Nhờ có Đảng, những bản làng hạ sơn ở Du Già ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc
BHG- “Hạ sơn, cuộc sống của những hộ dân chúng tôi tốt hơn rất nhiều, giao thông thuận tiện, con em được đi học đầy đủ, thuận lợi phát triển kinh tế, đa phần người dân hạ sơn đã thoát khỏi hộ nghèo...”. Đó là chia sẻ của nhiều hộ dân hạ sơn ở 2 thôn Thâm Luông và Khau Rịa, xã Du Già (Yên Minh). Điều này khẳng định chính sách quy tụ dân cư sống rải rác trên các sườn núi cao, nơi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất về vùng thấp của Đảng, Nhà nước đã thực sự “đơm hoa kết trái” ở địa phương này.
Khi hạ sơn, con em các hộ dân được đi học đầy đủ. Trong ảnh: Trẻ em xóm hạ sơn, thôn Thâm Luông vui chơi trên đường bê -tông sạch sẽ. |
Du Già là xã đặc biệt khó khăn, nằm phía Nam của huyện Yên Minh, cách trung tâm huyện khoảng 50km. Xã có 14 thôn bản nhưng địa hình phân biệt khá rõ rệt giữa các thôn vùng cao và vùng thấp. Các thôn vùng thấp tương đối bằng phẳng, có nhiều dòng suối chạy qua, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Các thôn vùng cao có độ dốc lớn, thiếu đất, thiếu nước và phần lớn là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Vì vậy, có nhiều hộ dân sống rải rác trên các sườn núi, khó khăn cho phát triển kinh tế, nên phần lớn họ là hộ nghèo, cận nghèo. Theo báo cáo của xã Du Già, tính đến cuối năm 2016, toàn xã có 1.420 hộ, trong đó có tới 836 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 58,87%.
Với tỷ lệ hộ nghèo của Du Già luôn ở mức cao, từ những năm 2011, 2012, với chính sách quy tụ các hộ dân sống rải rác trên các sườn núi cao, các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao về vùng thấp của Đảng, Nhà nước, xã Du Già đã quyết tâm vận động các hộ dân hạ sơn để có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, thoát khỏi nghèo khó. Chủ tịch UBND xã, Hoàng Minh Trường cho biết: Chúng tôi hiểu, nếu có thể quy tụ các hộ xuống hạ sơn, sẽ giúp cho bà con có cuộc sống tốt hơn, con em họ sẽ được đến lớp mỗi ngày, đời sống ngày càng nâng cao. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực vận động và hỗ trợ người dân hạ sơn. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, những xóm hạ sơn trên địa bàn xã, đã có sự đổi thay rõ rệt và người dân hạ sơn đã có cuộc sống mới, tốt hơn.
Theo tìm hiểu, toàn xã Du Già có 123 hộ được hạ sơn trong những năm qua, trong đó 68 hộ hạ sơn về thôn Thâm Luông, 55 hộ hạ sơn về thôn Khau Rịa. Đến khu hạ sơn của thôn Thâm Luông, trao đổi với Bí thư Chi bộ thôn Thâm Luông, Thào Nhè Chứ, anh vui mừng chia sẻ: “Thôn chúng tôi có tổng số 152 hộ, trong đó 68 hộ hạ sơn. Có những hộ hạ sơn từ cuối năm 2011, nhưng có hộ mới hạ sơn năm 2015. Gia đình tôi cũng là một trong những hộ hạ sơn ở thôn này. Hạ sơn về đây, chúng tôi được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất và được hỗ trợ tiền để dựng nhà. Ngoài ra, Nhà nước cũng làm đường bê tông nông thôn, kéo điện cho xóm hạ sơn, xây dựng nhà văn hóa, điểm trường kiên cố ngay trung tâm thôn để con em chúng tôi được đi học thuận tiện, người dân hạ sơn có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng...”. Cũng từ chia sẻ của anh Chứ, được biết phần lớn các hộ hạ sơn về thôn Thâm Luông đều là hộ nghèo, cận nghèo. Để tạo động lực cho các hộ vươn lên thoát nghèo, Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ cho 18 hộ mỗi hộ 1 con bò để phát triển chăn nuôi. Đến nay, 100% mỗi hộ hạ sơn ở Thâm Luông đều có từ 1 đến 3 con bò. Tính đến năm 2015, xét theo chuẩn nghèo cũ, 100% các hộ hạ sơn ở Thâm Luông đã thoát nghèo, còn theo tiêu chí nghèo đa chiều chỉ còn 7 hộ nghèo; 100% các hộ hạ sơn có xe máy để đi lại thuận tiện hơn...
