Nối dài những cung đường Xuân
Xuân 2018 - Nằm cách xa các trung tâm phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của tỉnh. Nhưng, với quan điểm giao thông đi trước, mở đường phát triển KT-XH, thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã chủ động rà soát, củng cố, tăng cường năng lực quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao trách nhiệm quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng công trình…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh kiểm tra tiến độ thi công cầu Yên Biên. Ảnh: TIẾN LÂM |
Từ mục tiêu trên, trong năm qua, Sở GT-VT đã thẩm định 36 công trình, tổng kinh phí trên 1.605 tỷ đồng. Các dự án được tổ chức thẩm định đảm bảo thời gian, đúng quy trình, quy phạm và các quy định hiện hành của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, luôn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các dự án nhằm nâng cao chất lượng cũng như mỹ quan của công trình. Công tác tư vấn, thiết kế, cơ bản thực hiện đúng chủ trương xây dựng của cấp có thẩm quyền, đảm bảo tiến độ, thời gian theo yêu cầu của chủ đầu tư; hồ sơ thiết kế đảm bảo chất lượng và tính bản quyền.
Công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, đảm bảo giao thông, kế hoạch vốn giao năm 2017 trên 308 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư trên 166 tỷ đồng; nguồn sự nghiệp giao thông địa phương trên 60 tỷ đồng... Đối với công trình T.Ư ủy thác, đã bảo dưỡng thường xuyên 5 tuyến Quốc lộ có tổng chiều dài 389 km. Khối lượng công việc tập trung chủ yếu sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống thoát nước. Đồng thời bảo dưỡng thường xuyên 12 tuyến tỉnh lộ với chiều dài trên 464 km; sửa chữa định kỳ đối với 7 dự án, công trình chuyển tiếp; làm mới 4 công trình với phần công việc chủ yếu tập trung sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống thoát nước bằng nguồn ngân sách địa phương.
Người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Cùng với nỗ lực của ngành Giao thông, các huyện, thành phố đã quan tâm, thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp cầu, đường giao thông nông thôn và mở mới các tuyến đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Sở GT-VT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ huy động máy móc, nhân lực, phối hợp với phòng chức năng của các huyện khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt.
Kiểm soát tải trọng xe, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. |
Với vai trò, trách nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới cũng như thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, Sở GT-VT đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tham mưu cho tỉnh biên soạn các tài liệu hướng dẫn chuyên ngành liên quan. Chính vì vậy, hệ thống giao thông nông thôn được chú trọng, từ khi thực hiện xây dựng Nông thôn mới đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp và làm mới được 2.176 km đường. Trong đó, làm đường trục xã, liên xã được 827 km, 916 km trục đường thôn, 568 km đường ngõ xóm, 92 km đường trục chính nội đồng đảm bảo xe cơ giới đị lại thuận tiện, 112 cầu, cống dân sinh...
Trong khi mạng lưới giao thông kết nối của tỉnh chưa đồng bộ, chưa có nhiều lựa chọn cho người dân, việc tập trung quản lý, đầu tư, sửa chữa, hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, từ các tuyến Quốc lộ đến đường tỉnh, huyện, giao thông nông thôn... đã, đang tạo điều kiện giúp người dân mở rộng giao thương, trao đổi hàng hóa, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc