Sự hài lòng của người dân, thịnh vượng của doanh nghiệp - thước đo hữu hiệu đối với Chính quyền năng động, vì dân phục vụ
Xuân 2018 - Năm 2017, tỉnh ta đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhân dịp đón Xuân mới Mậu Tuất 2018, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành thời gian, trả lời phỏng vấn của Báo Hà Giang về những kết quả đạt được trong việc xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo.
Phóng viên: Quyết tâm xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương, xin đồng chí cho biết, tỉnh ta triển khai tinh thần chỉ đạo trên như thế nào?
Đồng chí (Đ/c) Nguyễn Văn Sơn: Thực hiện quan điểm chung của Chính phủ về xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể phục vụ, ngay từ đầu nhiệm kỳ và đặc biệt trong năm 2017, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp cụ thể để xây dựng Chính quyền gần dân, vì nhân dân phục vụ, với quan điểm biến khó khăn thành cơ hội phát triển và nói phải đi đôi với làm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thông qua việc thực hiện chương trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, tỉnh ta đã ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa, đưa các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển KT-XH của địa phương. Trong đó, về cải cách hành chính, ngoài việc rà soát, cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục so với quy định, gắn với việc hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Hành chính công của tỉnh, các huyện, thành phố, song song với đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng Chính quyền điện tử và Cổng giao dịch điện tử dịch vụ công cấp tỉnh.
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, tỉnh ta đã chủ động xây dựng chiến lược riêng biệt trong chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với mục tiêu thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh; mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh ta đã chủ động phối hợp với Đại học Fulbright, xây dựng Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với năm hợp phần cơ bản và giải quyết 11 “nút thắt” trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh đã thuê Công ty Mackensey Việt Nam lập Quy hoạch đầu tư, phát triển Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với thành phố Hà Giang.
Trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đoàn viên khởi nghiệp tiếp cận với các nguồn lực phát triển, thông qua ban hành 3 nghị quyết chuyên đề về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu. Đồng thời, quy hoạch quỹ đất sạch để mời gọi, thu hút đầu tư và thực hiện chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số thủ tục phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư dự án và cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao Giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017. Ảnh: P.V |
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết quyết tâm trong xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo đã tác động như thế nào đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 của tỉnh?
Đ/c Nguyễn Văn Sơn: Hà Giang - tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và có 6/11 huyện, thành phố nằm trong danh sách 63 huyện nghèo của cả nước. Với mục tiêu hành động, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa Hà Giang ra khỏi tình trạng khó khăn, phát triển ngang bằng với các địa phương trong khu vực, tỉnh ta đã xác định, lựa chọn doanh nghiệp ngoài quốc doanh và nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách sẽ là động lực chính thúc đẩy KT-XH phát triển. Do đó, nhiệm vụ của Chính quyền phải hành động, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư và đồng hành với nhà đầu tư ngay từ khi hình thành ý tưởng đến khi đưa dự án vào hoạt động.
Trong năm 2017, phát huy tinh thần đoàn kết và hành động quyết đoán nên mặc dù thời tiết diễn biến bất thường, ngân sách Nhà nước bị cắt giảm và chủ yếu dành cho trả nợ xây dựng cơ bản, nợ vay từ các năm trước nhưng tình hình KT-XH của tỉnh vẫn đạt được một số kết quả khá toàn diện trên một số lĩnh vực như: Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định, niềm tin của quần chúng nhân dân vào các cấp chính quyền tiếp tục được củng cố; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,36%, cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 7.600 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,35 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,57%, hoàn thành thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 35/46 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra; cải cách hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp được cải thiện mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu; chủ quyền Quốc gia và an ninh biên giới được giữ vững, vị thế của tỉnh ngày được nâng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng quà người không nơi nương tựa tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ảnh: Văn Nghị |
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết, tỉnh ta có những hành động thiết thực nào triển khai Nghị Quyết 35/NQ- CP về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và kết quả cụ thể?
Đ/c Nguyễn Văn Sơn: Thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ, tỉnh đã ký kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 2.500 doanh nghiệp hoạt động. Do đó, ngoài việc hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình khởi nghiệp phát triển, tỉnh ta đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra, kiểm tra và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Bên cạnh việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tỉnh cũng đã chủ động gặp mặt, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thông qua việc duy trì số điện thoại đường dây nóng, hộp thư công vụ của Chủ tịch UBND tỉnh gắn với tăng cường thanh tra công vụ, đã kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Với những hành động quyết liệt trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, năm qua có 228 doanh nghiệp và 109 hợp tác xã thành lập mới; đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 2.216 doanh nghiệp và 753 hợp tác xã, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, thu hút trên 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tại hội nghị, đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng số vốn 8.416 tỷ đồng và ký biên bản hợp tác đầu tư với 17 dự án, tổng mức đăng ký đầu tư 7.667 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tốt cho môi trường đầu tư và công tác xúc tiến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tiền đề vững chắc cho tỉnh ta phát triển.
Phóng viên: Nhằm tiếp tục biến quyết tâm xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp thành hành động cụ thể, xin đồng chí cho biết mục tiêu, định hướng tỉnh ta sẽ thực hiện trong năm mới 2018?
Đ/c Nguyễn Văn Sơn: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, với 2 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm, tỉnh ta tiếp tục kiên định mục tiêu xây dựng Chính quyền địa phương thân thiện, liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân và vì nhân dân phục vụ. Trên cơ sở, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, tỉnh ta sẽ xây dựng, ban hành các kế hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng cải cách hành chính, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin gắn với kỷ cương, kỷ luật hành chính công vụ; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp trong năm 2018. Thực hiện chủ trương này, ngoài việc tiếp tục rà soát, cắt giảm và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, gắn với cương quyết xóa bỏ các rào cản đối với việc ra nhập thị trường của doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi chiến lược kinh doanh vào ba trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục có các giải pháp, từng bước tháo gỡ các “nút thắt” trong phát triển kinh tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, với tôn chỉ hành động: Sự hài lòng của người dân và sự thịnh vượng của doanh nghiệp chính là thước đo hữu hiệu đối với Chính quyền năng động, vì dân phục vụ.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn!
THIÊN THANH (THỰC HIỆN)
Ý kiến bạn đọc