Các hộ hạ sơn có điều kiện phát triển kinh tế, thoát khỏi nghèo khó. Trong ảnh: Anh Lù Chứ Ria, thôn Thâm Luông phát triển đàn trâu bò từ 4 lên 13 con sau 5 năm hạ sơn. |
Đến thăm gia đình anh Lù Chứ Ria, một trong những hộ hạ sơn đầu tiên về thôn Thâm Luông, anh Ria cho biết: Gia đình tôi hạ sơn về đây từ đầu năm 2012. Khi chưa hạ sơn, nhà tôi chỉ biết đến trồng ngô và ăn ngô. Xuống núi, giờ trồng được lúa nên không phải ăn ngô nữa; việc trồng trọt cũng thuận tiện hơn, vận chuyển giống, phân bón dễ dàng, không mất nhiều công sức. Hơn nữa, từ khi hạ sơn về vùng thấp, trồng cỏ chăn nuôi dễ hơn, trâu bò không bị chết đói, chết rét như khi ở trên núi nữa, nên từ 4 con trâu bò ban đầu, giờ đàn trâu bò của gia đình đã tăng lên 13 con.
Chúng tôi tiếp tục đến khu hạ sơn thôn Khau Rịa. Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là con đường bê tông rộng 3m, kiên cố dài hơn 1km nối từ tỉnh lộ 176 vào khu trung tâm thôn. Cả xóm hạ sơn nằm trên một ngọn đồi thấp tương đối bằng phằng, các hộ dân nằm sát nhau, các ngôi nhà được lợp mái kiên cố bằng fibro – xi măng. Anh Mua Vàng Quả, Trưởng thôn cho chúng tôi biết: Thôn tôi có 55 hộ dân hạ sơn. Các hộ trước đây ở trên núi sống tách biệt, với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về nước, đường giao thông, điện và thường nơm nớp lo sợ sạt lở thì giờ đây Đảng, Nhà nước đã xây dựng cho mọi thứ thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, về vùng thấp, trao đổi buôn bán thuận tiện hơn rất nhiều; trẻ con đi học gần và tập trung nên rất yên tâm; các hộ khi có người ốm cũng nhanh chóng được đưa đến Trạm y tế khám, chữa bệnh kịp thời; đồng thời dễ dàng tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng để học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả... Đời sống người dân hạ sơn thực sự đã đổi thay rất nhiều.
Chia tay với người dân 2 thôn hạ sơn ở Du Già, hình ảnh những ngôi nhà của người dân hạ sơn nằm san sát nhau, những công trình phúc lợi kiên cố giữa trung tâm thôn, những con đường bê tông uốn lượn xung quanh xóm hạ sơn, những đứa trẻ vui đùa trên những con đường sạch sẽ, bà con nhân dân chăm chú xem các chương trình truyền hình, đọc sách, báo... Với những gì đã chứng kiến, cùng những chia sẻ của các cán bộ thôn, xã và đặc biệt là chính người dân hạ sơn, tôi tin rằng: Nhờ có Đảng, người dân hạ sơn ở thôn Thâm Luông và Khau Rịa mới có sự đổi thay như hôm nay.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc