Quản Bạ đón mùa vui
Xuân 2018 - Năm cũ qua đi, Xuân mới về, người nông dân huyện Quản Bạ đón thêm những câu chuyện vui về một năm sản xuất có nhiều đổi thay. Cây Hồng không hạt khẳng định được vị thế, chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng; nhiều sản phẩm nông nghiệp có tem truy xuất nguồn gốc… góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.
Năm 2017, huyện Quản Bạ đã thực hiện tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất. Trong đó, tập trung chính vào phát triển dược liệu, Hồng không hạt, ngô lai và chăn nuôi bò, dê, ngựa, ong mật. Từ nỗ lực của ngành Nông nghiệp và nhân dân, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 16.015 ha, sản lượng lương thực đạt trên 29.463 tấn, giá trị thu hoạch cây hàng năm đạt 42 triệu đồng/ha, tăng 2 triệu đồng/ha so với năm 2016; tổng đàn gia súc đạt 21.470 con, tăng 1.685 con so với cùng kỳ năm trước.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh, lãnh đạo huyện Quản Bạ tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm Hồng không hạt. Ảnh: Duy Tuấn |
Đặc biệt, năm nay người nông dân vui mừng khi sản phẩm Hồng không hạt Quản Bạ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Sự kiện này đã góp phần khẳng định, nâng cao giá trị cây Hồng không hạt, diện tích trồng mới tăng trên 11 ha. Ngoài ra, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết tới và đã có tem truy xuất nguồn gốc như: Hồng không hạt, trà túi lọc, rau an toàn, chè Tùng Vài, cao Mạnh gân hoạt cốt, trà Gừng, cao Atiso. Huyện cũng quan tâm phát triển rau, hoa công nghệ cao; hiện đã có 3 nhà lưới trồng rau, hoa công nghệ cao được xây dựng với tổng diện tích 5.050 m2; một gian hàng trưng bày, bán sản phẩm và một số sản phẩm được cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Qua 2 năm thực hiện, Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, huyện đã giải ngân 43.268 triệu đồng cho 553 hộ đầu tư chăn nuôi trâu, bò, ong mật, xây dựng chuồng trại, trồng dược liệu, xây dựng nhà xưởng chế biến, bảo quản dược liệu và mua máy móc thiết bị. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình phát triển chăn nuôi quy mô hàng hóa như: Hộ ông Lò Xín Quân, Đặng Xuân Thành, xã Quyết Tiến vay vốn mua trâu, bò, xây dựng chuồng trại với quy mô 100 con trở lên; hộ ông Cháng Thìn Lù (xã Thanh Vân), Lê Trung Kiên (xã Quyết Tiến) vay vốn nuôi ong với quy mô 300 đàn...
Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha, cho biết: “Năm tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển cây, con theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với các cây, con chủ lực như dược liệu, Hồng không hạt, ngô lai; bò, dê, ngựa và các sản phẩm đặc hữu theo chuỗi giá trị; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các phương án, đề án, kế hoạch mang tính xuyên suốt giai đoạn 2017-2020 nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc