Nỗ lực diệt “giặc đói” nơi địa đầu Tổ quốc

10:23, 25/12/2014

Kỳ II- Từng bước mở rộng hệ thống thủy lợi

Theo ghi nhận của các chuyên gia nông nghiệp, một mùa vụ sản xuất thành công, có sự đóng góp rất lớn của hệ thống thủy lợi. Thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, diện tích đất nông nghiệp không mở rộng thêm, thậm chí còn bị thu hẹp để phục vụ các công trình quốc kế dân sinh.
* Bước chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp


Nhưng do hệ số sử dụng đất tăng, tiến bộ khoa học được áp dụng mạnh mẽ nên năng suất, sản lượng lương thực năm sau luôn cao hơn năm trước. Những năm trước đây, ở các địa phương, khi chưa có hệ thống thủy lợi dẫn nước về đồng ruộng, nhiều cánh đồng chỉ gieo cấy được một vụ lúa, lại hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên năm được, năm không, mất mùa thường xuyên. Nhưng khi được đầu tư xây dựng kênh mương, dẫn nước về từ các khe suối nên đã gieo cấy được hai vụ chính chắc ăn, còn mở rộng thêm cây trồng vụ Đông.



Hệ thống thủy lợi Vằng Kẹ được tu sửa đã phát huy hiệu quả tưới tiêu.


Ông Nguyễn Mạnh An, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, người gắn bó toàn bộ thời gian công tác với sự nghiệp thủy lợi, khi về nghỉ chế độ vẫn còn trăn trở. Ông tâm sự, so với các địa phương trong khu vực, tỉnh ta sớm có chiến lược quy hoạch, vận động được nhiều nguồn vốn trong, ngoài nước, đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi. Nhưng, do điều kiện đặc thù về địa chất nơi hệ thống thủy lợi đi qua, cùng với thiên tai khắc nghiệt, nhiều công trình luôn bị tàn phá. Có năm, chỉ một đợt mưa lũ đi qua, hàng chục công trình bị phá hủy, không còn khả năng tưới tiêu, nhiều cánh đồng đứng trước nguy cơ khô, khát. Bên cạnh đó, nhiều công trình được đầu tư xây dựng cách đây chục năm, đang xuống cấp, rất cần vốn để sửa chữa, nhưng trong bối cảnh ngân sách có hạn, đành phải thực hiện theo kiểu “giật gấu vá vai”, chỉ sửa chữa công trình thực sự cần thiết, còn lại đành huy động sức dân, khắc phục tạm những đoạn kênh mương bị gẫy, bờ đập bị thủng.


Còn nhớ, hồi đầu năm về Xuân Giang (Quang Bình), đi trên cánh đồng đang thời điểm đổ ải thấy bà con đứng ngồi không yên. Hỏi ra mới biết, mùa vụ đã đến, trong khi đó công trình thủy lợi Vằng Kẹ, Vằng Lòm lại “lăn ra ốm”. Xuân Giang - một trong những xã trọng điểm lúa nước của huyện Quang Bình đã triển khai thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, đầu tư có thu hồi. Điều này mang lại hiệu quả kép, vừa nâng cao nhận thức, tính chủ động của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, vừa thu hồi được phần đầu tư của Nhà nước. Trao đổi với lãnh đạo phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của huyện Quang Bình, chúng tôi nhận được lời khẳng định: Yếu tố quan trọng, giúp Xuân Giang và các xã như Vĩ Thượng, Đồng Yên, Tân Trịnh... triển khai thành công cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp, chính là nhờ hệ thống các công trình thủy lợi được đầu tư tương đối đồng bộ, trải dài trên khắp cánh đồng. Các công trình được đầu tư đã tận dụng nguồn nước suối, dẫn về đồng ruộng, giúp người dân chủ động gieo trồng 2 vụ lúa.


Trong buổi làm việc mới đây, lãnh đạo huyện Quang Bình cũng trăn trở, huyện mới thành lập được mười năm, nhưng có công trình thủy lợi tuổi đời nhiều hơn lịch sử Đảng bộ huyện. Trải qua quá trình sử dụng với tác động của thiên nhiên, cộng với quy trình bảo trì, bảo dưỡng chưa được thường xuyên, nhiều công trình đã, đang xuống cấp, hiệu quả tưới tiêu không cao. Thủy lợi Vằng Lòm, Vằng Kẹ chỉ là hai trong số nhiều công trình “bị bệnh”, rất cần “thuốc”. Rất may, nguyện vọng của người dân được tỉnh quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách tu sửa. Ngay khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư, Sở NN-PTNT đã triển khai các bước cần thiết theo đúng quy trình, cuối năm 2013 đơn vị xây lắp đã tập trung vật liệu, bố trí đội thợ lành nghề, nhanh chóng tiến hành sửa chữa đập đầu mối với chiều dài 6,5m, cao hơn 2m, xây tường cánh cao trên 2,8m, làm sân tiêu năng bằng đá dài 2m... Chỉ trong thời gian ngắn, việc tu sửa hệ thống thủy lợi Vằng Kẹ đã hoàn thành, dẫn được nước về tưới cho cánh đồng 10 ha đất lúa 2 vụ của bà con thôn Then.


