Đón Xuân nhớ Đảng
Xuân 2021 - Tết Nguyên đán của người Việt Nam được tổ chức theo lịch âm, diễn ra từ ngày 25 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng ta, tập trung trong 10 ngày từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng, đó là Tết có từ ngàn đời nay. Nhưng dưới chế độ phong kiến, xã hội phân chia giai cấp (giàu, nghèo) và kỳ thị dân tộc, Tết diễn ra trong không khí buồn tẻ, các trò chơi chỉ diễn ra trong hộ, nhóm hộ không thành hội, vật chất và tinh thần túng thiếu.
Tiết mục nghệ thuật sáng mãi niềm tin theo Đảng. Ảnh: PHI ANH |
Từ khi có Đảng, có Bác Hồ và đặc biệt từ khi đất nước hòa bình (miền Bắc năm 1954, miền Nam 1975) đến nay, nhân dân ta mới được đón Tết trong cảnh thanh bình, toàn dân đoàn kết, không phân chia dân tộc và giàu nghèo, các trò chơi nghệ thuật được tổ chức thành ngày hội, nên không khí ngày Tết thật vui nhộn, ấm cúng, mới có câu “Vui như ngày Tết”. Ngày 3.2.1930 là ngày mùng 5 Tết Canh Ngọ, là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng dịp dân tộc ta vui Xuân của một năm mới. Nên Tết hàng năm gắn chặt với ngày Đảng ra đời, do đó ngày mừng Đảng được tổ chức cùng ngày mừng Xuân của dân tộc. Vì thế mừng Đảng, mừng Xuân đã trở thành ngày hội của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày hội có ý nghĩa sâu sắc, vì không có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, không thể có ngày vui của không khí đại đoàn kết các dân tộc, không có vật chất đầy đủ, tinh thần vui tươi, nhộn nhịp của ngày hội.
Nhớ lại những năm 1956 – 1960, các dân tộc tỉnh Hà Giang vẫn nhớ những hội nghị đoàn kết dân tộc được tổ chức theo khu vực và từng xã để nghe tuyên truyền và tuyên bố từ nay xóa bỏ tư tưởng phong kiến và thực dân Pháp về chia rẽ dân tộc, phân biệt giàu, nghèo, cùng nhau nhận thức mọi dân tộc và giai cấp (giàu, nghèo) đều là người Việt Nam, phải sống đoàn kết và yêu thương nhau như anh em trong một gia đình, các dân tộc là một đại gia đình. Sau những cuộc họp đại đoàn kết đó, hàng năm cứ đầu Xuân từ ngày mùng 2 - 6 Tết, các xã tổ chức mít-tinh tổng kết năm cũ, phát động phong trào thi đua cho một năm mới với những nội dung cụ thể, thiết thực của xã. Từ đó đến nay nửa thế kỷ đã qua, các dân tộc trong cả nước nói chung, Hà Giang nói riêng đã thật sự sống và đối xử với nhau là anh em trong một đại gia đình, không kỳ thị dân tộc, giàu nghèo, đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Được sống như ngày hôm nay ai cũng biết trước hết nhờ có vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng trung thành của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Do đó mỗi dịp đón Tết, mừng Xuân, nhân dân cả nước nói chung, Hà Giang nói riêng lại nhớ đến công ơn của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Vì Đảng đã lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội với cuộc sống ấm no, hạnh phúc của ngày hôm nay.
Thế hệ sinh từ năm 1930 - 1950 là người được sống hai chế độ: Phong kiến - thực dân và chủ nghĩa xã hội, thấu hiểu nỗi khổ của xã hội phong kiến, niềm vui sướng của chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, biết ơn sâu sắc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế hệ sinh sau được hưởng hòa bình, độc lập và tự do với cuộc sống ấm no, hạnh phúc, biết ơn chế độ tốt đẹp và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước, từ đó tự xây dựng cho mình lý tưởng cao cả là cống hiến cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội để xây dựng đất nước Việt Nam, con người Việt Nam lên ngang tầm thời đại. Đó là niềm tin, lý tưởng của người Việt Nam ngày nay.
Triệu Đức Thanh
Ý kiến bạn đọc