Thảo quả do cán bộ chủ chốt xã thực hiện và đang mở rộng đến cán bộ xã, Bí thư chi bộ và người dân. Tiêu biểu như mô hình nuôi cá cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm của đồng chí Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã; mô hình nuôi trâu của anh Triệu Tạ Vủi, cán bộ Dân vận xã với quy mô trên 10 con, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng; mô hình nuôi lợn đen của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Triệu Vằn Nhàn với quy mô trên 30 con, mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng... Cách làm này còn tạo khí thế thi đua xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong toàn xã; nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô, tiếp cận với các tiến bộ KHKT, đưa con giống chất lượng vào chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất...
Đồng chí Hoàng Hải Lý, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Việc mỗi cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn đăng ký thực hiện mô hình phát triển kinh tế đang phát huy được hiệu quả, có tác động mạnh mẽ đến tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc phát triển KT-XH tại địa phương. Cách làm này khẳng định vai trò lãnh đạo của cán bộ chủ chốt, minh chứng cho việc cán bộ nói phải đi đôi với làm được, thì dân mới tin và làm theo... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số mô hình chỉ mang tính hình thức; nhiều mô hình thực hiện trên cơ sở học hỏi nhau, chưa đầu tư có chiều sâu, chưa áp dụng KHKT vào thực hiện; một số mô hình hiệu quả kinh tế chưa cao... Do đó, để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động cán bộ chủ chốt thực hiện có hiệu quả các mô hình đã đăng ký; lựa chọn triển khai các mô hình phù hợp đặc thù từng địa phương; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, gắn với bình xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần tăng thu nhập và là nơi để bà con nông dân đến tham quan, học tập...
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc