Chuyển đổi số, đón đầu để phát triển
BHG - Rất mừng Hà Giang đang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Hiện nay, 100% cơ quan hành chính có trang/cổng thông tin điện tử; 100% xã có cáp quang đến trung tâm nối mạng internet băng thông đến 98%, riêng khu trung tâm xã, thị trấn, thị tứ đạt 100%. Những cuộc họp và sự kiện lớn đều đã truyền trực tuyến đến cơ sở, đang mở mang dịch vụ trực tuyến kể cả khám chữa bệnh, y tế, giáo dục, các hình thức kinh doanh du lịch, các lĩnh vực tài chính ngân hàng, logistics và ra đời sàn điện tử bán hàng, tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số… Tỉnh khẳng định: Chuyển đổi số là giải pháp nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; coi đây là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Có thể nói, đối với một tỉnh khó khăn như Hà Giang, kinh tế còn nghèo, cư dân sống phân tán, trình độ văn hóa không đồng đều, địa hình phức tạp, nguồn nhân lực thiếu…, nhưng tỉnh đã nhận ra được xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0, đã huy động sức mạnh toàn xã hội, tranh thủ thời cơ và mọi nguồn lực tập trung vào lĩnh vực này là một quyết tâm mang tính đón đầu đột phá.
Lãnh đạo và cán bộ Chi cục Thú y tỉnh ứng dụng phần mềm họp trực tuyến với Cục Thú y T.Ư trao đổi về phương pháp đối phó với dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. (Ảnh: H. Toán) |
Chuyển đổi số là một khái niệm ra đời trong thời đại bùng nổ internet, được hiểu một cách đơn giản là sự vận dụng tính chất luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật để phục vụ con người và giải quyết các vấn đề xã hội. Chuyển đổi số có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của cuộc sống, thay đổi cách sống và làm việc của mọi người thông qua sử dụng dữ liệu và công nghệ số.
Việc chuyển đổi số trong xã hội chính là nền tảng của xã hội số, một xã hội mà ở đó mọi công dân tương tác liền mạch với các khía cạnh khác nhau của cuộc sống thông qua các kênh kỹ thuật số và mạng lưới các thiết bị được kết nối thông minh. Trong xã hội đó, mọi công dân có thể truy cập và tương tác với một loạt các dịch vụ công và tư như là dịch vụ hành chính, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông và các dịch vụ tiện ích khác để phục vụ cuộc sống bản thân; giao lưu, tương tác với cộng đồng vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu bằng công nghệ số.
Trong xã hội số, đa số các hoạt động thông thường trong cuộc sống của con người đều được bao trùm bởi môi trường số; chỉ với một thiết bị di động, như điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh… có thể kết nối internet, con người hoàn toàn có khả năng giải quyết các công việc thường ngày, đáp ứng nhiều nhu cầu của cuộc sống, thậm chí là kiểm soát được cuộc sống của họ từ xa. Cuộc sống con người thông qua chuyển đổi số sẽ phong phú và phát triển đa dạng, nhiều chiều…
Điều đặc biệt là “môi trường số” bao trùm ở mọi không gian ở mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng với các thiết bị bảo mật thông minh sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn an ninh an toàn xã hội, đặc biệt là bảo mật thông tin cho con người. Khi cuộc sống của con người bị bao trùm bởi môi trường số, việc rò rỉ thông tin, dữ liệu là nỗi lo lớn không chỉ của cá nhân mà còn là của những doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội. Nhờ có những công nghệ tiên tiến, tính bảo mật, sự an toàn, tin cậy và minh bạch của dữ liệu cá nhân, dữ liệu nội bộ, dữ liệu khách hàng được “số hóa” ở trong kho dữ liệu quốc gia nên đảm bảo mức độ an toàn, bảo mật cao hơn, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến rò rỉ thông tin.
Việc chuyển đổi mọi sinh hoạt của con người từ những thói quen, bản năng với những giao dịch và mối quan hệ truyền thống của một xã hội đã gắn bó với sự phát triển của mỗi dân tộc trong dòng chảy lịch sử chuyển sang môi trường xã hội số, có thể nói đây là bước “nhảy vọt về chất”, tạo nên sự đột biến mà thách thức không nhỏ.
Thách thức này trước tiên là ở nhận thức. Cần nhận biết đầy đủ những tiện lợi, những lợi ích mà công nghệ số mang đến, nhưng đây cũng là sự chuyển đổi về văn hóa sống của con người mà những cái hay cũng như những cái dở đều phải được hiểu đầy đủ để làm chủ được khi tiếp cận công nghệ này.
Cái mới ra đời luôn có hai mặt, một đất nước cũng như một địa phương muốn phát triển được phải biết đón đầu cái mới, chớp lấy thời cơ để phát triển, tất nhiên là phải tính hết rủi ro để biết làm và dám làm, nhất là với điều kiện đặc thù như tỉnh Hà Giang. Lúc này cần sự vào cuộc của toàn xã hội, của toàn hệ thống chính trị mà trước tiên là sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, là ở đội ngũ cán bộ mà nòng cốt là người đứng đầu.
Việc vận hành tổ chức và ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số cần quan tâm đầu tư hạ tầng số; cần được tập huấn thành thạo, luôn được nâng cao trình độ để tiếp cận với điều kiện mới và sự phát triển không ngừng của công nghệ. Khi đã vào mạng thì mỗi công dân đều bình đẳng, mà sự bình đẳng trước tiên là sự hiểu biết và làm chủ được công nghệ để vừa phục vụ được lợi ích cho bản thân và hòa nhập thân thiện với cộng đồng. Luôn tự làm chủ được mình, làm chủ được thông tin và phải xem công nghệ chỉ là phương tiện, còn cái cốt lõi vẫn là ở cốt cách của con người, ở sự nhận thức và giác ngộ của mỗi công dân đang sống trong một chế độ xã hội mà không để ai ở lại phía sau, một xã hội đang thực sự phấn đấu vì công bằng và dân chủ cho mọi người; nhưng lại thường xuyên phải đối phó với những thói xấu, những tiêu cực và sự rình rập, chống đối với mọi thủ đoạn của kẻ thù mà mạng xã hội là một trận địa.
Việc chuyển đổi từ “xã hội truyền thống” sang “xã hội số” thông qua chuyển đổi số là một quá trình từ nhận thức đến việc làm, từ những thay đổi của thói quen đến tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm mang đến những lợi ích lớn lao phục vụ cho cuộc sống ngày càng tiện lợi văn minh và hiện đại. Nắm bắt thời cơ này thực sự là một bước ngoặt lớn cần được nhận thức đầy đủ để toàn dân đồng lòng chung sức vượt qua thách thức khó khăn, đón đầu để phát triển, với sự tự tin Hà Giang sẽ là một trong những tỉnh thực hiện chuyển đổi số nằm trong tốp các tỉnh, thành đi đầu cả nước.
Hoàng Duy