Cũng như thủy lợi Vằng Kẹ, công trình thủy lợi Vằng Lòm được xây dựng cách đây mươi năm, có hệ thống kênh dẫn nước dài hàng trăm mét, đi qua nhiều khu vực địa hình phức tạp. Sau nhiều năm đảm nhiệm tốt vai trò dẫn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân thôn Trì, hệ thống kênh bị võng, không phát huy công năng. Cuối năm 2013, nó cũng được “tiếp thêm sức mạnh” khi ngân sách bố trí tu sửa trên 200m kênh, tạo mặt bằng lưu thông nước toàn tuyến.


Số liệu của cơ quan quản lý xác định, trên địa bàn tỉnh hiện đã đầu tư, xây dựng được hơn nghìn công trình thuỷ lợi. Trong đó, 19 hồ chứa có công trình đầu mối là đập đất, được xây dựng tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Còn lại là các công trình thuỷ lợi nhỏ, đập đầu mối bê tông hoặc đá xây, với hiệu ích phục vụ tưới cho 9 nghìn ha lúa Xuân, hơn 20 nghìn ha lúa Mùa. Hệ thống thủy lợi không chỉ được quan tâm đầu tư tại các huyện vùng trọng điểm lúa, ở những huyện vùng cao, khó khăn về nguồn nước như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ... cũng được đầu tư trên 150 công trình phục vụ tưới tự chảy cho hơn nghìn ha lúa Xuân, gần 5 nghìn ha lúa Mùa. Đồng thời, thành lập được 172 tổ quản lý, 28 HTX dùng nước nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước của tổ chức kinh tế, cá nhân trong việc khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi. Mặc dù đã xây dựng được nhiều, số tiền đầu tư lớn, nhưng hệ thống thủy lợi chưa thực sự khép kín, vẫn còn gần 28 nghìn ha ngô, cây trồng khác phải trông chờ vào nước mưa.


Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, cha ông ta từ ngàn đời xưa đã đúc kết kinh nghiệm quý “Nhất nước, Nhì phân, Tam cần, Tứ giống”. Như vậy, nước có vai trò quan trọng bậc nhất, đứng đầu trong 4 yếu tố quan trọng cấu thành nên thành công hay thất bại của vụ sản xuất. Nhận thức rõ điều này, tỉnh ta luôn ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí hợp lý vừa mở rộng, vừa thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi để nó thực sự phát huy hiệu quả. Hệ thống thủy lợi được đầu tư, đã góp phần làm lên những mùa vàng bội thu, mang đến cuộc sống ấm no cho người nông dân.

 

Kỳ cuối: Phát huy thế mạnh đàn đại gia súc.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát động đợt thi đua cao điểm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và “8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”
HGĐT - Bộ CHQS tỉnh vừa phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và “8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”; thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 2014); 68 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 2
25/10/2014
Quản Bạ tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”
HGĐT-Ngày 24.9, huyện Quản Bạ đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”. Dự Lễ phát động có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng tỉnh.
25/09/2014
Hà Giang luôn ghi nhớ và thực hiện đúng lời Bác dạy
HGĐT- Tháng 9 mùa Thu lịch sử đã về, đem đến cho đất nước và mọi người dân Việt Nam tình cảm thiết tha, lòng biết ơn sâu nặng, thành kính đối với Bác Hồ kính yêu! Mùa Thu này cùng với niềm vui kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, sẽ là những cảm xúc dâng trào của dân tộc cùng đất nước kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh! Hòa chung cùng
25/09/2014
Nỗ lực diệt “giặc đói” nơi địa đầu Tổ quốc
Kỳ I - Bước chuyển mình trong sản xuất nông nghiệpTừ năm 2013, Hà Giang không phải xin Trung ương cứu đói - Thông điệp được Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông đưa ra tại buổi làm việc của Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh ta tháng 8 vừa qua đã tạo sức lan tỏa và nhân bội niềm vui, niềm hy vọng. Chỉ một cụm từ ngắn
24/12/2014